24/02/2013 9:22 PM
Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI, vừa có cuộc trao đổi với báo chí xoay quanh những điểm mới trên thị trường vàng Việt Nam, cũng như nhận định về triển vọng sự tham gia của Ngân hàng Nhà nước sắp tới.

Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI.

Thị trường vàng đã trở lại sau kỳ nghỉ lễ khá dài với những biến động mới. Ông nhìn nhận thế nào về sự trở lại này, cũng như có những khác biệt nào so với năm 2012?

2012 là năm khó khăn của nền kinh tế với quá nhiều biến động của thị trường vàng, với nhiều thứ “lần đầu tiên”.

Đó là lần đầu tiên Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh sản xuất vàng miếng theo hướng thắt chặt ra đời; lần đầu xuất hiện vàng SJC nhái khiến người dùng dè chừng không dám mua; lần đầu tiên một thời gian dài giá vàng trong nước và quốc tế chênh lệch nhau 3 - 4 triệu đồng/lượng và cũng là lần đầu tiên hệ thống mua bán vàng thu hẹp từ 12.000 điểm xuống còn hơn 2.500; lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, độc quyền thương hiệu lấy tên từ SJC.

Nhưng với năm 2013 thì dấu ấn có lẽ nằm ở chỗ quyết định để Ngân hàng Nhà nước - với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước - nhưng cũng trực tiếp tham gia vào kinh doanh, quản lý kinh doanh.

Cùng với Nghị định 24, đây là một vấn đề rất mới cả về chính sách, quan điểm, điều chỉnh hành vi của cả ba chủ thể tham gia thị trường là cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị kinh doanh, người tiêu dùng. Nghĩa là, cả ba đối tượng này đều phải thay đổi cách nghĩ, làm, hành vi. Tình trạng người mua đi bất cứ đâu cũng mua được vàng miếng, dễ như mua rau chấm dứt, thay vào đó, phải đến các điểm có uy tín, cấp phép. Các đơn vị kinh doanh phải đủ điều kiện, có khả năng đáp ứng được mới bán, chưa không phải chỉ cần mở một cửa hiệu với tủ kính nhỏ là bán được vàng.

Riêng về cơ quan quản lý, 2012 cũng là năm để nhận thấy thị trường vàng không đơn giản, dễ dàng quản lý như những loại hình kinh doanh khác, nên cần phải có biện pháp, cách thức phù hợp. Cả ba chủ thể đều phải điều chỉnh cách nghĩ, cách làm. Đó là những điều từ trước đến nay thị trường vàng chưa có.

Tôi nghĩ rằng trước đây đang thiếu ở đâu đó ở góc độ quy định về pháp luật với cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực vàng, quản lý nhưng không được mua bán, cho phép có nhiều thương hiệu khác nhau tồn tại, chưa có những giải pháp đúng và trúng để ngăn chặn ảnh hưởng của vàng lậu.

Còn về hoạt động kinh doanh của DOJI, có gì mới gắn với những đặc điểm trên của thị trường và ông có hài lòng không?

Điều tôi hài lòng hơn cả là trong bối cảnh khó khăn như vậy, chúng tôi vẫn duy trì là một trong những “ông lớn” trên thị trường vàng.

Doanh thu năm 2012 của DOJI là 32.050 tỷ đồng; lợi nhuận tăng 12%; tiến từ top 5 (2010), top 3 (2011) lên dẫn đầu trong 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. Trên 90% doanh thu của DOJI từ vàng miếng, song về nữ trang đã tăng trưởng ba năm liền ở mức bình quân 40 - 50%.

Ông nói 90% doanh thu 2012 là từ vàng miếng, vậy mức này có phải quá cao với một doanh nghiệp chủ trương hướng đến thị trường chính là vàng trang sức như DOJI?

Thực ra, nhìn vào doanh thu thì thấy lớn, nhưng nếu so sánh với năm 2011 thì năm 2012, tỷ lệ tăng trưởng của vàng miếng mới chỉ 8%, khá thấp so với mức vài chục phần trăm của các năm trước đó.

