Có thể thấy, mô hình mới nhất mà Bộ Xây dựng vừa đưa vào đề án đã mang tính thực tiễn hơn nhiều so với những dự tính trước đây.
Quỹ Tiết kiệm nhà ở được triển khai theo mô hình tổ chức tài chính-tín dụng phi lợi nhuận. Images: Hải Linh
Muốn vay thì phải góp
Khác
với ý tưởng lần trước có tính bắt buộc là trích 1% lương của người lao
động, đề án xây dựng lần này đưa ra hình thức tham gia quỹ mang tính tự
nguyện, tính theo nhu cầu khoản vay dự kiến, khuyến khích mọi đối tượng
tham gia quỹ. Dự kiến hai mô hình sẽ được triển khai, trong đó mô hình
thứ nhất sẽ tập trung cho người có thu nhập thấp vay mua, mua trả góp
nhà ở xã hội hoặc cho doanh nghiệp vay đầu tư xây dựng nhà ở thu nhập
thấp, nhà ở công nhân và đầu tư phát triển nhà ở xã hội. Theo kế hoạch,
nguồn vốn để hình thành quỹ đến từ tiền sử dụng đất thu được từ các dự
án phát triển nhà ở thương mại, dự án khu đô thị mới; ngân sách địa
phương hỗ trợ hàng năm; ngân sách T.Ư cấp một lần ban đầu; một phần lợi
nhuận từ phát hành xổ số kiến thiết hoặc xổ số nhà ở; và nguồn vốn phát
hành trái phiếu nhà ở.
Đề án của Bộ Xây dựng đề xuất, người tham gia quỹ sẽ được cho vay sau khi đã đóng tiền vào quỹ tối thiểu khoảng 30% giá trị của nhà ở cần mua và đã tham gia đóng quỹ tối thiểu từ 5 năm. Việc cho vay được thực hiện trên nguyên tắc, ai gửi tiết kiệm nhiều hoặc thời gian đóng dài hơn thì được ưu tiên vay trước. Người vay phải trả số tiền vay trong khoản từ 10 - 15 năm kể từ thời điểm được vay.
Với mô hình thứ hai, Quỹ Tiết kiệm nhà ở sẽ tập trung cho người có thu nhập trung bình vay để mua nhà ở thương mại. Quỹ này sẽ do một ngân hàng thương mại hoặc ngân hàng chuyên về tiết kiệm nhà ở quản lý. Khác với mô hình đầu tiên, nguồn vốn cho quỹ này hoạt động sẽ đến từ người có nhu cầu mua nhà ở tham gia đóng quỹ, không được huy động từ nguồn khác. Người tham gia sẽ được cho vay sau khi đã đóng vào quỹ khoảng 50% giá trị căn nhà muốn mua.
Lo chỗ ở nhưng không bao cấp
Tìm
mọi cách để thu hút doanh nghiệp đến với phân khúc nhà ở thu nhập thấp
mới chỉ giải quyết được một khía cạnh của vấn đề. Làm sao để người dân
có tiền mua nhà mới là vấn đề khó. Câu hỏi lớn dành cho các cơ quan chức
năng trong bối cảnh đó là phải tìm ra cơ chế tài chính để hỗ trợ cho
người thu nhập thấp mua nhà. Theo đánh giá của Bộ
Xây dựng, đã có không ít chính sách hướng tới việc tạo nguồn tài chính
cho phát triển nhà ở. Tại Nghị định số 71/2010/NĐ-CP đã có quy định về
hình thành Quỹ Phát triển nhà ở nhưng đến nay mới chỉ có 13/63 tỉnh,
thành phố thành lập Quỹ này. Hầu hết các địa phương không thành lập Quỹ
Phát triển nhà ở riêng mà ủy thác việc quản lý, điều hành và hoạt động
cho Quỹ Đầu tư phát triển của địa phương. Duy nhất có TP Hồ Chí Minh là
có Quỹ Phát triển nhà ở riêng. Việc huy động vốn và cho vay để đầu tư
phát triển nhà ở đều chưa được địa phương quan tâm và không thực hiện
đúng quy định của pháp luật.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, lo nhà ở là trách nhiệm của Nhà nước, của toàn xã hội song phải tránh tư tưởng bao cấp. "Ngay cả các nước giàu có cũng không thể bao cấp về nhà ở cho dân được. Việt Nam càng không đủ sức. Tự người dân phải tạo lập chỗ ở cho mình. Nhà nước chủ yếu hỗ trợ cho việc tạo lập quỹ nhà. Do đó, cần phải hình thành Quỹ Tiết kiệm nhà ở. Người dân muốn vay tiền lãi suất thấp để mua nhà thì trước hết phải có tiền gửi vào quỹ" - ông Nam nói.
Qua đề xuất mới của Bộ Xây dựng, có thể thấy, để đảm bảo tính khả thi của mô hình Quỹ, thay vì "bắt buộc" như dự kiến trước đây, Bộ Xây dựng đã chuyển hướng sang "tự nguyện". Theo Bộ Xây dựng, dự kiến, Đề án Quỹ Tiết kiệm nhà ở có thể sẽ được trình Chính phủ ngay trong quý I/2012, để trong giai đoạn 2013 - 2015 sẽ triển khai thí điểm tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Sau khi hoàn chỉnh chính sách sẽ thực hiện áp dụng trên phạm vi cả nước.