17/07/2021 8:54 AM
CafeLand - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, dự án đường sắt Cát Linh Hà Đông "đủ điều kiện an toàn", đã được cấp Chứng nhận an toàn hệ thống của tư vấn ACT (Pháp).

Cụ thể, trong báo cáo mới nhất gửi Hội đồng kiểm tra Nhà nước giải trình tiếp về công tác nghiệm thu dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Bộ GTVT cho biết, dự án đã được nghiệm thu hoàn thành tuân thủ theo hồ sơ thiết kế đã được phê duyệt, kết quả thí nghiệm, kiểm tra, kiểm định, vận hành thử đảm bảo yêu cầu kỹ thuật.

Đường sắt Cát Linh - Hà Đông (Ảnh: VTC News)

Theo Bộ GTVT, dự án còn tồn tại vài vấn đề về chất lượng nhưng không ảnh hưởng đến khả năng chịu lực, tuổi thọ, công năng của công trình và đảm bảo công trình đủ điều kiện khai thác an toàn đã được Ban Quản lý dự án đường sắt xác nhận trong biên bản và kèm theo các giải pháp khắc phục trong thời gian bảo hành công trình.

Công văn của Bộ GTVT khẳng định: "Công trình đã hoàn thành và nghiệm thu đảm bảo đúng quy mô, tiêu chuẩn kỹ thuật, thiết kế được duyệt, nội dung hợp đồng dự án, đảm bảo theo đúng công năng thiết kế và đáp ứng các chỉ tiêu vận hành theo tiêu chuẩn dự án; toàn bộ kết quả thực hiện, nghiệm thu đã được báo cáo Hội đồng Kiểm tra Nhà nước theo quy định".

Theo hợp đồng EPC, dự án Cát Linh - Hà Đông phải vận hành thử toàn hệ thông để nghiệm thu hoàn thành trước khi đưa vào khai thác. Hiện dự án đã được vận hành thử đảm bảo các chỉ tiêu vận hành khai thác theo đúng thiết kế. Năng lực tối đa toàn tuyến theo thiết kế là 24 đoàn tàu cùng hoạt động với giãn cách tối thiểu 2,3 phút. Giai đoạn đầu hiện nay sẽ vận hành tối đa 10 đoàn tàu với giãn cách 6 phút. Như vậy, dự án không cần giảm chỉ tiêu nào cho dù vẫn có một số tồn tại được Tư vấn ACT khuyến cáo cải tiến.

Bộ GTVT kết luận dự án đáp ứng được các tiêu chuẩn, thiết kế, quy định quản lý chất lượng hiện hành. Đồng thời, dự án đã được đánh giá, cấp Chứng nhận an toàn hệ thống của Tư vấn ACT. Cũng như đủ điều kiện an toàn cho vận tải hành khách theo xác nhận của Tư vấn Ricardo Thượng Hải.

Vì vậy, Bộ kiến nghị Hội đồng Kiểm tra Nhà nước chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư để sớm đưa dự án vào vận hành khai thác.

Trước đó, ngày 29/4, Tư vấn ATC - đơn vị tư vấn độc lập của Pháp - đã tiến hành đánh giá an toàn hệ thống từ năm 2018 và hoàn thiện 13 báo cáo đánh giá, cấp chứng nhận an toàn vào ngày 5/5. Trong đó, ATC cảnh báo dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông có 16 nguy cơ mất an toàn, theo tiêu chuẩn châu Âu.

Liên quan tới 16 cảnh báo nguy cơ mất an toàn đường sắt Cát Linh - Hà Đông được tư vấn ATC khuyến cáo, Bộ Giao thông vận tải cho biết theo tiêu chuẩn châu Âu EN 50126-1:1999 và các tiêu chuẩn tương đương, việc đánh giá, chứng nhận an toàn hệ thống dự án đường sắt đô thị xây dựng mới được thực hiện theo quy trình vòng đời của hệ thống gồm 14 giai đoạn.

14 giai đoạn bao gồm lên ý tưởng, xác định hệ thống và các điều kiện khai thác, phân tích rủi ro, các yêu cầu hệ thống, phân chia các yêu cầu hệ thống, thiết kế và thi công, chế tạo và sản xuất, lắp đặt, chấp nhận an toàn và chạy thử, nghiệm thu hệ thống, vận hành và bảo dưỡng, giám sát hoạt động, hoán cải và cải tiến, ngừng hoạt động và hủy bỏ.

Theo đó, Bộ GTVT đã chấp thuận trên cơ sở tiêu chuẩn và thực tế dự án đáp ứng tiêu chuẩn của đường sắt đô thị Trung Quốc, cũng như tương đồng với các dự án tại Trung Quốc thực hiện trước năm 2020.

Mới đây, UBND TP Hà Nội cũng có văn bản đồng thuận với các giải pháp khắc phục của Bộ Giao thông Vận tải đối với 9/16 vấn đề khuyến cáo của Tư vấn ACT (Pháp). Các vấn đề liên quan đến quản lý vận hành, nhân sự trong giai đoạn khai thác, thuộc trách nhiệm của UBND TP Hà Nội sẽ được cơ quan này cam kết thực hiện.

Đường sắt cao tốc Cát Linh - Hà Đông được khởi công tháng 10/2011, do Bộ GTVT làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 886 triệu USD (hơn 20 nghìn tỷ đồng). Dự án có tổng chiều dài tuyến 13,5km (từ Cát Linh đi Hà Đông), gồm 12 nhà ga trên cao.

Đoàn tàu chạy với vận tốc thiết kế tối đa 80 km/h, vận tốc bình quân khai thác 35 km/h, khai thác với tần suất khoảng 2 phút/chuyến. Theo tính toán sơ bộ đoàn tàu đi từ đầu ga Cát Linh đến ga cuối Yên Nghĩa (Hà Đông) mất 23 phút, thời gian từ ga này đến ga kia khoảng 1 phút với quãng dừng khoảng 30 - 45 giây.

Đến hiện tại, 10 năm kể từ ngày khởi công, dự án vẫn chưa thể đưa vào vận hành.

Liên Thượng
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.