Gạt nhiều “món” khỏi suy nghĩ
Thị trường chứng khoán luôn ẩn chứa nhiều rủi ro và có lẽ nó chẳng thân thiện với ai. Nó được ví như canh bạc đầy may rủi, nên nếu giới đầu tư có “tả tơi” chạy theo sự thăng trầm của cổ phiếu niêm yết, âu cũng là điều dễ hiểu. Bác Ngữ Bình (66 tuổi, Hà Nội) đã chơi chứng khoán từ 7 năm trở lại đây khi chuẩn bị rời khỏi nhiệm sở Thanh tra ngành thủy sản.
Sau hai “cơn bão” 2010 và 2011, vốn liếng của vị cán bộ hưu trí gần như sạch sẽ trước khi ông quyết định chia tay. “Thị trường quả là… đánh đố nhà đầu tư, bất chấp đây vẫn đang là kênh đầu tư thu hút nhiều người quan tâm nhất”, bác Bình kết luận. “Hoạt động mua bán trên sàn lại diễn ra không thực sự hiệu quả, bởi áp lực bán ra là có thật và liên tục tồn tại. Tâm lý bất an của nhà đầu tư vẫn đang cản trở đà đi lên của chỉ số. Đó là lý do từ mai tôi sẽ thôi không lui tới các sàn chứng khoán nữa!”.
Thị trường nhà đất trầm lắng trong thời buổi khủng hoảng
Giao dịch trên cả hai sàn đã diễn biến không thực sự sôi động và hào hứng như mong đợi. Sự mất mát và chiến thắng vẫn hiện hữu trên một lằn ranh mong manh, trước những xáo trộn khó đoán của thị trường. Nhiều nhà đầu tư đã phải tiếp tục nếm trải đà trượt dài của các cổ phiếu đang nắm giữ. Việc thị trường giữ được đà đi lên nhẹ thời gian gần đây là do hoạt động bắt đáy gia tăng, khi các chỉ số bất ngờ sụt giảm mạnh trong các phiên giao dịch đầu tuần. Mặc dù thời gian gần đây, những thông tin hỗ trợ tích cực liên tục xuất hiện, nhưng thị trường chứng khoán trong nước vẫn chưa thể thoát những phiên giảm điểm thê thảm. Tâm lý sợ rủi ro đang cản đà đi lên của thị trường và càng ngày càng xuất hiện thêm nhiều người từ bỏ cuộc chơi như bác Ngữ Bình.
Trong lần đối thoại trực tuyến hồi đầu năm, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình từng khẳng định, Chính phủ – với sự tham mưu của NHNN – sẽ áp dụng nhiều biện pháp để đưa thị trường vốn và thị trường tiền tệ về đúng bản chất vốn có của nó. Thừa thắng từ việc khống chế thị trường ngoại tệ, Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng cũng đã được Thủ tướng ban hành hồi cuối tháng 5 để tiết chế thị trường này.
Trao đổi với phóng viên Báo Năng lượng Mới, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Tổng công ty vàng Agribank, ông Nguyễn Thanh Trúc thừa nhận, thị trường vàng của Việt Nam có nhiều điều kỳ lạ so với khu vực và thế giới. “Báo chí và dư luận từng gọi đợt tăng giá vàng cuối năm 2011 là cơn điên loạn. Như thế kể ra cũng chẳng sai. Không biết cá nhân, tổ chức hay liên minh nào làm, nhưng tôi khẳng định là những đợt tăng giá bất thường của thị trường vàng Việt Nam đều do làm giá mà thành”, ông Trúc bật mí. “Đó là lý do người dân lao đao khi vấp phải những cơn sóng ngầm không đáng có…”.
Theo những gì người viết mục sở thị trên các phố “vàng” như Hà Trung, Trần Nhân Tông (Hà Nội), thị trường vàng miếng đang trải qua chuỗi những ngày giao dịch ảm đạm. Một số nhà kinh doanh vàng cho biết, vàng hiện tại không hấp dẫn đối với các nhà đầu tư lớn do khả năng sinh lợi thấp. Bên cạnh đó, thị trường cũng muốn chờ xem tình hình sau thời gian chuyển tiếp của Nghị định 24 về quản lý kinh doanh vàng sẽ ra sao.
