08/03/2018 1:11 PM
Cả đoạn đường dài 200 km nhưng chủ đầu tư chỉ thi công 2 đoạn thuận lợi rồi đặt 2 trạm thu phí BOT. Đáng nói, chủ đầu tư làm ít, kê nhiều, kéo dài thời gian thu phí

Dự án BOT Quốc lộ (QL) 19 do Công ty 36.71 (Tổng Công ty 36 - Bộ Quốc phòng) làm chủ đầu tư với tổng vốn hơn 2.045 tỉ đồng. Dự án được khởi công đầu năm 2014 và hoàn thành đưa vào thu phí từ tháng 6-2016. Ngày 7-3, có mặt tại QL19 (dài 200 km), từ khu vực chân đèo Mang Yang đến chân đèo An Khê (tỉnh Gai Lai); chúng tôi ghi nhận dù đã được sửa chữa, khắc phục nhưng nhiều đoạn mặt đường vẫn bong tróc khiến nhiều tài xế phải tránh vào ven đường để lưu thông.

Chọn chỗ dễ làm để thu phí

Đại biểu Quốc hội Đinh Duy Vượt, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai, thẳng thắn chỉ ra dự án BOT QL19 là kiểu làm BOT "lạ đời" khi chỉ cải tạo và nâng cấp hai đầu tuyến đường (tại tỉnh Gia Lai 23,5 km, tỉnh Bình Định 33,27 km) mà các đoạn này vẫn còn khai thác tốt trong nhiều năm nữa (trừ đoạn đèo Mang Yang), trong khi các đoạn khác xấu hơn thì không làm.

Trong khi đó, ông Nguyễn Trung Dũng, Giám đốc Công ty 36.71, lại cho rằng vị trí đầu tư là do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) và tỉnh tính toán và thống nhất, chủ đầu tư không có quyền chọn. "Chỗ đặt trạm thu phí, vị trí làm, khoảng cách ra sao và làm bao nhiêu km, tất cả những cái đó là do Bộ GTVT đã tính toán với 2 tỉnh, còn nhà đầu tư chỉ biết bỏ tiền ra làm" - ông Dũng nói.

Cũng theo ông Dũng, tất cả các đoạn BOT trên các QL đều phải có vốn của nhà nước đi kèm. Ông Dũng cho rằng trên QL19 cũng vậy, nhà đầu tư đã tính toán phương án tài chính để làm và hoàn vốn dưới mức 25 năm nên chỉ làm được từng đó km, còn thiếu bao nhiêu thì nhà nước phải đầu tư.

Đoạn đường được đầu tư BOT nhưng đã xuống cấp

Làm ít báo cáo nhiều

Đặc biệt qua kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) phát hiện giữa tổng chi phí đầu tư hơn 1.194 tỉ đồng (trước thuế) và số liệu kiểm toán có sự chênh lệch đến hơn 21 tỉ đồng. Trong đó, lớn nhất là chênh lệch giữa số liệu báo cáo và về hàm lượng nhựa theo thực tế thi công tới 16 tỉ đồng và kê sai khối lượng thi công 5 tỉ đồng.

Bên cạnh đó, KTNN đã chỉ ra hàng loạt hạn chế khác trong việc quản lý chất lượng công trình, công tác lựa chọn nhà thầu… Đáng chú ý, từ kết quả kiểm đếm xe trên tuyến đường hiện hữu tại 4 vị trí năm 2012 và dựa trên tốc độ phát triển vận tải, tư vấn thiết kế đã tính toán khả năng thông hành trên QL19 đoạn qua tỉnh Bình Định hiện trạng vẫn bảo đảm được đến năm 2020 và đoạn qua tỉnh Gia Lai được đến năm 2025. Tuy nhiên, báo cáo thẩm tra, thẩm định trình Bộ GTVT phê duyệt lại không đề cập khả năng thông hành của tuyến theo kết quả khảo sát của tư vấn.

Từ đó, KTNN đã kiến nghị Công ty 36.71 kiểm điểm tập thể và cá nhân có liên quan đến các tồn tại nêu trong kết luận. Bên cạnh đó, đề nghị kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của các thành viên có liên quan tại Ban Quản lý dự án 5 (Bộ GTVT) vì để xảy ra các sai sót, tồn tại như đã nêu.

Ngày 7-3, ông Nguyễn Trung Dũng cho biết đã hoàn tất các kiến nghị của KTNN tại Báo cáo Kiểm toán vốn đầu tư dự án Đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp QL19.

Làm chỗ dễ, chỗ khó để nhà nước!

Trong công văn gửi Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai, Bộ GTVT cho biết trên QL19, đối với đoạn "khả thi về tài chính" đã đầu tư theo hình thức BOT. Đối với đoạn còn lại qua đèo An Khê, do không khả thi về tài chính nên sẽ được nghiên cứu theo hình thức đầu tư công.

"Bộ GTVT đã đưa vào dự án "Tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên" để vay vốn Ngân hàng Thế giới" - công văn Bộ GTVT nêu và cho biết dự kiến phải đến năm 2019 mới có thể triển khai xây dựng.

Chủ đề: Các dự án BT, BOT
Hoàng Thanh (NLĐ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.