07/10/2014 2:54 PM
Điểm nhanh những dự án cung cấp sản phẩm nhà ở sinh thái, liền kề mang tính nghỉ dưỡng tại Thủ đô mới đây, cho thấy xu hướng dịch chuyển về các huyện từng được coi là "khỉ ho cò gáy" như Chương Mỹ, Quốc Oai, Thạch Thất... Tuy nhiên, ý tưởng chỉ quyết định một nửa thành công.

Chuyện 4 năm trước về bi kịch BĐS ở Thủ đô nói riêng, nền địa ốc cả nước nói chung diễn ra chỉ như mới đây. Từ khi ấy, ngành ngân hàng, giới DN tạo lập nhà đất, lực lượng trung gian, kinh doanh dịch vụ địa ốc và các ngành nghề phụ trợ rơi vào giai đoạn "tự sửa chữa" dưới nhiều hình thức.

Cho đến thời điểm bức tranh nhà đất ghi nhận một số nét tươi tắn, DN BĐS bước đầu "hái" trái ngọt sau nhiều năm trời vật lộn với vốn - nợ vay - bán hàng - pháp luật.

Vết xe đổ mang tên đám đông

Những người trong cuộc, nhất là nhiều đại diện lãnh đạo DN tưởng không tránh khỏi phá sản hay thậm chí dính vòng lao lý liên quan tới phát triển dự án, kinh doanh sản phẩm, đều thừa nhận: Tâm lý đám đông vẫn bao trùm toàn bộ thị trường. Ngay như ngân hàng - "trái tim" của cơ thể nền kinh tế cũng nhiều lần lỗi nhịp.

Ông Tuyên, lãnh đạo một đơn vị chuyên "đánh bắt xa bờ" (đầu tư đất dự án ở ngoại thành Hà Nội - theo cách gọi trong nghề) thời Quy hoạch trục Hồ Tây - Ba Vì còn nóng từng xóm nhỏ Hà thành, nhớ lại: Giai đoạn 2009 - 2011, trong giới đầu tư, việc một cá nhân "đổi đời" chỉ trong vài tiếng đồng hồ là quá phổ biến.

Ngược lại, cũng nhan nhản những thảm kịch nhà đầu tư "chui lủi" vì vỡ nợ ngân hàng hay thậm chí là tín dụng đen. Minh chứng rõ nhất là làn sóng săn đất vườn, đất ruộng ở Ba Vì, Sóc Sơn, Đông Anh.

Bỏ ra vài trăm triệu, tới nhiều tỷ đồng để "ôm" cả sào đất và ung dung chờ khách hỏi. Tới khi thông tin quy hoạch được chính thức, những NĐT lập tức rơi vào khủng hoảng trả nợ. Lý do: họ lao vào đất cát chỉ bằng cảm tính và… nghe tin đồn phong thanh.

Một mặt gián tiếp tạo bong bóng BĐS (thoải mái cấp tín dụng), ngân hàng cũng "lĩnh đủ" suốt 3 năm qua. Tới tấp kế hoạch tái cơ cấu, thanh lý hàng tồn, triệt phá nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro… là hoạt động chung của lực lượng nhà băng đến lúc này.

Mối quan tâm lớn nhất là uy tín của chủ đầu tư

Năm 2014, sau hơn 1 năm từ thời điểm được giao trọng trách "gói 30.000 tỷ đồng", không ngạc nhiên vì bức tranh dự án và tín dụng ngân hàng "thắm" trở lại. Chẳng riêng gì những dự án nhà ở thương mại trong nội đô nhộn nhịp công trường - náo nhiệt mở bán, lần lượt các địa bàn đón nhận được chính thức phê duyệt quy hoạch chi tiết cũng lọt vào toan tính của dân đầu tư.

Có thể kể ra một vài dự án KĐT ngoại thành sắp được giới kinh doanh địa ốc "tung hứng", như: LocNinh Land (đô thị sinh thái ở thị trấn Chúc Sơn, Chương Mỹ) hay mới đây nhất là KĐT Văn Minh (nằm trên 2 huyện Thạch Thất và Quốc Oai)…

Tâm lý thị trường bớt bi quan, túi tiền người mua nhà cũng được nhà băng "hỗ trợ", lại thêm kế hoạch phát triển theo định hướng quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn tới 2050 đang được Lãnh đạo Hà Nội rốt ráo thực thi. Đó là điều kiện cần và đủ để giới đầu tư thêm tự tin săn tìm cơ hội ngay từ bây giờ.

Chẳng lo chính sách, chỉ "e" doanh nghiệp

Trước kia, dư luận, thậm chí nhà quản lý, vẫn "đổ lỗi" rằng: thiếu thông tin chuẩn xác, kịp thời là một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng bong bóng BĐS phình to. Còn nay, cảm giác "bất an" của người kinh doanh lẫn những khách hàng chỉ mong sao được căn nhà để ở hợp túi tiền - nhu cầu, lại là sức mạnh thực sự của DN trong triển khai dự án.

Chi tiết đầy đủ về Quy hoạch chung Thủ đô đã rõ ràng, định hướng quy hoạch về phát triển đô thị lẫn quy mô dân số được cơ quan quản lý công khai, từng chính sách hỗ trợ DN, người mua nhà (về thủ tục hành chính, xét duyệt, điều kiện thụ hưởng) cũng… rõ như ban ngày.

NĐT, nhất là những cá nhân đã trải qua "ác mộng" BĐS thời kỳ 2010, đang tập trung phân tích khả năng về đích của dự án như một cách "chọn mặt gửi vàng".

Giữa tháng 9, dự án LocNinhland bao gồm khu văn phòng thương mại, nhà ở bỗng chốc nổi lên như một điểm nóng phía Tây Nam của Hà Nội. Sản phẩm chủ đạo: 183 nhà liền kề (từ 67,5 - 129,4m2) và 2 tòa chung cư cao 19 tầng với "hậu thuẫn" từ yếu tố hạ tầng: tiếp giáp Quốc lộ 6 mở rộng có đường tàu điện trên cao, cộng thêm hàng loạt điểm du lịch tôn giáo khác…
Về phía hỗ trợ tài chính cho người mua, dự án trở nên đáng chú ý với ngân hàng BIDV trực tiếp cho vay với lãi suất ưu đãi. Vấn đề lưu tâm, đó là Công ty CP Lộc Ninh (chủ đầu tư) chưa từng được biết tới trên thị trường BĐS.

Thông tin về năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án của DN này cũng hoàn toàn không xuất hiện trên website chính thức.
"Trình độ, thương hiệu của chủ đầu tư vẫn là dấu hỏi lớn, nên chúng tôi chỉ xem qua và theo dõi tiến độ dự án này ra sao…", NĐT tên Tuấn nhìn nhận.

Đông Hưng (Thời báo kinh doanh)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.