CafeLand – Do ảnh hưởng của Covid-19, Chính phủ đề xuất điều chỉnh mục tiêu GDP năm 2020 hạ xuống 4,5% từ mức mục tiêu 6,8% Quốc hội giao.


Đây là thông tin được đưa ra trong buổi báo cáo, đánh giá trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sáng nay (15/5).

Chính phủ dự kiến hai kịch bản tăng trưởng của Việt Nam năm 2020:

Kịch bản 1: Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4/2020 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam trong quý III/2020. Theo đó dự kiến GDP tăng khoảng 4,4-5,2% so với năm 2019 (thấp hơn 1,6-2,4 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra).

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 2,5-2,8%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,7-7,9%, khu vực dịch vụ ước tăng 2,8-3,6%.

Kịch bản 2: Việt Nam đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4/2020 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với Việt Nam trong quý IV/2020. Theo đó dự kiến GDP tăng khoảng 3,6-4,4% so với năm 2019 (thấp hơn 2,4-3,2 điểm phần trăm so với mục tiêu đề ra).

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ước tăng 2,1-2,5%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,8-6,7%, khu vực dịch vụ ước tăng 1,8-2,8%.

Chính phủ cũng đề xuất điều chỉnh một số mục tiêu kinh tế đưa ra trước đó:

- Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 4,5% (trước đây là 6,8%), nỗ lực phấn đấu đạt mức tăng cao hơn. Trường hợp tình hình thế giới thuận lợi, dịch bệnh được kiểm soát tốt, thị trường quốc tế phục hồi, phấn đấu đạt mức tăng 5,4%, nhằm bảo đảm mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 5 năm giai đoạn 2016-2020 là 6,5%;

- Tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân năm 2020 khoảng 4%, trước đây là dưới 4%;

- Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 4%, trước đây là khoảng 7%;

- Tổng số thu ngân sách Nhà nước giảm 163 nghìn tỷ đồng so với dự toán được giao; bội chi ngân sách nhà nước bằng khoảng 4,75% GDP, tăng 1,31% so với mục tiêu đề ra;

- Tỷ lệ nợ công bằng khoảng 55,5% GDP, tăng 3,2% so với mục tiêu đề ra.

Châu An
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.