Tôi cũng đã từng chia sẻ, năm 2012, vàng đã có phần bớt lấp lánh đi trong mắt dân cư và nhà đầu tư vì quả thực đầu tư vào vàng không hữu hiệu cho lắm. Chỉ xét riêng 2012, giá vàng quốc tế tăng 7%, trong nước tăng 9%, mức này không phải quá hấp dẫn. Các năm trước đó, biên độ tăng giá có thể lên tới 25 - 30%, nên nếu rót vào đầu tư vàng năm 2012 thì trung bình không bằng lãi suất tiết kiệm của ngân hàng.

Nhưng vì sao vàng miếng vẫn áp đảo trên thị trường, trong khi vàng nữ trang chưa thực sự sôi động?

Đơn giản là do thói quen tích trữ, nhu cầu của người dân với loại vàng này lớn. Còn với vàng trang sức, trong khó khăn người ta cũng bớt tiêu dùng vào các mặt hàng cao cấp.

Với trang sức của DOJI, sản phẩm của chúng tôi đưa ra vẫn liên tục tăng trưởng doanh thu. Từ năm 2008, năm nào doanh thu cũng đạt gấp đôi, có năm 70%, trung bình ba năm tăng trưởng trên 40%. Cốt lõi của thị trường là nữ trang chứ không phải vàng miếng. Vấn đề này, tôi đã nhìn thấy từ lâu rồi, vì thế bản thân DOJI cũng xây dựng cho mình những thương hiệu riêng về trang sức, kim cương, đá màu, bạc hay các loại nhẫn Lộc - Phát - Tài bằng trang sức vàng ta có hàm lượng vàng 99 và 999.

Nói vậy để thấy, chúng tôi không trông vào lợi nhuận trước mắt của vàng miếng mà con đường đích thực vẫn là nữ trang.

Như ông phân tích ở trên, trong năm 2012 và 2013, Ngân hàng Nhà nước triển khai một loạt chính sách mới, thị trường đón nhiều “lần đầu tiên” như vậy, thì khả năng thẩm thấu những điểm mới sẽ như thế nào, trong khi thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước so với thế giới vẫn là một vấn đề lớn?

Tôi nghĩ, trong nửa năm đầu 2013, chính sách vẫn chưa thẩm thấu vì tâm lý tích trữ vàng của người dân có từ hàng trăm năm nay. Nhà nước muốn giảm vàng hóa, để người dân không giữ và “yêu” vàng nữa thì phải cần một quá trình, phụ thuộc vào chấn hưng nền kinh tế, sức khỏe của đồng nội tệ.

Còn về chênh lệch giá vàng, tôi tin là sẽ kéo được vì Ngân hàng Nhà nước có đẩy đủ phương tiện và công cụ trong tay; được độc quyền nhập khẩu nguyên liệu mà không phải chịu thuế; là đơn vị duy nhất được sử dung tài khoản nước ngoài để cân đối trạng thái vàng để phòng ngừa rủi ro; là người độc quyền sử dụng thương hiệu của mình để đưa ra thị trường một sản phẩm duy nhất. Ngân hàng Nhà nước cũng tham gia trực tiếp kiến tạo thị trường chứ không phải chỉ với vai trò quản lý nhà nước như trước.

Như vậy là vai trò của Ngân hàng Nhà nước, vừa là thành viên Chính phủ, vừa là ngân hàng trung ương quốc gia, giờ với thị trường vàng lại là một “tay to” kiến tạo, người mua bán cuối cùng, mọi công cụ đều trong tay Ngân hàng Nhà nước thì có thể làm được.

Tôi tin việc quản lý của Ngân hàng Nhà nước sẽ kéo giá lại.

Nhưng theo ông đến lúc nào thì mới kéo được giá lại?

Điều này thì Ngân hàng Nhà nước đã chỉ ra là càng nhanh càng tốt. Nếu tạm tính mốc 30/6/2013 là thời điểm tất cả các ngân hàng thương mại phải tất toán trạng thái vàng thì cũng có thể cho rằng đó là lúc cuối cùng để gióng lên tiếng cồng về sự đầy đủ trong vai trò, điều kiện của Ngân hàng Nhà nước về giải quyết vấn đề chênh lệch giá nội - ngoại.

Nhật Nam (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.