Trong nước e dè, nước ngoài lại mặn mà với xi măng
Theo VAFI, trong vòng 10 năm qua, ngành công nghiệp sản xuất xi măng nước ta càng ngày càng bộc lộ tình trạng thừa cung với hiệu quả đầu tư thấp và kinh doanh thua lỗ. Đối phó với tình hình như vậy, các doanh nghiệp sản xuất xi măng buộc phải tái cơ cấu và trong vòng 3 năm qua, đã và đang có khoảng 10 thương vụ M&A.
Với nhà đầu tư tài chính, nhà đầu tư chứng khoán, lĩnh vực sản xuất xi măng vẫn còn nhiều rủi ro. Đầu tư vào những cổ phiếu xi măng bây giờ có vẻ rẻ nhưng biết đến bao giờ doanh nghiệp mới có khả năng trả hết nợ gốc. Còn đối với doanh nghiệp ngoài ngành xi măng, lĩnh vực này không hấp dẫn mà trái lại đầy rủi ro cho nên sẽ không quan tâm.
“Trong bối cảnh hiện nay, có lẽ không còn nhà đầu tư chiến lược trong nước có tiềm lực tài chính mạnh để mua lại các nhà máy xi măng ốm yếu” – đại diện VAFI cho biết.
Nhưng đối với nhà đầu tư FDI, VAFI lại có một góc nhìn khác. VAFI cho rằng: Trong vài thương vụ M&A gần đây, đã xuất hiện các nhà đầu tư FDI đến từ các nước ASEAN. Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á giai đoạn 1997–2001 đã làm cho các nhà đầu tư ASEAN có một bài học hết sức sâu sắc là phải đầu tư thận trọng theo phương châm cầu tới đâu thì đầu tư đến đó và với thị trường ASEAN trong giai đoạn này thì nguồn cung trong nước thiếu.
Chính sách đẩy mạnh tiêu dùng trong nước của các nước như Thái lan, Malaysia, Indonesia, Philippines đã giúp thị trường chứng khoán tại những nước này tăng trưởng liên tục trong các năm qua, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp trong các nước đó dễ dàng thu hút được vốn cổ phần với giá rẻ. Đó là những lí do giải thích vì sao các nhà đầu tư FDI của ASEAN quan tâm tới ngành xi măng VN. Các nhà đầu tư FDI mua cổ phần đa số của công ty xi măng trong nước qua hình thức tăng vốn điều lệ hoặc vừa bán bớt một tỉ lệ cổ phần của chủ sở hữu vừa tăng vốn điều lệ.
Giải bài toán xuất khẩu cho xi măng trong nước?
Theo VAFI, có nhiều lợi ích thiết thực từ việc thu hút nhà đầu tư FDI vào doanh nghiệp xi măng, chẳng hạn thu hút được hàng trăm triệu USD vốn cổ phần vào một công ty xi măng. Ví dụ dự án xi măng Thăng Long đã thu hút khoảng gần 5.000 tỉ đồng, dự án xi măng Cẩm Phả dự kiến thu hút trên 3000 tỉ đồng. Nguồn vốn như vậy đã cơ cấu được tình trạng tài chính và giúp chủ đầu tư thoát khỏi gánh nặng nợ khổng lồ. Điều đó cũng đồng nghĩa xử lí khoảng 1 tỉ USD nợ xấu không chỉ trong lĩnh vực sản xuất xi măng mà các mảng kinh doanh khác của chủ đầu tư trong nước. Ngoài ra, thu hút được nhà đầu tư FDI đồng nghĩa với việc mở thêm được thị trường cho xuất khẩu xi măng, giảm bớt tình trạng cạnh tranh gay gắt đối với thị trường trong nước.
Do nhà đầu tư FDI có hệ thống phân phối trong nước họ nên giá bán xi măng xuất khẩu từ nhà đầu tư FDI sẽ cao hơn và dễ dàng tiêu thụ hơn so với doanh nghiệp trong nước thực hiện xuất khẩu. Xuất khẩu qua kênh FDI vào nước của doanh nghiệp FDI ít bị kiện chống phá giá hơn so với doanh nghiệp trong nước.
VAFI cho rằng: Nếu ngành xi măng tích cực xúc tiến thu hút nhà đầu tư FDI đầu tư thêm khoảng 7 doanh nghiệp nữa tương tự như xi măng Thăng Long thì xuất khẩu xi măng có thể tăng thêm 10 triệu tấn/năm trong những năm tới, giải quyết được cơ bản bài toán tìm đầu ra cho ngành xi măng.
Đề xuất của VAFI có vẻ đi ngược lại với ý kiến từ phía cộng đồng doanh nghiệp xi măng trong nước. Bởi lẽ trước đó, Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ không để các tập đoàn xi măng nước ngoài thôn tính các nhà máy xi măng lớn của nước ta. Hội Vật liệu xây dựng lo ngại các doanh nghiệp nước ngoài biến nước ta thành nơi cung cấp tài nguyên, năng lượng, lao động; làm ô nhiễm môi trường sinh thái, làm thiệt hại kinh tế quốc gia.