14/09/2016 9:07 PM
Theo nhiều chuyên gia, với trình độ quản lý, công nghệ, hạ tầng, chi phí... ở VN hiện nay, đầu tư thép rất khó có lời. Các nhà đầu tư đổ vốn khủng vào đây chủ yếu kiếm lợi nhuận bằng việc 'chạy' ưu đãi sau đó.
Các dự án thép sẽ không 'sống' được nếu không có những cam kết ưu đãi khủng
Bỏ chạy vì không được ưu đãi
Tuần trước, UBND tỉnh Quảng Ngãi chính thức ra quyết định thu hồi dự án thép khủng của Tập đoàn Tycoons (Đài Loan) tại Dung Quất. Đây là dự án được cấp phép từ năm 2006, với số vốn đăng ký ban đầu khoảng hơn 1 tỉ USD. Sau đó, dự án được nâng vốn lên 3 tỉ USD rồi 4,5 tỉ USD vào năm 2012 khi có thêm nhà đầu tư mới là Tập đoàn JFE. Cùng với việc tăng vốn, triển khai dự án, chủ đầu tư không ngừng đòi hỏi được hưởng các ưu đãi từ đất đai, điện, nước, thuế...
Chỉ đến khi Chính phủ nói “không” với các đòi hỏi ưu đãi quá mức như: không đồng ý ngân sách tiếp tục chi tiền đền bù diện tích đất bổ sung; chỉ đồng ý giảm 10% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 15 năm chứ không miễn hoàn toàn loại thuế này cho suốt đời dự án... thì các nhà đầu tư này đã rút khỏi dự án. Trong văn bản trả lời Thanh tra tỉnh Quảng Ngãi vào tháng 6.2015, chủ đầu tư đã thừa nhận căn cứ vào giá cả thị trường sắt thép hiện tại cũng như trong tương lai 5 - 10 năm tới, cho thấy hiệu quả dự án là không khả thi. Vì vậy, họ đề xuất không tiếp tục đẩy mạnh dự án.
Không chỉ doanh nghiệp nước ngoài bỏ của chạy lấy người, doanh nghiệp nội cũng tương tự. Tại dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên (TISCO), với mong muốn cứu dự án 8.000 tỉ đồng này khỏi thế tiến thoái lưỡng nan sau khi đã rót vào đây hơn 4.500 tỉ đồng nhưng chưa rõ ngày hoàn tất, Tổng công ty thép VN đã có không ít văn bản gửi lên cấp trên xin rất nhiều ưu đãi về tín dụng, thuế... Việc này được Bộ Công thương đồng tình và coi đó là điều kiện cần để dự án có hiệu quả kinh tế. Cụ thể, hồi tháng 3.2016, Bộ Công thương cũng đã đồng ý kiến nghị lên Chính phủ nhiều cơ chế đặc biệt như xin miễn 133 tỉ đồng thuế nhà thầu; không tính thuế nhập khẩu thiết bị phục vụ thi công giai đoạn còn lại ước tính khoảng 65 tỉ đồng; đối với phần thuế giá trị gia tăng đã được hoàn lại hơn 330 tỉ đồng, doanh nghiệp cũng xin không tính toán trong cơ cấu tổng mức đầu tư.
Bên cạnh đó, TISCO cũng đề xuất các ngân hàng khoanh nợ gốc, miễn 100% lãi vay trong thời gian dừng thi công từ tháng 7.2012 - 3.2016 với số tiền hàng trăm tỉ đồng.
Trải thảm đỏ bằng tiền thuế của dân
Theo chính sách thu hút đầu tư hiện hành, dự án càng lớn, ưu đãi càng nhiều. Đó là lý do rất nhiều chủ đầu tư vẫn mạnh miệng tuyên bố vốn khủng khi đầu tư vào ngành thép. Dù tuyên bố vốn lớn nhưng không phải đầu tư ngay một lúc vài tỉ hay hàng chục tỉ USD.
Tuy nhiên, cái lợi họ được hưởng là ngay từ khi bắt đầu dự án. "Họ tuyên bố con số khủng là để trục lợi từ các khoản ưu đãi đó. Họ cũng nói là họ phân kỳ đầu tư nhưng sự thực chỉ là trục lợi chính sách", lãnh đạo hiệp hội thép nói và tính toán: Tại nhiều khu công nghiệp phía nam như Phú Mỹ, Bà Rịa-Vũng Tàu là nơi có nhiều doanh nghiệp sản xuất thép, tiền thuê đất là 70 USD/m2 trong thời gian 50 năm. Với một dự án thép lớn như Formosa, riêng diện tích mặt đất 2.000 ha thì số tiền thuê đất lên tới 140 triệu USD. Một con số mà không phải đơn vị nào cũng có thể bỏ ra. Thế nhưng Formosa chỉ trả tổng tiền thuê đất và mặt nước trong 70 năm là 4,45 triệu USD vì được ưu đãi.
Chuyên gia kinh tế, TS Bùi Trinh cũng cho rằng: “Việc công bố dự án có vốn đầu tư lớn để nhận được nhiều ưu đãi gần như là một điều đương nhiên. Hay nói cách khác, vì có những ưu đãi kiểu Formosa mà các chủ đầu tư mới mạnh dạn công bố đầu tư số tiền khủng vào ngành thép. Nếu không, trong cơn khủng hoảng thừa thép thế giới hiện nay, chẳng doanh nghiệp nào dại mà đổ vốn vào ngành này”.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phân tích: “Ở góc độ rất hẹp về tài nguyên và năng lượng, đầu tư một dự án ở ven biển, ở vùng thiếu nước thì dự án phải lấy bớt nước của người dân. Các công trình cung cấp nước là các công trình phục vụ dân sinh, được đầu tư bằng tiền thuế của người dân đóng góp sao có thể lấy đi mua thảm đỏ để đón doanh nghiệp? Hay nói đến vấn đề sử dụng điện. Hiện nay VN đang thiếu điện, phải mua điện của nước ngoài, nhà nước phải trợ giá. Mà trợ giá cũng chính bằng tiền thuế của người dân. Bây giờ cấp phép đầu tư có nghĩa là doanh nghiệp được hưởng lợi trên giá điện. Chưa kể còn đầu tư trạm biến áp cũng bằng tiền thuế của người dân để phục vụ nhu cầu kinh doanh của doanh nghiệp”.
PGS-TS Lưu Đức Hải, Khoa Môi trường (ĐH KHTN - ĐH Quốc gia Hà Nội), cho biết tình trạng dư thừa thép ở trên thế giới bắt nguồn từ Trung Quốc đang tạo ra sức ép dẫn đến bảo hộ thương mại ở các nước phát triển. Sức ép dư thừa dẫn đến việc giảm giá và tình trạng bán các nhà máy, công nghệ sản xuất thép từ Trung Quốc. Đây là quy luật kinh tế thông thường. Trong bối cảnh này, việc cấp phép cho các dự án thép là hoàn toàn bỏ qua chiến lược phát triển bền vững của đất nước. Vì xu hướng tất yếu sẽ phải bỏ trợ giá tài nguyên môi trường dẫn đến giá điện rẻ bất thường ở VN hiện nay.
Chí Hiếu - Mai Phương - Chí Nhân (Thanh niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.