Những kết quả tích cực
Luật Nhà ở năm 2014 (thay thế Luật Nhà ở năm 2005) được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 25-11-2014, đã xác định rõ mục tiêu phát triển nhà ở phải bảo đảm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho phát triển đồng thời 2 loại nhà ở, gồm nhà ở thương mại (NoTM) và NoXH; quy định rõ phát triển nhà ở phải theo quy hoạch và có kế hoạch, khắc phục tình trạng phát triển tự phát, lệch pha cung - cầu.
Luật Nhà ở 2014 cũng đã cụ thể hóa các cơ chế ưu đãi, quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan có liên quan trong phát triển NoXH phục vụ các đối tượng có khó khăn về nhà ở.
Trong giai đoạn khó khăn 2010-2013, các bộ, ngành đã kịp thời tham mưu cho Chính phủ những giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển NoXH, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Đối với lĩnh vực phát triển nhà ở nói chung và NoXH nói riêng, Nghị quyết 02/NQ-CP và Nghị quyết 61/NQ-CP đã góp phần quan trọng nhằm hỗ trợ kịp thời về nguồn vốn tín dụng ưu đãi cho doanh nghiệp tham gia phát triển NoXH, giải quyết về chỗ ở cho nhiều hộ gia đình thu nhập thấp.
Cùng với quá trình triển khai các nhiệm vụ theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia và các nghị quyết của Chính phủ, dù mới chỉ bắt đầu được triển khai trong thời gian ngắn, nhưng bước đầu đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
Khu đô thị NOXH Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội).
Tính đến nay, cả nước đã hoàn thành 184 dự án NoXH cho người lao động tại khu vực đô thị và khu công nghiệp (KCN), trong đó có 84 dự án cho người thu nhập thấp (33.400 căn hộ); 100 dự án nhà ở công nhân (41.000 căn hộ); 89 dự án nhà ở cho sinh viên. Trong đó một số dự án NoXH có quy mô lớn, mô hình tốt, như Đặng Xá của TCT Vigalcera, Đông Ngạc của CTCP Đầu tư và thương mại Thủ đô...
Hiện nay, các địa phương đang tiếp tục triển khai 207 dự án NoXH cho người lao động tại khu vực đô thị và KCN, trong đó có 135 dự án cho người thu nhập thấp (81.000 căn hộ), 72 dự án nhà ở cho công nhân KCN (88.000 căn hộ). Một số dự án nhà ở công nhân có quy mô lớn được triển khai tại Bình Dương của TCT Becamex với quy mô 64.000 căn, tại Đồng Nai của TCT IDICO với quy mô 10.000 căn.
Riêng tại TPHCM đã hoàn thành 30 dự án NoXH cho người lao động tại khu vực đô thị và KCN, trong đó có 12 dự án cho người thu nhập thấp (3.800 căn hộ); hoàn thành 18 dự án nhà ở công nhân (3.700 căn hộ). Trong năm 2017, UBND TPHCM đã ban hành Kế hoạch phát triển và quản lý NoXH giai đoạn 2016-2020. Theo đó, mục tiêu đề ra đến năm 2020 sẽ xây dựng 20.000 căn NoXH, 35.000 chỗ ở cho công nhân, người lao động tại các KCN và 10.000 chỗ ở cho sinh viên.
Tuy đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ nhưng việc phát triển NoXH hiện nay còn gặp khá nhiều khó khăn do điều kiện ngân sách hạn hẹp, đại bộ phận người dân thu nhập còn thấp, đầu tư phát triển NoXH đòi hỏi nguồn vốn lớn, khó thu hút doanh nghiệp tham gia.
Các hình thức, cơ chế huy động nguồn lực tài chính dành cho phát triển NoXH chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, còn phụ thuộc vào nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Quỹ đất để đầu tư xây dựng NoXH tại các đô thị lớn còn hạn chế, đặc biệt là tại vị trí thuận lợi; một số địa phương chưa có quy hoạch quỹ đất phát triển NoXH và nguồn cung chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.
Các ngành cùng vào cuộc
Để thúc đẩy việc hoàn thành cơ bản các mục tiêu về phát triển NoXH đã được đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải có quyết tâm và xác định đây là nhiệm vụ chính trị, trong đó chính quyền địa phương là cấp quyết định sự thành công. Bên cạnh đó, tạo môi trường thuận lợi về đất đai, thủ tục hành chính... để huy động doanh nghiệp và người dân tham gia đầu tư phát triển NoXH, nhà ở cho công nhân.
Các bộ, ngành chức năng tiếp tục hoàn thiện thể chế, bổ sung, điều chỉnh cơ chế chính sách phát triển NoXH, nhà ở cho công nhân phù hợp với tình hình mới. Theo đó, Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, bổ sung cơ chế chính sách khuyến khích xây dựng NoXH để cho thuê, NoTM giá thấp phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và khả năng chi trả của từng đối tượng.
Bộ Tài chính nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách về tài chính, thuế liên quan đến nhà ở và BĐS theo hướng sửa đổi, bổ sung quy định về thuế tài sản nhà, đất nhằm tạo nguồn thu cho ngân sách để hỗ trợ phát triển NoXH; khuyến khích hình thành một số định chế như Quỹ phát triển nhà ở, Quỹ đầu tư BĐS để tạo thêm kênh huy động vốn trung hạn và dài hạn; nghiên cứu chính sách về nghĩa vụ của các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động tại các khu công nghiệp có trách nhiệm hỗ trợ nhà ở cho công nhân, người lao động làm việc tại doanh nghiệp đó.
NHNN nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách về tín dụng liên quan đến NoXH, nguồn vốn hỗ trợ cho NH Chính sách xã hội, mô hình NH tiết kiệm nhà ở, hợp tác xã tín dụng... Theo đó NHNN chỉ đạo, đôn đốc các NHTM được chỉ định thực hiện cho vay ưu đãi NoXH. NH Chính sách xã hội khẩn trương triển khai cho vay ưu đãi với số vốn đã được cấp.
Bộ Kế hoạch - Đầu tư nghiên cứu, đề xuất báo cáo Chính phủ bổ sung nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách để triển khai Chương trình phát triển NoXH giai đoạn 2016-2020. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì triển khai thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 655/QĐ-TTg.
Khi quy hoạch các khu đô thị và KCN mới, mạng lưới các cơ sở đào tạo, nhất thiết phải kèm theo quy hoạch NoXH, nhà ở công nhân, nhà ở sinh viên và quy hoạch các khu chức năng dịch vụ giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục thể thao... Nguồn tiền thu được từ quỹ đất 20% trong các dự án khu đô thị mới, dự án NoTM có quy mô dưới 10ha do các chủ đầu tư nộp và từ ngân sách địa phương để đầu tư phát triển NoXH. |