ĐBQH Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cho biết, nhân dân bất bình, phẫn nộ vì nguồn lực cực lớn của đất nước từ đất đai, nhất là đất vàng, đất bạc rơi vào tay các DN "bạch tuộc".

Phát biểu tại phiên thảo luận về kinh tế xã hội sáng nay, ĐB Đinh Duy Vượt (Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐB tỉnh Gia Lai) đề nghị TƯ quan tâm giải quyết vấn đề bức xúc, phức tạp liên quan đến đất đai.

ĐB Đinh Duy Vượt

Ông cũng đề nghị, Chính phủ sớm tập trung giải pháp, nguồn lực chỉ đạo tổng kiểm tra về đất đai cả nước, tập trung ở những đô thị, khu vực đất “vàng”, khu vực chuẩn bị hình thành các đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt.

“Nhân dân bất bình, thậm chí phẫn nộ vì nguồn lực cực lớn của đất nước từ đất đai, nhất là đất vàng, đất bạc rơi vào tay các DN 'bạch tuộc' không đầu tư cho sản xuất, mà chăm chăm vào sang nhượng dự án và phân lô bán nền bằng nhiều hình thức làm thất thu lớn ngân sách nhà nước”, ông Vượt nhấn mạnh.

Ông cũng nhấn mạnh việc tồn tại nhiều quy hoạch treo nhiều nhiệm kỳ cần phải rà soát lại vì vừa gây lãng phí, vừa gây bức xúc, khốn đốn cho người dân ở vùng quy hoạch nên cần sớm được giải quyết.

“Cử tri mong muốn cần có sự vào cuộc cơ quan chức năng Trung ương, nếu không sẽ khó giải quyết đến nơi đến chốn”, ĐB tỉnh Gia Lai nói.

Đề nghị Bộ Công an khởi tố một số chủ đầu tư

ĐB Nguyễn Mai Bộ (An Giang), ủy viên thường trực UB Quốc phòng - An ninh khẳng định việc phát triển các toà nhà chung cư thương mại vừa qua đã đem lại nhiều kết quả tích cực, cải thiện chất lượng nhà ở, môi trường sống và tiết kiệm quỹ đất.

Tuy nhiên, công tác quản lý chung cư thương mại hiện nay còn lỏng lẻo, cơ quan quản lý nhà nước không làm hết trách nhiệm, cư dân bị thua thiệt về tài chính, bị chủ đầu tư chiếm đoạt, sở dụng quỹ bảo trì cũng như quyền sở hữu những phần sở hữu chung trong toà nhà chung cư.

ĐB Nguyễn Mai Bộ, An Giang

ĐB Mai Bộ nhấn mạnh tình trạng người dân luôn bị đe doạ về tính mạng trước sự bất an bởi công trình bị xuống cấp, thang máy hỏng mà không được bảo trì kịp thời, phương tiện PCCC không được đầu tư hoặc có đầu tư nhưng không đảm bảo chất lượng. Thực trạng phản ánh và sử dụng nhà chung cư đang tồn tại nhiều bất cập.

Mặc dù theo luật Nhà ở, chủ sở hữu nhà chung cư là chủ các căn hộ và các phần sở hữu khác trong nhà chung cư nhưng chủ sở hữu phần diện tích sử dụng chung trong nhà chung cư thường là chủ đầu tư.

"Có chủ đầu tư để lại từ 1-5 tầng trên 25 tầng của nhà chung cư để làm văn phòng cho thuê hoặc chung cư thương mại. Nhưng chủ đầu tư hiện nay không tổ chức hội nghị cư dân để bầu Ban quản trị, có trường hợp cố tình kéo dài việc thành lập Ban quản trị này, nên chủ đầu tư không những không đóp góp 2% trong số 1/5 quỹ bảo trì với phần diện tích để lại, mà họ còn sử dụng phần kinh phí này mà không biết đi về đâu. Chủ đầu tư tự cho mình quyền đương nhiên thực hiện quyền của Ban quản trị nhà chung cư", ĐB Bộ nêu thực tế.

Ngoài ra, một số cá nhân chủ đầu tư đã cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân nhưng chưa được sử lý. Chủ đầu tư sử dụng nhiều phần diện tích sử dụng chung để kinh doanh nhưng lợi nhuận họ lại “tự tung tự tác”.

"Đề nghị Chính phủ có biện pháp quản lý nhà các chung cư. Nhân việc Bộ Công an đang thanh tra toàn diện công tác PCCC tại chung cư, đề nghị Bộ khởi tố một số chủ đầu tư đã có hành vi cấu thành tội sử dụng trái phép tài sản để chấn chỉnh việc quản lý toà nhà chung cư", ĐB Nguyễn Mai Bộ nói.

1 thỏi sô-cô-la cõng 13 giấy phép

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc lo lắng cho cộng đồng DN khi vẫn tồn tại những câu chuyện cười ra nước mắt, chỉ có ở Việt Nam.

Theo ông Lộc, chủ trương tinh giản bộ máy, biên chế để giảm chi thường xuyên, để lấy nguồn cho đầu tư được thực hiện tốt hơn thì chúng ta sẽ không phải tăng thuế, phí dồn dập, tận thu khiến người dân bức xúc.

Ông dẫn chứng vụ “1 thỏi sô-cô-la cõng 13 giấy phép” hay chuyện “thời gian nuôi gà còn ngắn hơn thời gian xin giấy phép được bán gà” vẫn còn tồn tại ở nhiều nơi.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc

Ông cho rằng, một số bộ ngành mới chỉ thực hiện cắt giảm thủ tục hành chính ở những lĩnh vực chịu sức ép lớn từ Chính phủ và từ dư luận xã hội, theo kiểu chạy theo vụ việc, thiếu bài bản, đối phó.

Ông cũng lo lắng tình trạng “luật ống, luật khung” vẫn cần phải có các nghị định, thông tư của bộ ngành dẫn đến tình trạng giấy phép con, cháu và các thủ tục hành chính rườm rà sẽ có nguy cơ không biến mất, mà lại biến tướng, phục hồi, chuyển từ hình thái này sang hình thái khác, và vẫn đè nặng lên DN.

Thu Hằng - Hương Quỳnh (Vietnamnet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.