Theo Bộ Công Thương, việc giá thép tăng đột biến trong thời gian qua không chỉ ở Việt Nam mà là tăng giá trên toàn thế giới. Do các nhà máy sản xuất thép trong nước phụ thuộc phần lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, nên việc tăng giá bán các sản phẩm thép là không thể tránh khỏi.
Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị nghiên cứu, rà soát và thực hiện việc xây dựng các hàng rào kỹ thuật và tiêu chuẩn chất lượng, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng; chủ động tiến hành triển khai các giải pháp phòng vệ thương mại đối với sản phẩm thép.
Đồng thời, ngăn chặn, xử lý kịp thời hiện tượng đầu cơ tăng giá thép, thao túng giá thép trên thị trường, gian lận thương mại làm thất thu ngân sách và ảnh hưởng đến người tiêu dùng; tháo gỡ khó khăn cho các dự án đầu tư sản xuất thép sớm đưa vào hoạt động.
Trước đó, Bộ Xây dựng cũng có văn bản về việc thực hiện các giải pháp để giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch Covid-19 và biến động giá thép đến các hoạt động xây dựng.
>> Giá thép tăng đột biến, Bộ Xây dựng chỉ đạo nóng
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giá các nguyên liệu đầu vào như quặng sắt, phế liệu, phôi thép và chi phí vận chuyển tăng làm giá sản xuất sản phẩm sắt, thép tăng.
Thời điểm đầu tháng 4, giá phôi thép ở mức 633 USD/tấn, tăng 30 USD/tấn so với đầu tháng trước và tăng khoảng 200 USD/tấn so với cùng thời điểm năm 2020, tác động làm tăng giá sắt, thép trong nước. Ở thị trường miền bắc, giá sắt, thép tháng 4/2021 dao động từ 14,2-15,4 triệu đồng/tấn, tăng 3,3% so với tháng trước và tăng 31,8% so với cùng kỳ năm trước. Tại miền Nam, giá sắt, thép tháng 4/2021 dao động từ 15,5-16,4 triệu đồng/tấn, tăng 4,9% so với tháng trước, tăng 24,9% so với cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, nguồn cung sắt, thép toàn cầu giảm do Trung Quốc thực hiện chính sách kiểm soát sản lượng và kiểm soát ô nhiễm môi trường tại các thành phố sản xuất quặng sắt. Tuy nhiên nước này đang có nhu cầu nhập khẩu sắt thép tăng mạnh để thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế như đầu tư cơ sở hạ tầng, tác động tăng giá sắt thép toàn cầu.
Tại châu Âu và Mỹ, việc thiếu hụt nguồn cung sắt, thép do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và thời gian giao hàng nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất kéo dài là nguyên nhân chính khiến giá sắt, thép tăng mạnh.
Tại Việt Nam, dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, sản xuất phục hồi, hoạt động xây dựng khởi sắc. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh tăng cường nhập khẩu nguyên liệu đầu vào sản xuất sản phẩm sắt, thép, các công trình xây dựng gấp rút triển khai, đồng thời tăng cường mua sản phẩm sắt, thép đề phòng giá tăng ảnh hưởng đến chi phí xây dựng công trình…
Những yếu tố này tác động giá sắt, thép trong nước tăng mạnh. Cùng với đó, nhu cầu sử dụng sắt, thép trên thị trường cuối năm 2020 và đầu năm 2021 tăng cao do việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công xây dựng cơ sở hạ tầng.
-
Bộ Công thương nói gì về nghi vấn doanh nghiệp bắt tay tăng giá thép?
CafeLand - Bộ Công Thương cho rằng việc các công ty thép bắt tay nhằm tăng giá thép lên cao là không có cơ sở.