Trở lại ngoại tệ “tự do” trong nước, chủ trương bình ổn thị trường này cũng được các chuyên gia kinh tế đánh giá rất cao. Việc cấm giao dịch đôla tự do là để chống đôla hóa, đồng thời xóa bỏ cơ chế hai tỉ giá đã tồn tại lâu nay. Để tăng sức mạnh công cụ trong tay, mới đây NHNN tuyên bố đã mua thêm thành công 9 tỉ USD để sẵn sàng giải quyết dứt điểm thị trường ngoại tệ tự do. Một phép ước tính không chính thức cho thấy, còn tới 20 tỉ USD nhàn rỗi tồn trong người dân Việt Nam và khoảng 1/5 thuộc về các đầu nậu USD.
Từ cuối năm 2011, NHNN liên tục điều chỉnh tỉ giá ngoại tệ bình quân liên ngân hàng lên sát giá chợ đen. Động thái này được đưa ra sau khi NHNN cam kết điều chỉnh tỉ giá linh hoạt hơn và đưa tỉ giá giao dịch thực tế trên thị trường liên ngân hàng về dưới mức trần tỉ giá cho phép. Vả lại, bản thân Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng từng đưa ra nhận định: năm nay tỉ giá USD chỉ biến động trong khoảng 2-3% nếu như không có các cú sốc từ bên ngoài.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, hiện bất động sản đã chạm đáy và trở nên vẫn hấp dẫn hơn bao giờ hết, kể cả so với chứng khoán. Tuy nhiên, “chơi” bất động sản đòi hỏi phải trường vốn, ít nhất cũng một vài năm, nên các nhà đầu tư có khoản tiền nhàn rỗi khiêm tốn khó có thể nghĩ tới thị trường này. Vị chuyên gia kinh tế phân tích: Vấn đề đầu tiên khi nói đến đầu tư, là mỗi người cần xác định rõ số vốn mà mình có, cũng như khả năng chấp nhận rủi ro của bản thân mình. Hay nói các khác, là phải xem có bao nhiêu tiền và xem độ “liều” theo tính cách của từng người. Nếu có ít tiền, dĩ nhiên việc đầu tư vào kênh BĐS là không thể khả thi.
Gửi niềm tin vào Việt Nam đồng
Trong một hội thảo ngành ngân hàng, Phó thống đốc NHNN Lê Minh Hưng từng đưa ra lời khuyên cho nhà đầu tư nhỏ lẻ: Nếu có tiền Việt, lựa chọn gửi ngân hàng là một giải pháp an toàn và mức sinh lợi cũng đáng kể và quan trọng là không phải đau đầu tính toán, không sợ may rủi. “Lãi suất huy động Việt Nam đồng đang được các ngân hàng áp dụng với mức trần 14%/năm cho các kỳ hạn từ 1 tháng trở lên. Nếu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng dưới 1,0%/tháng thì gửi tiết kiệm không chỉ là nơi “tạm trú” đối với nhiều nhà đầu tư, mà còn là kênh đầu tư hiện có lãi suất “thực dương”.
Hiện nay, nhiều người lo lắng rằng, nếu để đồng tiền trong ngân hàng thì sợ bị mất giá, nếu tỉ giá USD/VND không giữ được dưới mức 1% như NHNN đề ra. Tuy nhiên, “Tôi cho rằng có cơ sở để khẳng định việc giữ tỉ giá không quá 1% trong năm 2011 là khả thi và xin thưa, dù có mất giá, thì với lãi suất vẫn ở mức 14%, nếu tỉ giá có thay đổi thì vẫn có lãi hơn, hoặc ngang bằng và trong trường hợp xấu nhất thì cũng sẽ không lỗ nhiều”, ông Hưng phân tích theo thực tế.
Thực tế cho rằng, với điều hành lãi suất sẽ ổn định của NHNN, cộng với kỳ vọng tỉ giá tăng 2-3% trong cả năm 2012 thì người gửi Việt Nam đồng vẫn có lợi hơn so với gửi USD. Trong bối cảnh hiện nay, đầu tư vốn vào sản xuất kinh doanh sau khi trừ chi phí rồi để đạt được mức lợi nhuận sau thuế 9%/năm là cực kỳ khó khăn. Cho nên lúc này gửi Việt Nam đồng vào ngân hàng thương mại vẫn là một kênh đầu tư an toàn đối với đông đảo người dân. Về phía tâm lý thị trường và tâm lý người dân, số liệu của NHNN cho thấy tiền gửi ngoại tệ của dân cư đã giảm và dịch chuyển sang Việt Nam đồng. Trên thị trường thể hiện một điều rất rõ nét từ cuối 2011 đến nay là NHNN liên tục mua vào ngoại tệ để tăng dự trữ. Điều đó cho thấy người dân và thị trường đã có lòng tin vào điều hành chính sách của Chính phủ và NHNN, cũng như là với Việt Nam đồng, được củng cố hơn rất nhiều.