30/03/2014 11:04 AM
Cơ chế đầu tư công hiện nay chỉ khuyến khích sự lãng phí, tham nhũng và hiệu quả đầu tư thấp.

Từ chủ trương đầu tư, thẩm định nguồn vốn đối với các chương trình, dự án, việc lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch đầu tư, triển khai thực hiện kế hoạch, đến theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra kế hoạch đầu tư công cho thấy còn nhiều kẽ hở của pháp luật. Thực tế này đã khiến nhiều bộ, ngành, địa phương quyết định chủ trương đầu tư nhiều công trình quy mô gấp đôi, gấp ba yêu cầu sử dụng, gây lãng phí lớn và bức xúc dư luận xã hội. Có nơi chủ trương tiến hành xây dựng còn nguồn lực để thanh toán thì cứ để đó còn tiếp tục tranh thủ xin Chính phủ, hậu quả là nợ đọng xây dựng cơ bản quá lớn…


Nhiều công trình đầu tư dang dở (ảnh minh họa, nguồn Internet)

Mặc dù có xu hướng giảm dần trong những năm gần đây nhưng trong tổng đầu tư toàn xã hội, đầu tư công vẫn chiếm tỷ trọng cao nhất. Giai đoạn 2005-2009, tỷ trọng vốn đầu tư công từ ngân sách Nhà nước chiếm tới trên 50%, thậm chí có năm lên tới hơn 60%. Mặt khác, đầu tư công còn có một phần không nhỏ từ nguồn vốn vay của nước ngoài, nguồn vốn này năm 2010 lên đến 36,6%. “Tuyệt đại đa số sổ vay nợ trong và ngoài nước cùng dành để đầu tư công, hoặc là đầu tư trực tiếp của Chính phủ, của chính quyền địa phương hoặc là chuyển cho doanh nghiệp nhà nước đầu tư”- theo ý kiến của một chuyên gia trong lĩnh vực đầu tư.

Hồi đầu năm nay, Bộ trưởng Kế hoạch-Đầu tư Bùi Quang Vinh, tại hội nghị lần thứ 7 Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (khóa VII) đã thẳng thắn chỉ ra rằng: “Một trong những nguyên nhân góp phần vào việc lạm phát là chúng ta chi tiền đầu tư công quá mức. Hiệu quả đầu tư công thấp, ai chịu trách nhiệm? Chúng ta đã có nhiều cơ chế chưa chặt chẽ”.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng vẫn đang tồn tại một thực tế là nhiều địa phương không biết gì cả nhưng chúng ta phân cấp quá mạnh cho họ. “Cơ chế chúng ta là cho tiền cho những người không biết gì mà quyết định” – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Sở dĩ có tình trạng đầu tư công như thời gian, Chính phủ thừa nhận là do hệ thống pháp luật quản lý đầu tư công chưa hoàn chỉnh và đồng bộ, thiếu các chế tài và biện pháp quản lý, giám sát, nên đã phát sinh nhiều tồn tại, hạn chế; đầu tư còn dàn trải, phân tán, kế hoạch đầu tư bị cắt khúc ra từng năm, hiệu quả đầu tư kém. Tình trạng thi công vượt quá vốn kế hoạch được giao, gây nợ đọng xây dựng cơ bản quá mức, gây áp lực lớn đến cân đối NSNN các cấp. Ngoài ra, việc quản lý đầu tư công hiện nay được quy định rải rác trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau.

Phần nhiều là chậm tiến độ

Theo thống kê của Bộ KH-ĐT, tỷ lệ dự án đầu tư công chậm tiến độ đã tăng dần qua các năm từ 2005 đến nay. Cách đây 9 năm, cả nước có 2.280 dự án chậm tiến độ, chiếm 9,2% thì đến năm 2006-2007, tỷ lệ này lần lượt lên đến 13,1% và 13,9%. Và trong 2 năm 2011-2012, tỷ lệ dự án đầu tư công chậm tiến độ ghi nhận có chuyển biến tích cực khi giảm xuống dưới 12%. Tuy nhiên, con số tuyệt đối lại tăng lên đến gần 4.500 dự án. Chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2013, cả nước có 3.006 dự án chậm tiến độ, chiếm 11,2% số dự án thực hiện trong kỳ.

Chậm tiến độ và điều chỉnh dự án, tăng vốn… là những “bệnh” rất thường thấy. Theo ý kiến của các chuyên gia, để khắc phục tình trạng này, trong Luật đầu tư công đang được Quốc hội cho ý kiến, cần có quy định nguyên tắc xử lý chung theo hướng cương quyết không chấp nhận những khoản phát sinh mà lỗi do bên trúng thầu gây ra. Qui định này nhằm hạn chế tình trạng bỏ thầu thấp, cạnh tranh không lành mạnh sau đó bên trúng thầu dự án đầu tư công lạm dụng mối quan hệ với chủ đầu tư tính và điều chỉnh chi phí phát sinh làm tăng vốn đầu tư. Thực tế thời gian qua hiện tượng này khá phổ biến ở các cấp, ngành và địa phương, gây hệ lụy tiêu cực và bức xúc trong xã hội.

Ông Phạm Sỹ An- Viện Kinh tế Việt Nam thẳng thắn đánh giá: “Cơ chế đầu tư công hiện nay chỉ khuyến khích sự lãng phí, tham nhũng và hiệu quả đầu tư thấp. Việc cải thiện cần phải nâng cao tiếng nói, sự tham gia và giám sát của cộng đồng. Nếu vai trò của cộng đồng, của người dân không được phát huy trong các dự án đầu tư công thì các biện pháp chính sách sẽ khó phát huy tác dụng”.

Trên thực tế, việc giám sát dự án đầu tư công là bắt buộc đổi với tất cả các dự án, đặc biệt là vai trò giám sát của người dân. Tuy nhiên, hầu hết các dự án đầu tư công người dân không thể giám sát trực tiếp mà phải thông qua các cơ quan dân cử. Khi qua các tổ chức này, hiệu lực của quá trình giám sát đã bị giảm đi nhiều. Theo các chuyên gia, huy động sự giám sát của cộng đồng đối với các dự án là việc làm cần thiết. Thậm chí, có thể nghiên cứu thành lập cơ quan giám sát, đánh giá đầu tư độc lập từ trung ương đến địa phương.

Vũ Hạnh (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.