10/06/2016 8:08 AM
Việc cho phép nâng số tầng nhưng không tăng mật độ xây dựng và dân số khiến cân đối tài chính, lợi nhuận của doanh nghiệp chưa đảm bảo.
Tại Hội nghị Hợp tác đầu tư và phát triển của thành phố Hà Nội diễn ra ngày 4/6 vừa qua, lãnh đạo UBND thành phố đã công bố 10 dự án kêu gọi đầu tư, lập kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo đồng bộ chung cư cũ, với tổng mức đầu tư dự kiến lên tới 316,8 nghìn tỷ đồng (đợt 1).
Dự án cải tạo nhà A1, A2 Nguyễn Công Trứ nhiều tháng sau khi hoàn thành dân vẫn không về ở vì mâu thuẫn mức giá bán.
Mục tiêu của thành phố Hà Nội là cải tạo toàn diện các khu chung cư cũ, không làm đơn lẻ. Đó chủ yếu là các khu chung cư thuộc diện nguy hiểm cấp độ C, D như tập thể Khương Thượng, Vĩnh Hồ, Kim Liên (quận Đống Đa); hay Ngọc Khánh, Giảng Võ, Thành Công (quận Ba Đình)… Trước đó, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đã có quyết định cho phép nâng chiều cao lên tới 25 tầng đối với 1 số dự án cải tạo chung cư cũ, nhằm thu hút các nhà đầu tư tham gia vào việc này.
Như vậy, thành phố Hà Nội đã có nhiều động thái tích cực, thể hiện mong muốn kêu gọi đầu tư, sớm cải tạo các khu chung cư cũ nát, nguy hiểm, đảm bảo cuộc sống an toàn cho người dân và tạo diện mạo đẹp cho đô thị. Thế nhưng, theo nhiều doanh nghiệp, việc cho phép nâng số tầng nhưng lại kèm theo các yêu cầu không tăng mật độ dân số trong khu vực nội đô, mật độ xây dựng… , thì bài toán cân đối tài chính, đảm bảo lợi nhuận của doanh nghiệp vẫn chưa giải quyết được triệt để.
Ông Nguyễn Chí Thanh, Giám đốc Công ty cổ phần Thanh Bình Hà Nội, một doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản phân tích, chỉ có những khu tập thể có quy mô như Thành Công, Nguyễn Công Trứ mới cho phép cải tạo lên 25 tầng, còn các chung cư khác chỉ được 13 tầng sẽ không hấp dẫn và không đủ hiệu quả để có nguồn xây mới.
“Sự chỉ đạo quyết liệt của UBND thành phố là rất quan trọng, nhưng nếu không tháo gỡ cùng nhà đầu tư thì các chính sách hiện chỉ mới là điều kiện ban đầu, mở dần cửa, tạo cơ hội để các nhà đầu tư quan tâm”, ông Thanh cho biết.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cho rằng, còn rất nhiều vấn đề phức tạp khiến nhà đầu tư “ngại” khi tham gia vào lĩnh vực này. Nhất là việc đền bù tái định cư đối với những người dân sống trong khu chung cư cũ, hay việc cần có ý kiến đồng thuận của người dân khi chọn nhà đầu tư…
Một số dự án cải tạo chung cư cũ trước đây gặp nhiều trở ngại khi không tìm được tiếng nói chung giữa doanh nghiệp với người dân. Thậm chí, dự án cải tạo nhà A1, A2 Nguyễn Công Trứ sau 10 năm mới hoàn thành, khang trang, sạch đẹp, chủ đầu tư mời dân vẫn không về ở vì cho rằng giá quá cao. Chủ đầu tư dự án này cũng bày tỏ sự mệt mỏi khi tham gia cải tạo chung cư cũ. Do đó, mâu thuẫn về lợi ích giữa người dân với chủ đầu tư là một trong những nguyên nhân quan trọng gây ách tắc cho quá trình cải tạo chung cư cũ.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Bất động sản Hanhud, thành phố Hà Nội cần tìm cơ chế giải quyết hài hòa về quyền lợi giữa các bên.
“Nhà đầu tư ngại nhất là việc đền bù tái định cư đối với các hộ dân, nhất là những hộ dân có quyền lợi cao trong các tòa nhà cũ. Nếu giải quyết được những mâu thuẫn chính đó thì các nhà đầu tư sẽ bớt ngại ngùng khi tham gia vào các dự án này”, ông Đính cho hay.
Thực tế, sau hơn 10 năm khởi động chương trình cải tạo và xây dựng mới chung cư cũ ở Hà Nội, phần thực hiện được vẫn chưa vượt quá con số 2%. Không ít ý kiến tỏ ra lo ngại về thời gian thực thi 10 dự án trị giá lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng mà TP Hà Nội đang kêu gọi đầu tư, bởi còn phải kể đến độ trễ chính sách, hoặc tình trạng quy hoạch bị “treo” nhiều năm vốn đã không còn xa lạ.
Ông Trần Ngọc Quang, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhìn nhận: “Cần tính toán và xem xét kỹ lưỡng, nếu không kèm theo hệ thống chính sách một cách hợp lý sẽ càng trầm trọng thêm, gây khó khăn trong việc giải quyết những vấn đề chung cư cũ ở khu vực nội đô. Tôi nghĩ rằng, ở mỗi một khu chung cư cần phải có những bài toán tính toán chi tiết, cụ thể để đảm bảo cho khả năng thực tế của các nhà đầu tư có thể đầu tư được vào đấy cùng với các chính sách ưu đãi của Nhà nước”.
Mặc dù những khó khăn từng xuất hiện trong bức tranh cải tạo chung cư cũ đã phần nào được khắc phục, nhưng các nhà đầu tư vẫn mong muốn thành phố Hà Nội xây dựng được một cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp, thông thoáng để giải quyết hài hòa lợi ích giữa các bên. Có vậy, 10 dự án cải tạo chung cư cũ giai đoạn 2016-2020 mới mong về đích nhanh chóng, đáp ứng kỳ vọng của hàng nghìn người dân ở các chung cư cũ./.
Lưu Huyền (VOV)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.