Giá vàng trong nước đã và đang ngang bằng với giá quốc tế tính theo tỷ giá thị trường tự do, thậm chí có ngày thấp hơn giá thế giới. Ngay cả khi giá vàng quốc tế lập đỉnh mới 1.440 đô la Mỹ/ounce, giá vàng trong nước cũng chỉ nhích nhẹ. Điều này xảy ra lần đầu tiên sau hơn 14 tháng giá vàng nội địa luôn có khoảng cách ở mức cao hơn giá quốc tế.

Cho dù còn nhiều bàn luận với những ý kiến trái ngược nhau, nhưng chủ trương của Chính phủ thể hiện trong Nghị quyết 11 ngày 24-2-2011 quản lý thị trường vàng theo hướng tập trung đầu mối nhập khẩu, tiến tới xóa bỏ kinh doanh vàng miếng, bắt đầu phát huy tác dụng. Việc cởi nút thắt vàng sẽ là một trong những bước đi cơ bản để ổn định tỷ giá.

Thao túng qua giá niêm yết

Khi các ngân hàng bắt buộc phải chấm dứt việc kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài vào năm ngoái, vàng miếng trở thành sản phẩm tập trung kinh doanh của các doanh nghiệp ngành này. Giá vàng miếng liên tục biến động mạnh và luôn duy trì ở mức cao hơn từ 0,5 đến 1 triệu đồng/lượng so với giá thế giới. Không khó để quan sát thấy ngay từ đầu giờ mỗi ngày, giá vàng mua và bán được ấn định bởi một số đơn vị kinh doanh vàng lớn. Ngay cả các ngân hàng cũng phải nhìn vào giá niêm yết của một số doanh nghiệp đó để đưa ra giá mua-bán của mình. Có khi giá quốc tế tăng ít, nhưng giá trong nước lại được niêm yết tăng nhiều, trong khi nếu giá quốc tế giảm, giá trong nước cũng giảm, nhưng ít hơn. Những ngày giá vàng giảm, giá đô la mặt thị trường tự do có xu hướng tăng để ”nâng đỡ” giá vàng. Những ngày giá vàng tăng mạnh thì giá đô la giảm. Cứ thế, vàng và đô la là hai kéo cánh cho nhau. Việc giá trong nước thường xuyên cao hơn giá quốc tế đã ”hậu thuẫn” cho hoạt động nhập vàng lậu và những đợt thu gom đô la thị trường tự do để nhập vàng lậu đã đẩy tỷ giá chợ đen lên. Chu kỳ hoạt động ấy của thị trường tự do lặp đi lặp lại, in dấu ngày càng rõ nét nhất là khi tỷ giá chính thức được giữ nguyên suốt những tháng cuối năm 2010.

Có thực sự giá vàng trong nước luôn cao hơn giá thế giới bởi nhu cầu đầu tư và nắm giữ của người dân như một phương tiện chống lạm phát? Có một phần nhưng không phải tất cả. Ở những thời điểm giá vàng tăng, người dân thường mang bán và họ mua lại một khi giá giảm. Song ngay cả lúc giá giảm, lượng mua vào cũng không nhiều đến mức đẩy giá tăng vọt. Ở thời điểm giá giảm, các công ty kinh doanh vàng gìm giá ở mức cao với lý do lượng vàng nhập giá cao từ nước ngoài hoặc mua giá cao từ trong nước trước đó chưa bán hết. Chỉ cần một sự khảo sát đầy đủ và chính xác số lượng vàng mua vào bán ra của những đầu mối kinh doanh vàng chủ lực trong những ngày giá biến động mạnh là có thể nhìn thấy rõ cung-cầu thị trường.

Sự khảo sát đó đã không được cơ quan quản lý tiến hành

Không ai nắm được chính xác cung –cầu thị trường vàng cũng như lượng vàng có trong kho hơn các doanh nghiệp đầu mối. Giá vàng đã bị thao túng thông qua việc niêm yết giá, thay đổi giá hàng chục lần trong ngày. Chỉ cần một vài đơn vị ngưng bán vàng ra và tăng cường mua vào là giá vàng lên. Có ngày chỉ cần một đơn vị chào mua 1.000 lượng vàng miếng để đáp ứng nhu cầu thanh toán của khách hàng là giá vàng ”nhảy” vọt. Trong điều kiện đó, sự can thiệp trực tiếp của Nhà nước là không thể bởi không có nguồn và sự can thiệp gián tiếp của Nhà nước thông qua một số công ty vàng quốc doanh cũng không hiệu quả vì các doanh nghiệp này phải chịu trách nhiệm về lỗ lãi của chính họ.

