CafeLand - Giá vàng trong nước ngày hôm qua lần đầu tiên chạm mức 56 triệu đồng/lượng vào trưa 24/7, mức cao nhất từ trước tới nay, sau đó đi xuống vài trăm nghìn mỗi lượng.

Giá vàng thế giới đang giao dịch quanh ngưỡng 1.901 USD/ounce, tăng 13 USD/ounce so với đầu giờ sáng qua. Kể từ ngày 1/1/2020 tới ngày 22/7/2020, giá vàng trên thế giới đã tăng hơn 20% lên mức giá trên 1.900 USD/ounce. Nếu so với giá thấp nhất trong tháng 3/2020 thì giá vàng đã tăng 25%, đây là mức giá cao chưa từng thấy trong 9 năm trở lại đây. Giá vàng tiếp tục xu hướng đi lên, trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung ngày càng nóng lên và do sự tác động mạnh của đại dịch COVID-19 đến sự phát triển nền kinh tế. Đặc biệt, sau khi ông Trump cũng vừa đưa ra cảnh báo Washington có thể đóng thêm các lãnh sự quán khác của Bắc Kinh. Trong khi Trung Quốc cũng cho biết sẽ trả đũa.

Giá vàng trong nước, chốt phiên giao dịch ngày 24/7, giá vàng miếng được Tập đoàn DOJI niêm yết ở mức: 53,95 triệu đồng/lượng (mua vào) và 54,95 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC ở mức 53,7 triệu đồng/lượng (mua vào) và 54,30 triệu đồng/lượng (bán ra). Giá vàng trong nước ngày hôm qua lần đầu tiên chạm mức 56 triệu đồng/lượng, mức cao nhất từ trước tới nay. Thị trường vàng chứng kiến lượng khách hàng lớn đổ xô đi mua bán vàng.

USD giảm mạnh trước những diễn biến căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc.Chỉ số US Dollar Index (DXY), đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) giao dịch ở mức 94,57 điểm, giảm 0,13%.

Ngày 24/7, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm của đồng Việt Nam với đô la Mỹ ở mức: 23.221 đồng (tăng 1 đồng so với ngày hôm qua). Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN hiện mua vào ở mức 23.175 đồng (không đổi) và bán ra ở mức 23.867 đồng.

Ngành hàng không mất 400.000 việc làm vì COVID-19. Ngành hàng không toàn cầu chịu thiệt hại nhiều hơn hầu hết các ngành nghề khác, khi các quốc gia áp dụng lệnh giãn cách và cấm di chuyển quốc tế.

Không chỉ các hãng hàng không nhỏ, mà các hãng hàng không quốc gia và lớn hơn như British Airways, Lufthansa và Emirates Airline hay Qantas Airways đều phải sa thải hàng nghìn nhân viên, kể từ đầu mùa dịch. Tại Mỹ, mặc dù chính phủ đang cấm các hãng hàng không cắt giảm nhân sự, nhưng lệnh cấm đó cũng chỉ tồn tại đến tháng 9 này. Một loạt hãng hàng không Mỹ đã sớm cảnh báo về việc nhân viên bị sa thải sẽ lên tới con số 100.000 người vào cuối năm nay.

Hoàng An (TH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.