Đây là ý kiến của đại biểu Hoàng Văn Hùng (đoàn Thái Nguyên) trong phiên thảo luận sáng ngày 25/5 tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII.
Theo đại biểu Hùng, trong năm 2017 và những tháng đầu năm 2018 đã xảy ra nhiều vụ cháy nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về tính mạng cũng như tài sản. Theo báo cáo thống kê, cả nước xảy ra hơn 4.100 vụ cháy, thiệt hại trên 2.000 tỉ đồng; những tháng đầu năm 2018 đã xảy ra 1.453 vụ, thiệt hại trên 480 tỉ đồng. Nhiều vụ cháy nghiêm trọng như cháy chung cư Carina (TP.HCM) làm 13 người chết; vụ cháy tại Cà Mau làm 2 người chết, 4 căn nhà bị thiêu rụi,...
Cháy xảy ra ở tất cả các lĩnh vực của xã hội như phương tiện giao thông, nhà ở, chợ, trung tâm thương mại, chung cư nhà xưởng gây hậu quả nghiêm trọng. Tình hình cháy nổ diễn biến phức tạp bởi nhiều nguyên nhân gây cháy nổ như về điện, bếp ga, thiết bị chiếu sáng,… nhưng nguyên nhân gây ra cháy nổ đầu tiên là ý thức con người.
Phát biểu tại kỳ họp, đại biểu Hùng đề nghị chính phủ chỉ đạo các ngành chức năng như Bộ Công an, Bộ Xây dựng cần đánh giá hiệu quả các giải pháp PCCC trong thời gian vừa qua, rà soát đánh giá chất lượng công tác thẩm duyệt, thiết kế, thanh tra kiểm tra giám sát các nội dung về PCCC.
“Cần xử lý nghiêm trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, các cấp có thẩm quyền khi để các công trình dự án nhà chung cư đã đưa vào sử dụng nhưng không đảm bảo tiêu chuẩn về PCCC, hoặc phương án PCCC được phê duyệt nhưng không đảm bảo được phê duyệt mang tính hình thức để công trình được quyết toán hoặc chấp thuận đầu tư”, đại biểu Hùng đề xuất.
Ngoài ra, Chính phủ cần chỉ đạo cấp bộ ngành địa phương rà soát đánh giá các giải pháp cụ thể để xử lý các nhà chung cư cao tầng không có khả năng khắc phục theo tiêu chuẩn PCCC, chung cư do quy hoạch trước đây thiếu khoa học như đường vào nhỏ, ngõ nhỏ xe chuyên dụng không thể tiếp cận. Tăng cường công tác kiểm tra PCCC, xử lý nghiêm minh các cơ sở sản xuất kinh doanh, các chung cư cao tầng không đảm bảo PCCC. Đối với chủ cơ sở, chung cư cao tầng đã được kiểm tra, đã được yêu cầu giải quyết PCCC mà chây ỳ không khắc phục cần lập hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật.
Chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân nâng cao nhận thức về công tác PCCC, nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác PCCC. Thực tế hiện nay khi xảy ra các vụ cháy, người dân rất lúng túng trong việc chữa cháy, phụ thuộc nhiều vào lực lượng PCCC.
“Đề nghị chính phủ chỉ đạo các lãnh đạo địa phương người việc khắc phục tình trạng bất cập về giao thông, mạng lưới các bể trụ nước thiếu tại các khu đô thị đông người, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, cần trang bị phương tiện tính năng chuyên nghiệp của đội ngũ dân phòng phát huy sức mạnh cộng đồng dân cư, lực lượng tại chỗ trong công tác PCCC”, đại biểu Hùng đề nghị.