Khu Thanh Đa - Bình Quới sau hơn 25 quy hoạch treo.
Sáng 27/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018.
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Lê Công Đỉnh (tỉnh Long An) cho biết, ông cơ bản thống nhất với báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quy hoạch, quản lý và sử dụng đất đai tại đô thị.
Theo ông Đỉnh, từ khi Luật Đất đai có hiệu lực từ năm 2013 đến hết năm 2018, báo cáo đã nêu rất đầy đủ và chi tiết những vấn đề có liên quan nội dung giám sát, vấn đề được đông đảo các cử tri quan tâm.
Tuy vậy, đại biểu đến từ tỉnh Long An bày tỏ nhiều băn khoăn và lo lắng về các dự án treo hiện nay.
Theo ông Đỉnh, ở trang 17 của báo cáo nêu một số dự án chưa xác định được nguồn lực, chưa có cơ chế chọn nhà đầu tư có năng lực đã xảy ra tình trạng dự án treo gây bức xúc trong cộng đồng dân cư, trong các khu quy hoạch.
Thêm nữa, phần ghi chú số 36 ghi khảo sát tại khu vực quy hoạch Bình Quế, Thanh Đa, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh, dự án kéo dài làm hạn chế đến việc sử dụng đất của các hộ dân trong quy hoạch.
“Báo cáo giám sát chỉ nêu một trường hợp như trên nhưng trên thực tế cả nước còn rất nhiều trường hợp như thế. Không nói là quy hoạch treo, dự án treo là khá phổ biến, ảnh hưởng đến đời sống người dân với nhiều lý do khác nhau. Do vướng quy hoạch nên người dân không được xây nhà mới, không thể chuyển mục đích sử dụng đất, không thể đầu tư phát triển, gây thiệt hại tài sản, lãng phí nguồn lực xã hội, quốc gia, gây bức xúc cho người dân”, ông cho biết.
Theo đại biểu đến từ tỉnh Long An, tiếp xúc cử tri trong vùng dự án, trong vùng quy hoạch, người dân rất đồng tình với chủ trương của Đảng, Nhà nước về quy hoạch phát triển đô thị theo hướng đô thị thông minh, đô thị bền vững nhưng họ đề nghị cho biết khi nào triển khai quy hoạch, phân khu chức năng, khi nào triển khai các dự án ngay cả các dự án do nhà nước làm chủ đầu tư, dự án công.
Chính quyền địa phương trả lời là đang cân đối nguồn lực và đang xúc tiến kêu gọi đầu tư. Cử tri lại hỏi, quy hoạch dự án đã kéo dài nhiều năm như vậy, khi nào thực hiện, đất đai của chúng tôi được cấp giấy hẳn hoi nhưng không làm gì được?
“Để tránh việc chậm không triển khai quy hoạch treo, dự án treo tôi đề nghị cần quy định rõ thời gian phải triển khai, hoàn thành triển khai dự án quy hoạch đã được phê duyệt, nhất là đối với quy hoạch phân khu chức năng, trong đó có khu đô thị. Cần có chế tài quy định rõ ràng trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại chậm, không triển khai dự án quy hoạch gây ra. Tôi xin đề xuất nội dung bồi thường thiệt hại của người dân liên quan việc chậm chưa triển khai quy hoạch phân khu”, ông Đỉnh nói.
Cùng phát biểu ý kiến về các dự án treo, đại biểu Hoàng Quang Hàm (tỉnh Phú Thọ) cho rằng, Chính phủ cần rà soát lại các dự án treo, quy hoạch không thực hiện để xử lý dứt điểm nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Theo ông Hàm, đối với các vùng đất quy hoạch lâu dài chưa thực hiện ngay cần di dời người dân để tạo quỹ đất sạch hoặc có chính sách đảm bảo quyền lợi cho người dân về sửa chữa, cải tạo, tách hộ.
“Đây cũng là vấn đề rất bức xúc liên quan đến quy hoạch đất từ Trung ương đến địa phương và người dân ở vùng đất quy hoạch này không an cư được, thậm chí mua bán chuyển nhượng nhà cũng khó khăn, mất giá. Có dự án như dự án khu Bình Quế, Thanh Đa, Thành phố Hồ Chí Minh liên quan đến gần 4.000 hộ dân gần 15.000 nhân khẩu có chủ trương quy hoạch từ năm 1992 đến nay đã 27 năm chưa thực hiện”, ông Hàm cho biết.