Giá vàng trong nước khó tăng

Chủ trương tiến tới xóa bỏ kinh doanh vàng miếng phát ra tín hiệu gì?

Nhận xét đầu tiên là người dân tỏ ra bình tĩnh và thị trường khá yên lặng. Tuyệt đối không có hiện tượng người dân đổ xô đi mua vàng để cất giữ. Một số ngân hàng cho biết đã có khách hàng gửi vàng, đáo hạn, đã chuyển sang tiền đồng gửi tiết kiệm khi lãi suất tiền đồng đang cao. Ngay cả khi giá vàng quốc tế lập kỷ lục mới, người dân cũng không chạy đi mua vàng.

Nhưng với các doanh nghiệp kinh doanh vàng thì khác. Xóa bỏ kinh doanh vàng miếng có nghĩa là họ không được bán vàng. Họ có thể được Nhà nước chỉ định mua vàng hộ Nhà nước theo giá ấn định của Nhà nước. Quí 2-2011 Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ trình Chính phủ Nghị định về quản lý vàng, theo đó dự kiến người dân có thể giữ vàng, gửi vàng ở ngân hàng, bán vàng nhưng không thể mua vàng (gần giống với ngoại tệ hiện nay). Với những doanh nghiệp mua vàng được bao nhiêu, bán bấy nhiêu, chỉ hưởng chênh lệch giá mua bán, thì tới đây mảng kinh doanh vàng miếng có thể dần dần đóng lại, chuyển qua vàng nữ trang. Tuy nhiên, với những nhà đầu cơ, tích trữ vàng chờ giá cao để kiếm lời, ”nguy cơ” đang ở phía chân trời. Không được bán vàng cho mọi người, họ chỉ còn có thể bán cho Nhà nước. Nhà nước sẽ mua vàng ngang với giá quốc tế để đưa vào dự trữ ngoại hối hoặc xuất khẩu và giá mua của Nhả nước sẽ căn cứ vào tỷ giá chính thức. Đây mới là mấu chốt của vấn đề. Giá chính thức đó có thể là giá niêm yết mua bán chuyển khoản của ngân hàng, cũng có thể là tỷ giá liên ngân hàng do NHNN công bố hàng ngày và được cộng trừ biên độ 1%. Không loại trừ khả năng tỷ giá được trừ 1%. Giới đầu cơ mua vàng theo tỷ giá đô la chợ đen, nay nếu phải bán vàng theo tỷ giá chính thức, sự lỗ không thể không tính đến.

Nhìn trên cục diện toàn thị trường, sự ổn định của tỷ giá đang được hỗ trợ mạnh. Thứ nhất nguồn cung tiền đồng đang giảm (xem bài Hậu thuẫn cho tiền đồng trên TBKTSG số 10 ngày 3-3-2011). Thứ hai với những tín hiệu từ chính sách quản lý vàng, nhu cầu vàng sẽ giảm. Nhu cầu giảm có thể khiến giá vàng trong nước thấp hơn hẳn so với giá thế giới (điều đã từng xảy ra trong quá khứ), lúc đó xuất vàng lậu có thể xuất hiện và đô la được chuyển vào. Sự biến động của thị trường ngoại hối, vàng có thể rất nhanh. Nhà nước có thể can thiệp mua vào để tăng dự trữ ngoại hối. Còn nhớ năm 2007 hơn 9 tỉ đô la Mỹ đã được mua vào trong sáu tháng. Đây là một trong những lý do giải thích vì sao NHNN kiên quyết xiết chặt tín dụng, giảm cung tiền đồng dứt khoát và mạnh mẽ đến thế.

Có thể phỏng đoán sự tiên liệu của Nhà nước nhằm hạn chế những biến động đột ngột của giá vàng cả theo hướng lên và xuống, khi mới đây NHNN, trong cuộc họp báo tại Hà Nội, thống đốc Nguyễn Văn Giàu thông báo sẽ có lộ trình từng bước cho việc thực thi chủ trương quản lý vàng. Hai từ ”tiến tới” xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trong Nghị quyết 11 cũng thể hiện sự thận trọng. Quyết sách đã có, còn lại là sự thực hiện linh hoạt đến đâu để đạt mục tiêu. tag:xoa bo kinh doanh vang,

Cafeland.vn - Theo TBKTSG
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: cafeland