17/08/2019 8:30 PM
Những năm gần đây doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) luôn là đối tượng ưu tiên của các ngân hàng...

Doanh nghiệp nhỏ và vừa luôn là đối tượng ưu tiên của các ngân hàng

Theo đó nhiều ngân hàng đã và đang triển khai các gói tín dụng ưu đãi dành riêng cho đối tượng khách hàng này như: BIDV triển khai gói tín dụng quy mô 60.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi thấp hơn 0,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường; ACB tung ra gói tín dụng 3.000 tỷ đồng, áp dụng lãi suất ưu đãi từ 7,5%/năm; Techcombank cũng áp dụng ưu đãi lãi suất cho vay ngắn hạn VND với mức giảm khoảng 0,5% so với mức hiện nay; VPBank giảm 1% lãi suất với các khoản vay tín chấp và 0,5% đối với các khoản vay có tài sản bảo đảm…

Theo thống kê sơ bộ của NHNN, NHTM đưa ra các chương trình ưu đãi, giảm lãi suất cho vay nêu trên chiếm khoảng 57% tổng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng. Điều này đồng nghĩa, các DN đã tiết giảm được hàng nghìn tỷ đồng chi phí sản xuất nhờ việc ngân hàng giảm lãi suất. Đây là cơ hội lớn để DN này chớp thời cơ tiếp cận được nguồn vốn rẻ. Theo lãnh đạo của VPBank, đợt cắt giảm lãi suất kỷ lục này, ngân hàng ưu tiên các DN hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, đáp ứng được các tiêu chí về điều kiện cấp tín dụng, có lịch sử thanh toán tốt. Đây cũng là tiêu chí của nhiều ngân hàng đối với các DNNVV hiện nay.

Trên thực tế, sức khỏe và năng lực tài chính của DNNVV đã được cải thiện tích cực trong thời gian qua. Nhưng theo CEO một nhà băng, ngân hàng chưa thể mạnh tay cho vay bởi những tồn tại cố hữu của đối tượng khách này khiến cho họ vẫn còn thận trọng. Đó là hệ thống sổ sách, quản lý tài chính của DNNVV. Nhiều DN không có hệ thống sổ sách tiêu chuẩn, thuê dịch vụ kế toán bên ngoài chủ yếu phục vụ cho việc khai thuế, nên khi ngân hàng đánh giá tình hình tài chính DNNVV thông qua báo cáo tài chính khó có thể chính xác được. Do sự tin cậy từ báo cáo tài chính chưa cao nên DN khó tiếp cận ngân hàng.

“Đánh giá rủi ro tín dụng các DNNVV là một trong những nhiệm vụ khó khăn nhất đối với các TCTD do nguồn dữ liệu tài chính bị phân mảnh, quá trình xử lý kéo dài, các vấn đề rộng hơn như mâu thuẫn giữa mục tiêu phát triển dư nợ và mục tiêu quản trị rủi ro tín dụng”, vị này nhận xét.

Một lãnh đạo ngân hàng cho biết, khi DN mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, tiền vốn đưa vào tài sản kinh doanh dẫn đến chuyện DN không có tài sản tích lũy để làm tài sản bảo đảm cho ngân hàng. Các loại tài sản khác của DN như nhà xưởng, máy móc, hàng tồn kho rất khó thế chấp cho ngân hàng. Bởi rủi ro từ loại tài sản này khá cao như biến động thị trường tác động đến giá cả hàng hóa đi xuống, ý thức tuân thủ cam kết đối với ngân hàng chưa cao...

Vướng mắc nữa ở cấp độ vĩ mô, mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định 34/2018/NĐ-CP về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, NHNN cũng đã ban hành Thông tư 45/2018/TT-NHNN để hướng dẫn thực hiện nhưng hoạt động tín dụng đối với DNNVV vẫn còn khó khăn do còn thiếu văn bản hướng dẫn về cách xác định vốn điều lệ của quỹ khi thực hiện chuyển đổi mô hình; quy chế xử lý rủi ro của quỹ… ngoài ra nhiều địa phương chưa bố trí đủ vốn điều lệ của quỹ theo quy định.

Khắc phục những tồn tại cố hữu cũng như gia tăng khả năng tiếp cận vốn cho DNNVV, các ngân hàng cũng đã thiết kế các sản phẩm khác hỗ trợ cho đối tượng này. Đơn cử, VPBank ra mắt công cụ giúp DN quản lý dòng tiền trên nền tảng điện tử là BIZPAY để thay thế cho cách quản trị tài chính thủ công. Sử dụng giải pháp này, DN sẽ được dễ dàng tiếp cận vốn ngân hàng hơn do ngân hàng nắm bắt được dòng tiền cũng như uy tín của các bên tham gia chuỗi liên kết, cung ứng.

Hay như TPBank đã ký kết với 2 Fintech là CTCP Misa và CTCP Finext giúp DN có thể vay online tín chấp dựa vào hệ thống báo cáo trên phần mềm kế toán Misa và kết nối đến ngân hàng dựa trên nền tảng công nghệ.

Theo đó, toàn bộ quá trình vay vốn của DN có thể diễn ra trong 10 phút. Lý giải về sự nhanh chóng trong phê duyệt của sản phẩm này, ông Nguyễn Hưng - Tổng giám đốc TPBank cho hay, khi thông tin hồ sơ tài chính của DN được đưa lên phần mềm kế toán Misa, ngân hàng có thể phát hiện ngay nếu có chỉnh sửa, can thiệp nên rủi ro thấp.

Song, giới chuyên môn cho rằng, muốn dòng vốn rẻ chảy nhiều vào khu vực DNNVV nếu chỉ có sự tích cực từ phía ngân hàng là chưa đủ. Bản thân các DNNVV cần phải chủ động thay đổi một cách thực chất. Một chuyên gia ngân hàng khuyến nghị đối với các DNNVV cần phải chú trọng đầu tư hệ thống quản trị nội bộ hiệu quả, thực hiện nghiêm túc chính sách quản lý hạch toán kế toán nội bộ, đảm bảo cung cấp số liệu tài chính minh bạch chi tiết của DN đến các bên liên quan. Nhất là phải chia sẻ thông tin về các vấn đề tài chính với ngân hàng ngay khi vấn đề phát sinh, phối hợp với ngân hàng giải quyết các vấn đề này để củng cố năng lực tài chính DN và giảm thiểu rủi ro vỡ nợ.

Nguyễn Vũ (TBNH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.