Sơ đồ khu vực sân bay Tân Sơn Nhất.
Vừa qua, dư luận quan tâm đặc biệt đến vụ Đồng Tâm, vụ sân golf ở sân bay Tân Sơn Nhất (TSN). Điểm chung là những vụ việc này, cử tri đều thể hiện sự bức xúc về đất liên quan đến quốc phòng. Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa, đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên - Huế, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội trao đổi với báo chí về vấn đề này.
Vừa qua, cử tri bức xúc trước tình trạng đất quốc phòng không được sử dụng cho mục đích quốc phòng mà để giao cho các doanh nghiệp kinh doanh, nổi lên qua vụ sân golf trong sân bay TSN; khu đất tại sân bay Miếu Môn, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội có hoạt động giám sát về nội dung này?
Về đất quốc phòng, quan điểm chung là quốc gia nào cũng phải có một diện tích đất nhất định để dùng cho quốc phòng. