Kể từ 15-1-2018, nhà xây trái phép sẽ được “tha”, không phải buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp từ việc xây trái phép nếu đáp ứng được sáu điều kiện quy định tại Thông tư 03/2018 của Bộ Xây dựng vừa ban hành, hướng dẫn Nghị định 139/2017 về xử lý vi phạm hành chính (VPHC) trong lĩnh vực xây dựng. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 12-6.
Hàng loạt nhà trái phép thở phào
Năm 2013, Chính phủ ban hành Nghị định 121 xử lý VPHC trong lĩnh vực xây dựng. Trong đó quy định các hành vi xây sai nội dung giấy phép xây dựng; xây không có giấy phép; sai thiết kế, sai quy hoạch hoặc thiết kế đô thị được phê duyệt ngoài việc bị xử phạt VPHC còn bị áp dụng biện pháp buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp theo quy định.
Tuy nhiên, theo Thông tư 03, công trình vi phạm xây dựng sẽ được tha nộp khoản tiền thu lợi bất hợp pháp và được tồn tại nếu đáp ứng đủ sáu điều kiện. Các điều kiện đó là hành vi vi phạm xảy ra từ 4-1-2008 và đã kết thúc trước 15-1-2018 nhưng sau 15-1-2018 mới được phát hiện; hoặc được phát hiện trước 15-1-2018 và có một trong các văn bản: biên bản VPHC, quyết định xử phạt VPHC, quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả hoặc quyết định áp dụng bổ sung biện pháp khắc phục hậu quả; không vi phạm chỉ giới xây dựng; không ảnh hưởng các công trình lân cận; không có tranh chấp; xây dựng trên đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp. Cuối cùng là phù hợp với quy hoạch xây dựng được duyệt.
Từ ngày 15-1-2018, nhà xây trái phép sẽ được “tha“ nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định. Ảnh: HTD
Không phù hợp quy hoạch sẽ phải tháo dỡ
Tuy không phải nộp tiền phạt nhưng công trình trái phép mà không phù hợp với quy hoạch được duyệt thì sẽ bị xử lý.
Theo đó, nếu hành vi vi phạm được người có thẩm quyền phát hiện trước 15-1-2018, đã lập biên bản VPHC, ra quyết định xử phạt, quyết định áp dụng biện pháp buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp nhưng đến ngày 15-1-2018, cá nhân, tổ chức vi phạm vẫn chưa thực hiện theo quyết định thì người có thẩm quyền xử phạt ban hành quyết định áp dụng biện pháp buộc tháo dỡ công trình/phần công trình xây dựng vi phạm.
Trong trường hợp hết thời hiệu xử phạt thì sẽ không bị phạt VPHC, tuy nhiên công trình sai phạm hoặc phần sai phạm sẽ bị buộc tháo dỡ.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng, cho biết TP đang có văn bản kiến nghị Thủ tướng cho phép thí điểm tổ chức lại bộ máy thanh tra xây dựng. Theo đó, sẽ chuyển 85% lực lượng thanh tra về quận/huyện và 15% giữ lại là thanh tra sở.
Trong thời gian chờ Thủ tướng có ý kiến, Sở đã trình UBND TP dự thảo văn bản thay thế Quyết định 58/2013 về quy chế phối hợp quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP. “Nếu Thủ tướng chấp thuận thì quy chế phối hợp mới cũng sẽ được ban hành để có thể triển khai ngay” - ông Tuấn nói.
Số tiền thu lợi bất hợp pháp được xác định như sau: a. Công trình nhằm mục đích kinh doanh: Số lợi bất hợp pháp là tổng số mét vuông sàn xây dựng vi phạm nhân với đơn giá 1 m2 theo hợp đồng mua bán, chuyển nhượng đã ký nhưng không được thấp hơn suất vốn đầu tư đối với cùng loại, cấp công trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành, nhân với 50%; b. Công trình không nhằm mục đích kinh doanh: Số lợi bất hợp pháp là tổng số mét vuông sàn xây dựng vi phạm nhân với chi phí 1 m2 sàn xây dựng theo dự toán được duyệt nhưng không được thấp hơn suất vốn đầu tư đối với cùng loại, cấp công trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành, nhân với 50%; c. Trường hợp không có hợp đồng mua bán, chuyển nhượng đã ký hoặc dự toán được duyệt: Số lợi bất hợp pháp được xác định là tổng mét vuông sàn xây dựng vi phạm nhân với suất vốn đầu tư đối với cùng loại, cấp công trình do cơ quan có thẩm quyền ban hành, nhân với 50%. |