Cụm điện mặt trời Nhà văn hóa Ho Rum được đầu tư 7 năm chưa một lần sử dụng nhưng cũng không thể phát điện
Hư hỏng sau 2 tháng
Từ năm 2012, dự án điện năng lượng mặt trời cho các xã vùng sâu, vùng xa chưa có điện lưới ở tỉnh Quảng Bình được triển khai qua Hiệp định vay vốn ODA của Chính phủ Hàn Quốc. Dự án có tổng vốn 12 triệu USD, Việt Nam đối ứng 1,7 triệu USD. Đây được xem là dự án cấp điện bằng năng lượng mặt trời lớn nhất Việt Nam tại thời điểm đó. Khu vực triển khai dự án trải rộng trên địa bàn 8 xã của 4 huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Minh Hóa với gần 1.300 hộ dân và 78 cơ quan, dịch vụ công.
Xuất phát từ quy mô và tầm quan trọng của dự án, năm 2012, tỉnh Quảng Bình thành lập Ban quản lý Dự án cấp điện bằng năng lượng mặt trời (QBSC), trực thuộc UBND tỉnh. Dự án được tư vấn bởi đơn vị Dohwa và nhà thầu KT Corpotation của Hàn Quốc trúng thầu xây dựng.
Đến cuối năm 2019, dự án được đưa vào sử dụng. Thế nhưng, “hệ thống điện triệu đô” này vừa dùng được 2 tháng thì đã hỏng. Bí thư Chi bộ bản Ho Rum (xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy) Hồ Duy Vàng cho biết: “Bản chúng tôi có 65 bộ dùng cho 91 hộ dân trong bản, điện chỉ có được 2 tháng là mất cho đến nay. Nhà văn hóa thôn có một cụm điện pin mặt trời riêng, chưa sử dựng được lần nào cũng đã mất điện. Số tiền đầu tư điện mặt trời rất lớn, mỗi hộ dân tính ra là 250 triệu đồng, cụm pin mặt trời ở nhà văn hóa bản hơn 1 tỷ đồng, nhưng mất điện triền miên nên bà con dân bản rất chán nản”.
Tương tự, cụm điện mặt trời ở bản Ho Rum vào mùa đông không tích điện đã đành, mùa hè cũng mất điện. Theo ông Hồ Duy Vàng: “Trong 65 cụm pin thì chỉ còn 4 nhà có điện thắp sáng, số còn lại không có dòng điện nào được tích trữ. Mùa hè điện chỉ đỏ đến 20 giờ là mất”. Tình trạng trên cũng diễn ra tương tự ở các xã Ngân Thủy, Lâm Thủy (huyện Lệ Thủy), Trường Sơn, Trường Xuân (huyện Quảng Ninh).
Dài cổ chờ thay thế
Tình trạng hư hỏng kéo dài, không được sửa chữa đang làm cho hệ thống điện của dự án ngày càng xuống cấp. Ở bản Ho Rum, nhiều hộ dân đã gỡ các bình ắc quy tích điện lên nhà để thắp đèn hoặc đưa đến bản có điện nhờ sạc để về thắp sáng. Ông Hồ Duy Vàng nói: “Bình ắc quy không tích được điện từ các tấm pin mặt trời nên bà con dân bản gỡ đi sạc ở bản khác rồi mang về dùng. Họ lắp đặt hình như cho có để giải ngân tiền, chứ vận hành như thế nào họ chẳng quan tâm, sửa chữa cũng không, nên chẳng hiệu quả”.
Bí thư Đảng ủy xã Tân Trạch (huyện Bố Trạch) Nguyễn Văn Đại cho biết, sau 2 năm đưa vào sử dụng, hệ thống điện mặt trời từ dự án triệu đô xuống cấp rõ rệt, nhất là hệ thống bình ắc quy. Có 200 bình ắc quy thì đã hỏng 100 bình, khiến điện có trong ngày nắng mùa hè ít hơn trước đây, còn mùa đông thì không có điện.
Phó Chủ tịch UBND xã Trọng Hóa (huyện Minh Hóa) Hồ Mi cho biết, địa bàn có 6 bản được sử dụng từ dự án điện năng lượng mặt trời này. Hiện 2 điểm cấp điện tập trung bị hư hỏng, 6 điểm cấp điện độc lập không thể cấp điện vì các lý do cháy tủ điện, hộp đấu pin, hỏng bộ chuyển đổi điện. Đặc biệt, hệ thống ắc quy bị hỏng và báo lỗi đến 239 cái. Địa phương đã đề nghị sửa chữa, thay mới nhưng sau nhiều tháng đề nghị, đến nay không thấy ai xuất hiện để sửa chữa.
Khi đặt câu hỏi về dự án xuống cấp, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Quảng Bình Phan Văn Thường cho biết: “Sở Công thương chỉ là một đơn vị tham mưu dự án cung cấp điện bằng năng lượng mặt trời, ban quản lý dự án trực thuộc UBND tỉnh mới có thẩm quyền cung cấp thông tin cho báo chí. Hiện một phó giám đốc Sở Công thương phụ trách ban đã nghỉ hưu từ tháng 11-2020 nên không có quản lý trực tiếp”.
Theo tìm hiểu, UBND tỉnh Quảng Bình đang giao Trung tâm Khuyến công và xúc tiến thương mại Sở Công thương quản lý vật tư bảo hành của dự án, đảm bảo sửa chữa. Tuy nhiên, theo ông Thường, ban quản lý dự án đang chờ bổ nhiệm trưởng ban mới có thể trả lời báo chí và khảo sát hư hỏng hệ thống để sửa chữa.
Theo một cán bộ Phòng Năng lượng Sở Công thương tỉnh Quảng Bình, việc sửa chữa sẽ tốn rất nhiều kinh phí ngân sách do các địa bàn vùng sâu vùng xa, nhiều nơi hỏng một bộ phận cần khảo sát lại cả hệ thống cũng chưa chắc khôi phục lại được nên rất khó để đảm bảo hiệu quả toàn bộ.
-
Quảng Bình: Tăng cường quản lý thực hiện dự án nhà ở thương mại, khu đô thị
Nhằm phát triển các khu đô thị, khu nhà ở thương mại, giai đoạn 2010 - 2020, tỉnh Quảng Bình đã và đang triển khai đầu tư 36 dự án, với tổng quy mô sử dụng đất hơn 456ha.
-
Tân Hoàng Minh muốn nghiên cứu thực hiện dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái quy mô lớn tại Quảng Bình
UBND tỉnh Quảng Bình vừa tổ chức buổi làm việc với các nhà đầu tư đến tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư dự án trên địa bàn tỉnh.
-
Hé lộ thời điểm khởi công khu công nghiệp hơn 2.200 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động ở Quảng Bình
Dự án Đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp (KCN) Cam Liên có quy mô 450ha, tổng vốn đầu tư hơn 2.200 tỷ đồng do Công ty TNHH Đầu tư Capella Quảng Bình (thuộc Công ty CP Bất động sản Capella) làm chủ đầu tư....
-
Quảng Bình phê duyệt quy hoạch khu vực phát triển đô thị xã Thuận Đức, thành phố Đồng Hới
UBND tỉnh Quảng Bình vừa ban hành Quyết định số 3718/QĐ-UBND về việc phê duyệt quy hoạch phân khu khu vực phát triển đô thị xã Thuận Đức, thành phố Đồng Hới, tỷ lệ 1/2000.