Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh đang kiến nghị UBND tỉnh thực hiện điều chỉnh giảm hàng trăm tỷ đồng nguồn vốn đầu tư công trong kế hoạch vốn năm 2020. 

Dự án xây dựng Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn tiết kiệm được ngân sách do quá trình đấu thầu tiết kiệm và không thực hiện vận chuyển đất về bãi thải. Ảnh: Lê Văn

Dự án xây dựng Khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn tiết kiệm được ngân sách do quá trình đấu thầu tiết kiệm và không thực hiện vận chuyển đất về bãi thải. Ảnh: Lê Văn

* Đề xuất giảm gần 900 tỷ đồng

Theo đó, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh đã trình UBND tỉnh kiến nghị giảm hơn 886 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư công đối với 2 dự án do đơn vị làm chủ đầu tư.

Ông Trần Văn Thanh, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho biết, nguồn vốn được kiến nghị điều chỉnh giảm là nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách trung ương.

2 dự án được kiến nghị điều chỉnh giảm vốn là dự án xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP.Biên Hòa giai đoạn 1 và dự án xây dựng 2 khu tái định cư cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành.

Theo ông Trần Văn Thanh, dự án xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP.Biên Hòa giai đoạn 1 sử dụng nguồn vốn vay hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cấp phát từ ngân sách trung ương. Năm 2017, Chính phủ Việt Nam và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã ký Hiệp định vay vốn ODA cho dự án này. Trong giai đoạn 1, dự án sẽ triển khai thi công hơn 120km đường ống và 1 trạm xử lý nước thải công suất 39 ngàn m3/ngày đêm tại P.Tam Hiệp. Tuyến cống thu gom nước thải được đặt dọc theo đường Nguyễn Văn Trị, sau đó theo sát bờ sông Cái và đi vào trạm xử lý.

Hiện nay, một số hạng mục như công tác đền bù, san lấp mặt bằng, xây tường rào, nhà bảo vệ của trạm xử lý nước thải và trạm bơm số 1 đã được triển khai thực hiện. Đây là những hạng mục sử dụng nguồn vốn đối ứng của UBND tỉnh.

Năm 2019, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cũng đã hoàn thành dự thảo hồ sơ mời thầu gói thầu số 1 (tư vấn) gồm: lập hồ sơ thiết kế chi tiết - dự toán; hỗ trợ đấu thầu và giám sát thi công cho dự án. Tuy nhiên, đến nay phía JICA vẫn quan ngại vấn đề liên quan đến ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin đối với dự án nên chưa thống nhất để phục vụ cho việc tuyển chọn đơn vị tư vấn cho dự án. Chính vì vậy, nguồn vốn đầu tư đã được trung ương cấp phát hơn 161 tỷ đồng từ nguồn vốn ODA cho dự án hiện vẫn chưa thể được giải ngân. “Do JICA chưa có ý kiến về hồ sơ mời thầu dự án nên đến cuối năm 2020 không thể giải ngân được nguồn vốn. Do đó, đơn vị đang trình UBND tỉnh điều chỉnh giảm toàn bộ nguồn vốn hơn 161 tỷ đồng bố trí cho dự án” - ông Trần Văn Thanh cho hay.

Trước đó, vào tháng 7-2020, tại buổi làm việc với đoàn công tác của Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng đã kiến nghị Bộ KH-ĐT điều chỉnh giảm nguồn vốn đã được bố trí cho dự án xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP.Biên Hòa giai đoạn 1 cho các dự án khác để tăng hiệu quả sử dụng nguồn vốn.

Đối với dự án xây dựng 2 khu tái định cư để bố trí tái định cư cho người dân vùng dự án Sân bay Long Thành, nguồn vốn được tính toán điều chỉnh giảm là hơn 720 tỷ đồng. Trong đó, đối với việc thi công khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn, nguồn vốn được tính toán giảm do quá trình đấu thầu tiết kiệm, cộng với việc không thực hiện vận chuyển đất ra bãi thải như phương án ban đầu nên tiết giảm được chi phí.

Riêng nguồn vốn được bố trí cho dự án thành phần xây dựng khu tái định cư Bình Sơn, hiện nay UBND tỉnh đã có chủ trương tạm dừng xây dựng khu tái định cư này nên nguồn vốn bố trí trong năm 2020 cũng chưa thể giải ngân được.

* Nhiều dự án vẫn vướng mặt bằng

Năm 2020, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh được bố trí hơn 1 ngàn tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh để thực hiện các dự án.

Ông Trần Văn Thanh cho biết, đối với nguồn vốn đầu tư công từ ngân sách tỉnh, đơn vị vẫn giữ nguyên kế hoạch vốn được giao. Tuy nhiên, hiện nay tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công gặp khó khăn chủ yếu do liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng.

Các dự án gặp khó trong công tác giải phóng mặt bằng chủ yếu nằm trên địa bàn 3 địa phương gồm: TP.Biên Hòa, H.Long Thành và H.Nhơn Trạch. Thống kê của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho thấy, hiện có đến 10 dự án trên địa bàn 3 địa phương này còn gặp vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng. Trong đó, TP.Biên Hòa có đến 5 dự án hiện vẫn gặp “vướng” về mặt bằng.

Theo ông Trần Văn Thanh, hiện đơn vị vẫn đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương để đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án. Đồng thời, đơn vị kiến nghị các địa phương quan tâm, hỗ trợ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về bồi thường đối với các dự án, sớm thực hiện bàn giao mặt bằng để tập trung triển khai thi công và giải ngân kế hoạch vốn năm 2020.

Năm 2020, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh được giao kế hoạch thực hiện nguồn vốn đầu tư công (đã được điều chỉnh) gần 3,3 ngàn tỷ đồng. Trong đó, nguồn vốn ngân sách tỉnh là hơn 1 ngàn tỷ đồng và nguồn vốn ngân sách trung ương là hơn 2,2 ngàn tỷ đồng.
  • Đầu tư công vẫn chưa thông dù sửa luật

    Đầu tư công vẫn chưa thông dù sửa luật

    Để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công (ĐTC) đòi hỏi phải hoàn thiện khung pháp luật và tăng cường trách nhiệm của các cấp có thẩm quyền trong công tác quản lý, thực hiện dự án ĐTC. Nhưng hiện nay cơ chế, chính sách và luật vừa thay đổi đã thiếu đồng bộ, khiến việc triển khai giải ngân vốn ĐTC gặp nhiều lúng túng.

Lê Văn (Báo Đồng Nai)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.