Đề nghị giảm hơn 4.717 tỷ đồng kế hoạch vốn
Theo ông Hoàng Hải, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài trong tháng 9 đã tăng 3,14%, đạt hơn 4.315 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trong 9 tháng qua, các Bộ còn tập trung giải ngân tiếp dự toán năm 2019 và phần vốn được kéo dài, chuyển nguồn, trị giá 2.671 tỷ đồng. Một số bộ, ngành đã có tiến độ giải ngân có tiến triển tốt như: Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Y tế,…
Thống kê của Bộ Tài chính cũng ghi nhận 10/12 bộ, ngành (trừ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đại học Quốc gia Hà Nội) cam kết hoàn thành giải ngân (sau khi điều chỉnh giảm một phần hoặc toàn bộ kế hoạch vốn, trừ Bộ Giao thông vận tải không đề xuất cắt giảm vốn).
Giải ngân của các dự án sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi vẫn thấp (Ảnh minh họa: KT)
Về đề nghị giảm kế hoạch vốn của các Bộ, ngành, tính đến hết tháng 9/2020, Bộ Tài chính đã nhận 560 hồ sơ rút vốn, trong đó đã giải quyết 554 hồ sơ, chiếm 98,8%. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tổng hợp và chuẩn bị báo cáo các cấp có thẩm quyền số vốn đề nghị giảm của các Bộ, ngành là 4.717,5 tỷ đồng.
“Bộ Tài chính đã rút ngắn thời gian xử lý đối với các hồ sơ rút vốn hợp lệ chỉ trong vòng 1 - 2 ngày làm việc so với quy định hiện hành. Đối với các đơn rút vốn chưa đủ điều kiện giải quyết, Bộ Tài chính đã có công văn trả lại ngay để chủ dự án hoàn thiện, đảm bảo tuân thủ đúng quy định về pháp luật về chi tiêu ngân sách và tuân thủ quy định của hiệp định vay”, ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cho biết.
Cần nhìn nhận lại công tác lập kế hoạch
Mặc dù kết quả giải ngân tháng 9 đã tăng so với tháng 8 nhưng theo đại diện Bộ Tài chính, kết quả giải ngân của các dự án sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi vẫn thấp do chưa có khối lượng cho giải ngân. Vấn đề này xuất phát từ các nguyên nhân như dự án chưa hoàn thành các thủ tục đầu tư trong nước như chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng, phê duyệt các hợp đồng; việc đấu thầu của nhiều dự án được triển khai chậm, một số dự án có khiếu kiện trong quá trình đấu thầu.
Ngoài ra, quá trình chuẩn bị dự án kéo dài, chuẩn bị đầu tư không kỹ, và các yếu tố khó khăn khách quan khác dẫn đến phải thay đổi thiết kế, điều chỉnh dự án trong quá trình thực hiện, gia hạn thời gian thực hiện, thời gian giải ngân. Trong khi đó, các thủ tục điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay được thực hiện chậm trễ, chưa có cơ sở pháp lý để giải ngân…
Các Bộ, ngành cần tập trung xử lý dứt điểm; phối hợp với nhà tài trợ, các cơ quan, địa phương liên quan tháo gỡ các khó khăn vướng mắc (Ảnh minh họa: KT)
Với tư cách là đại diện cho đơn vị tổng hợp các đề nghị cắt giảm kế hoạch vốn của các bộ, ngành để báo cáo các cấp có thẩm quyền phê duyệt, ông Cao Mạnh Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế đối ngoại, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thừa nhận, tuy theo số liệu được các bộ, ngành thống kê trong 9 tháng qua, tỷ lệ giải ngân ghi nhận có sự đột phá, tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân ở đây là so với kế hoạch được điều chỉnh, cắt giảm chứ không phải so với kế hoạch được giao. Do đó, ngoài nguyên nhân chính do tác động của dịch Covid-19 dẫn đến tình hình chậm giải ngân vốn đầu tư nguồn vay nước ngoài, bên cạnh đó, các bộ, ngành cũng cần nhìn nhận lại công tác lập kế hoạch có sát với thực tế hay không.
Đối với số kế hoạch vốn 2020 đã đề nghị cắt giảm, điều chuyển cho các bộ, địa phương khác, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, ngành xác định rõ là cắt giảm của dự án nào, dự án nào hoàn toàn không giải ngân được trong năm 2020. Dự án nào chỉ giải ngân được một phần để bổ sung kể hoạch vốn bố trí cho dự án đó ngay vào kế hoạch vốn đầu tư 2021. Từ đó, đảm bảo dự án có đủ kinh phí để thực hiện theo thời gian và tiến độ đã cam kết với nhà tài trợ tại các hiệp định vay nước ngoài.
Trường hợp kế hoạch vốn 2020 đề nghị cắt giảm của các Bộ chưa phân bổ chi tiết cho các dự án do lập kế hoạch chưa sát, các bộ, ngành rút kinh nghiệm khi xây dựng kế hoạch năm 2021 và các năm sau.
Trong phạm vi thẩm quyền của mình, các Bộ, ngành tập trung xử lý dứt điểm; phối hợp với nhà tài trợ, các cơ quan, địa phương liên quan tháo gỡ các khó khăn vướng mắc, nhất là các dự án đầu tư lớn, các dự án sắp hết hạn giải ngân theo quy định của hiệp định vay.
“Bộ Tài chính cam kết sẽ tiếp tục coi giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay ODA, vay ưu đãi là nhiệm vụ trọng tâm trong năm và phối hợp với cơ quan chủ quản trong các vấn đề liên quan đến đàm phán ký kết. Đồng thời, hoàn thành thủ tục hiệu lực của Hiệp định vay, điều chỉnh Hiệp định vay (nếu có); ký hợp đồng cho vay lại, rà soát đẩy nhanh tiến độ các việc liên quan đến giải ngân và trao đổi với nhà tài trợ các vấn đề phát sinh trong quá trình giải ngân”, ông Trương Hùng Long khẳng định.
-
Australia tăng viện trợ ODA cho Việt Nam và Đông Nam Á
Dù tình hình chung khó khăn, ngân sách viện trợ ODA của Australia cho Đông Nam Á và Việt Nam vẫn tăng.