07/08/2013 10:00 AM
Khó khăn của thị trường bất động sản kéo dài và tiềm lực tài chính có hạn đã khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản niêm yết phải bán dự án hoặc tìm đối tác để hợp tác đầu tư.

Đa dạng lệnh chào

Từ tháng 4/2013, CTCP Xây dựng số 2 -Vinaconex 2 (VC2), chủ đầu tư Dự án Khu đô thị mới Kim Văn - Kim Lũ (Hoàng Mai, Hà Nội) đưa ra lời mời hợp tác đầu tư hạng mục ô đất A với diện tích 10.802 m2 xây dựng chung cư cao tầng thuộc lô đất CT2. Phương án mời hợp tác rất đa dạng, bao gồm bán lại cho đối tác tự triển khai xây dựng; hợp tác đầu tư cùng triển khai; cho thuê hoặc hình thức hợp tác phù hợp khác.

Tương tự VC2, một trong những nhiệm vụ trọng tâm năm 2013 của CTCP Kinh doanh dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam (PVR) là tìm đối tác chuyển nhượng Dự án Tổ hợp căn hộ và dịch vụ công cộng CT15 Việt Hưng. Hiện Dự án đã hoàn thành hạng mục cọc đại trà giai đoạn 1 (1 khối nhà 18 tầng) và PVR đã đổ vào dự án này khoảng gần 60 tỷ đồng. Việc chuyển nhượng được đặt ra từ năm 2012, nhưng theo lãnh đạo PVR, do thị trường khó khăn nên không thể thực hiện được. Không chỉ Dự án CT15 Việt Hưng, Dự án Khu du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên (giai đoạn 1) của PVR cũng trong tình trạng nằm chờ… đối tác. Hiện tại, Dự án đã hoàn thành đồ án quy hoạch chi tiết 1/500, nhưng chủ đầu tư đang lâm vào tình trạng hết tiền để đầu tư tiếp.

Không đủ lực để tự triển khai dự án, VC2 phải tìm đối tác để hợp tác đầu tư Dự án Kim Van - Kim Lũ

Trong khi đó, Vinaconex Xuân Mai (XMC) lại mắc cạn với 3 dự án bất động sản tại phía Nam, với số tiền bỏ ra đầu tư ban đầu hàng trăm tỷ đồng, trong đó có dự án tại huyện Bình Chánh, TP. HCM vướng phải đất nông nghiệp; 2 dự án khác chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý để triển khai đầu tư xây dựng. Để tập trung nguồn lực triển khai các dự án phía Bắc, XMC đã chuyển nhượng toàn bộ diện tích đất tại Dự án xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh cho Công ty TNHH Đầu tư phát triển Lộc Thành. Hợp đồng chuyển nhượng đang trong giai đoạn thực hiện và phía đối tác đã chuyển tiền đợt 1. Đối với dự án đầu tư xây dựng tại xã Phú Xuân, huyện Nhà Bè và Dự án 677A Lê Văn Việt, Công ty đang phối hợp với các đơn vị liên quan để hoàn thiện thủ tục pháp lý và tìm đối tác chuyển nhượng để thu hồi vốn.

101 lý do

Để có đất sạch tại Dự án Kim Văn - Kim Lũ, VC2 đã mất 5 - 6 năm theo đuổi, đồng thời, theo một lãnh đạo của VC2, Công ty đã vay hàng trăm tỷ đồng để giải phóng mặt bằng và hoàn thiện hạ tầng của Dự án. Vậy tại sao đã bỏ ra nhiều công sức, tiền bạc và Dự án có vị trí khá đẹp, nhưng VC2 lại không tiếp tục triển khai để bán sản phẩm ra thị trường?

Theo vị đại diện của VC2, để đầu tư một tòa nhà đủ điều kiện bán hàng (có móng), cần phải bỏ ra khoảng vài trăm tỷ đồng nữa. Tuy nhiên, hiện việc huy động vốn là rất khó, trong khi doanh nghiệp cũng chưa dám chắc sẽ tiêu thụ được hết sản phẩm, nhất là trong bối cảnh thị trường vẫn còn khó khăn như hiện nay. Do đó, tìm đối tác cùng hợp tác là phương án được Công ty cân nhắc kỹ càng.

Đối với PVR, do đầu tư dàn trải ở nhiều dự án, nên Công ty đang lâm vào tình trạng thiếu vốn trầm trọng để tiếp tục triển khai các dự án dở dang. PVR không vay được vốn để triển khai dự án chính là CT10-11 Văn Phú, nên dẫn tới việc chậm tiến độ, gây ra tình trạng khiếu kiện của khách hàng. Cực chẳng đã, Công ty phải sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu để thực hiện dự án, khiến tình hình tài chính đã khó càng thêm khó, nhất là hiện nhiều khách hàng không chịu nộp tiền mua nhà theo hợp đồng đã ký. Để có tiền, năm 2013, PVR phải tập trung tìm kiếm đối tác chuyển nhượng Dự án Việt Hưng với dự kiến thu về khoảng 64 tỷ đồng. Nếu không chuyển nhượng được dự án này, PVR phải sử dụng phần vốn góp tại dự án này làm tài sản thế chấp để vay vốn, nhằm có tiền xoay xở cho Dự án Văn Phú.

Trong cơ cấu cổ đông lớn của PVR có Tập đoàn Đại Dương (OGC), song để vay được vốn triển khai tiếp dự án bất động sản thời điểm này cũng không dễ, nhất là khi doanh nghiệp đã có đến 4 quý lỗ liên tiếp.

Các ngân hàng đang thừa vốn, lãi suất cho vay cũng giảm so với trước kia, nhưng việc bán bớt dự án hoặc tìm đối tác cùng triển khai xây dựng có lẽ vẫn là giải pháp dễ chịu và dễ thực hiện hơn đối với các doanh nghiệp bất động sản ở thời điểm này.

Thủy Nguyễn (Đầu tư chứng khoán)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.