Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước được công bố hôm 10-5-2018 đã nêu lên những con số thực sự gây sốc về hiện trạng của những dự án hạ tầng được đầu tư bằng vốn nhà nước hoặc nguồn vốn xã hội hóa.

Dự án nạo vét, xây kè bảo vệ cảnh quan sông Sào Khê bắt đầu xây dựng từ năm 2001 đến nay vẫn dở dang, gây lãng phí. Ảnh: laodong.vn

Đó là tình trạng đội vốn rất lớn so với phê duyệt ban đầu của các dự án sử dụng vốn trực tiếp từ ngân sách và việc phê duyệt vốn quá cao so với giá trị đầu tư thực trong hàng loạt dự án BT (xây dựng - chuyển giao) và BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao). Đầu tư mà mất kiểm soát chi phí, đẩy vốn lên một cách vô tội vạ như vậy không chỉ làm giảm hiệu quả đầu tư công, tạo áp lực lớn lên ngân sách quốc gia, mà còn chồng chất thêm gánh nặng thuế phí lên vai người dân.

Dự án nạo vét và làm kè đá đoạn sông Sào Khê ở Ninh Bình có mức vốn được duyệt 72 tỉ đồng, nay nâng lên thành 2.597 tỉ đồng. Tuy cấp độ đội vốn là vô cùng lớn, nhưng nếu so về con số tuyệt đối thì nó vẫn chưa là gì so với mức tăng thêm tới 7.000 tỉ đồng của dự án nạo vét sông Đáy cũng ở Ninh Bình hay con số 10.332 tỉ đồng của Nhà máy Nhiệt điện Ô Môn 1. Tất nhiên, đây không phải những trường hợp cá biệt mà vẫn còn một danh sách dài những dự án bị đội vốn hàng ngàn, thậm chí là chục ngàn tỉ đồng khác.

Ở chiều ngược lại, có những dự án BT, BOT không bị đội vốn mà ngay từ đầu đã được một số cơ quan chức năng phê duyệt mức vốn cao ngất ngưởng. Chỉ với 30 dự án BT, sau khi kiểm tra Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 4.500 tỉ đồng. Tương tự, việc kiểm tra 40 dự án BOT cũng dẫn đến kết quả Kiểm toán Nhà nước kiến nghị giảm tới 120 năm thu phí để hoàn vốn và 1.467 tỉ đồng giá trị đầu tư.

Giải thích cho nguyên nhân dự án đầu tư công bị đội vốn, một số người có trách nhiệm cho là tại cơ chế quản lý đầu tư xây dựng cơ bản bất cập, do trình độ chuyên môn của các cơ quan tham mưu kém... Tất nhiên, cơ chế quản lý đầu tư xây dựng cơ bản chưa hoàn thiện, nhưng đây không phải là lý do có thể thuyết phục được người dân. Ít nhất nó không giải thích được mâu thuẫn: cũng là những dự án cơ sở hạ tầng, cũng những cơ quan đó, bộ máy đó thẩm định và phê duyệt nhưng kết quả tính chi phí đầu tư ban đầu giữa công trình sử dụng trực tiếp vốn ngân sách và các dự án BT, BOT lại trái ngược hoàn toàn.

Và, dù việc tính toán chi phí ban đầu có trái ngược, nhưng kết quả của cả hai dạng đầu tư vẫn là chi phí được đẩy lên cao ngất. Thế nên, chắc chắn đằng sau phải còn những lý do thiếu minh bạch nào đó. Nhất là khi các dự án này đều ít nhiều liên quan đến những sai phạm mà Kiểm toán Nhà nước đã nêu ra như phê duyệt dự án khi chủ trương đầu tư chưa được duyệt, chưa đủ thủ tục, không phù hợp với quy hoạch vùng, dự án không được đấu thầu mà là chỉ định thầu...

Ngoài ra, hiện trạng của nhiều dự án hạ tầng được phơi bày ra công luận thời gian gần đây còn cho thấy một thực trạng đáng lo ngại khác, đó là cơ chế giám sát đã hầu như bị vô hiệu hóa trong thực tế. Trên nguyên tắc, các dự án đầu tư, nhất là những dự án lớn, đều phải được hội đồng nhân dân cấp địa phương hoặc Quốc hội cho ý kiến và giám sát. Nhưng rất nhiều dự án có vấn đề mà người dân chỉ được biết sau khi có kết quả thanh tra, hoặc bị thua lỗ, rơi vào bế tắc tài chính đến mức chủ đầu tư không còn cứu vãn được. Hiệu quả giám sát kém có thể là kết quả của tình trạng thiếu minh bạch, nhưng cũng có thể là do bị ai đó thao túng, vô hiệu hóa.

Liên quan đến dự án Sào Khê ở Ninh Bình tăng 36 lần tổng vốn đầu tư, tại phiên họp báo Chính phủ ngày 2-6, đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, dự án này cũng đã được nhiều đại biểu Quốc hội nêu và đại diện lãnh đạo tỉnh Ninh Bình đã trả lời rất nhiều cuộc phỏng vấn thông tin liên quan đến nội dung tăng tổng vốn đầu tư của dự án này.

"Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao là cơ quan đầu mối, chúng tôi đã yêu cầu lãnh đạo tỉnh Ninh Bình có báo cáo chi tiết về quá trình triển khai dự án này cũng như quá trình thực hiện. Trên cơ sở báo cáo chi tiết đó, chúng tôi xem xét có cần thiết phải thanh tra, kiểm tra một cách cụ thể, chi tiết hay không để có kiến nghị phù hợp," Thứ trưởng Lê Quang Mạnh cho hay.

Trước đó, trong Báo cáo kết quả kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016 do Tổng Kiểm toán Nhà nước ký ngày 10-5-2018 và báo cáo trước Quốc hội chiều 21-5 cho biết, về hoạt động xây dựng và quản lý vốn đầu tư, qua kiểm toán 1.497 dự án, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 10.125 tỉ đồng.

Cơ quan này cũng nêu lên một số tồn tại như phê duyệt chủ trương đầu tư một số dự án chưa căn cứ theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 hoặc chiến lược, quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, chưa xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn. Đáng chú ý, dự án nạo vét, xây kè, bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê, tỉnh Ninh Bình điều chỉnh tăng 36 lần (từ 72 tỉ đồng lên 2.595 tỉ đồng).

(Theo TTXVN)

Thời báo Kinh tế Sài Gòn
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.