CafeLand - Sáng nay, giá vàng thế giới lại tiếp tục tăng cao, USD tiếp tục sụt giảm trong bối cảnh EU đạt được thỏa thuận về gói hỗ trợ kinh tế, trong khi Mỹ vẫn gặp nhiều khó khăn do đại dịch diên biến phức tạp.

Giá vàng thế giới đang giao dịch quanh ngưỡng 1.868 USD/ounce, tăng 20 USD/ounce so với đầu giờ sáng qua. Vàng thế giới tăng mạnh sau khi Liên minh châu Âu (EU) đạt được thỏa thuận về gói giải cứu nền kinh tế khu vực trị giá 860 tỷ USD và nước Mỹ vẫn chìm trong khó khăn do đại dịch COVID-19 với hơn 4 triệu người nhiễm.

Giá vàng trong nước, chốt phiên giao dịch ngày 22/7, Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI niêm yết giá vàng SJC ở mức: 52,10 triệu đồng/lượng (mua vào) và 52,85 triệu đồng/lượng (bán ra). Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết vàng SJC ở mức: 52,1 triệu đồng/lượng (mua vào) và 53,07 triệu đồng/lượng (bán ra). Hôm qua, giá vàng trong nước biến động mạnh. Giá vàng đã liên tiếp lập các đỉnh cao lịch sử mới và chinh phục các ngưỡng quan trọng 51-52-53 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo người dân cần cẩn trọng khi giao dịch mua bán vàng. Hiện tại, cung cầu trên thị trường tương đối ổn định, nguồn cung vàng dồi dào. Giá trong nước lên là do theo giá thế giới.

USD tiếp tục sụt giảm trên thị trường thế giới trong khi đồng Euro và đồng bảng Anh tăng mạnh. Chỉ số đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) đứng ở mức 94,95 điểm, ngày càng tiến gần đến mốc thấp nhất trong 4 tháng.

Sáng 23/7, tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.221 đồng/USD. Tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch NHNN ở mức 23.175 ở chiều mua vào và 23.868 ở chiều bán ra. Giá USD hôm nay tại ngân hàng Vietcombank ở mức 23.060 mua vào và 23.270 ở mức bán ra, tiếp tục giảm 10 đồng; Vietinbank đang niêm yết ở mức 23.081 - 23.271 đồng.

Khoảng 35% doanh nghiệp toàn cầu có thể phá sản do dịch COVID-19. Trong số các cường quốc kinh tế, Mỹ sẽ là quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất, khi số doanh nghiệp mất khả năng thanh toán sẽ tăng tới 57% vào năm 2021 so với trước thời điểm đại dịch COVID-19 bùng phát.

Tỷ lệ phá sản tại Brazil, Anh và Tây Ban Nha được dự đoán sẽ trên 40%. Trong khi đó, tại Trung Quốc - nơi khởi phát dịch bệnh, số doanh nghiệp phá sản sẽ tăng chỉ tăng khoảng 20%. Euler Hermes - Công ty chuyên cung cấp bảo hiểm cho các giao dịch thương mại nhấn mạnh đây sẽ là một kỷ lục về chỉ số mất khả năng thanh toán toàn cầu.

Hoàng An (TH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.