Không chỉ vừa làm vừa ngâm khiến Quốc lộ 14 thi công nham nhở, nhiều chủ đầu tư đang có dấu hiệu bán thầu, không bảo đảm được chất lượng công trình

Dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 14 có tổng chiều dài 663 km, kéo dài từ Đắk Giôn (tỉnh Kon Tum) đến Chơn Thành (tỉnh Bình Phước). Đến nay, dự án mới hoàn thành đoạn Đắk Giôn - Tân Cảnh (tỉnh Kon Tum) dài 110 km và một số đoạn ngắn qua các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước; gần 500 km còn lại đang ngổn ngang. Trước nhu cầu cấp bách của dự án, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt hơn 10.000 tỉ đồng nguồn vốn trái phiếu để đầu tư nâng cấp hơn 300 km.

Có tiền nhưng vẫn ì ạch

Chiều 28-4, từ Km 543 đến Km 549 đoạn Pleiku - cầu 110, nhiều đoạn đường mới chỉ được san ủi và lu lèn 2 bên, có đoạn được thảm đá dăm nửa làn, có đoạn đã thảm cả làn đường. Đặc biệt, cả đoạn đường không thấy bất cứ một thiết bị máy móc và công nhân nào thi công.

Đoạn tiếp theo từ Km 549 đến thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê cũng đang thảm đá dăm, lu lèn gia cố nền đường. Nhiều đoạn thi công nham nhở, bụi mù mịt khiến người dân phải lấy nước tưới đường để giảm bụi. Cả đoạn đường từ TP Pleiku tới trung tâm huyện Chư Sê dài gần 40 km mới chỉ có hơn 1 km được thảm nhựa mới cả làn đường.

Ông Võ Văn Văn, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Gia Lai, cho biết Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai vừa báo cáo với sở là đã triển khai thi công 8/9 gói thầu chính. Riêng gói thầu GL-04 qua địa bàn thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê chỉ thảm lớp mặt đường bê-tông nhựa nên chưa triển khai thi công. “Sở đã làm rất tốt công tác giải phóng mặt bằng và bàn giao sớm cho phía chủ đầu tư. Tuy nhiên, Sở GTVT không theo dõi về tiến độ thi công mà chỉ có trách nhiệm kiểm tra, bảo đảm tình hình an toàn giao thông và chất lượng thi công, sau đó báo cáo Bộ GTVT” - ông Văn nói.

Người dân ở thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai phun nước ra đường để bớt bụi Ảnh: HOÀNG THANH
Theo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh (BQL), phần lớn các nhà thầu đều chậm tiến độ, trung bình chỉ đạt khoảng 10% hợp đồng. Bộ GTVT đã có văn bản nghiêm khắc phê bình nhưng các nhà thầu vẫn chậm trễ. Ông Nguyễn Văn Huấn, Phó Tổng Giám đốc BQL, đã đề xuất với Bộ GTVT giám sát đặc biệt 3 nhà thầu. Đó là Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai trong quá trình thực hiện gói thầu số 2 (đoạn qua tỉnh Đắk Lắk) đã bị phê bình 2 lần trong tháng 2 và 3-2014. Tương tự, 2 nhà thầu là Công ty Liên hợp Xây dựng Vạn Cường (gói 3, qua tỉnh Đắk Lắk) và Công ty CP Đầu tư Xây lắp Dầu khí IMICO (gói 2, qua tỉnh Đắk Nông) đã nhiều lần bị phê bình và đưa vào diện cần phải giám sát đặc biệt.

“Tiền không thiếu, có đủ mặt bằng để thi công nhưng không hiểu sao các nhà thầu vẫn chậm trễ, ảnh hưởng đến tiến độ toàn tuyến” - ông Phan Quang Hiển, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông - Bộ GTVT, băn khoăn.

Bán thầu sẽ ảnh hưởng chất lượng công trình

Đầu tháng 4-2014, BQL phối hợp với Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông đã kiểm tra, giám sát việc thi công trên toàn tuyến Quốc lộ 14. Quá trình kiểm tra, phát hiện tại gói thầu BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) qua tỉnh Đắk Nông do Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai đã trải đá mạt (đá vụn) rồi lấp lại. Trong khi đó, gói thầu qua tỉnh Gia Lai của công ty này thì trải đá dăm nhưng không dùng máy trải chuyên dùng. Ngay sau khi phát hiện, BQL đã lập biên bản hiện trường, thông báo vụ việc cho cơ quan chức năng.

Theo ông Lương Văn Hoàng, Tổng Giám đốc BQL, hiện một số nhà thầu phản ánh giá đá tăng vô tội vạ, một số mỏ đá không bảo đảm chất lượng hay chưa có sự cho phép của Bộ GTVT nhưng đã xuất hiện một số đơn vị dưới danh nghĩa liên kết thi công trên tuyến đường. “Chúng tôi đã nhờ lực lượng an ninh vào cuộc điều tra việc bán thầu để tránh ảnh hưởng đến chất lượng công trình” - ông Hoàng nói.

Bộ GTVT nhận định đã có việc bán thầu, rất nguy hiểm đến chất lượng công trình, đề nghị BQL phối hợp với các bên liên quan khẩn trương điều tra làm rõ; đồng thời kiểm tra, làm rõ tại sao không bảo đảm chất lượng mà đá vẫn được ra công trường… Đối với các nhà thầu chậm tiến độ đến cuối tháng 4-2014 mà vẫn không cải thiện được tình hình thì sẽ cắt hợp đồng hoặc giảm 50% hợp đồng, giao cho đơn vị khác.

Nhà thầu trì trệ vẫn liên tiếp trúng thầu

Ông Đỗ Tân Thu, Trưởng Phòng PPP thuộc BQL, cho biết ngày 23-4, BQL đã tiến hành thống kê khối lượng công trình của các nhà thầu chậm tiến độ. Theo đó, gói thầu số 2 (đoạn qua huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk) do Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai làm nhà thầu có giá trị thi công đạt 6,2% so với hợp đồng, đạt 95% so với tiến độ và là nhà thầu có khối lượng thi công thấp nhất trên toàn tuyến, bình quân các gói thầu đạt khoảng 12%. “Chúng tôi đã lập biên bản hiện trường, báo cáo Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông xem xét việc cắt giảm khối lượng của nhà thầu này” - ông Thu nói.

Về việc có hay không sự ưu ái đối với Công ty CP Tập đoàn Đức Long Gia Lai trong việc chọn nhà thầu, ông Huấn cho biết đơn vị này trúng nhiều gói thầu, trong đó các gói thầu ở Đắk Nông và Bình Phước được khởi công từ năm 2010-2011 đến nay vẫn chưa hoàn thành. Trong khi đó, mới đây, đơn vị này trúng tiếp 2 gói thầu ở Gia Lai và Đắk Lắk. Tuy nhiên, ông Huấn khẳng định không phải là ưu ái mà do họ đáp ứng đủ các tiêu chí mà nhà đầu tư yêu cầu nên không có lý do gì không giao cho họ.

Hoàng Thanh - Cao Nguyên (Người lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.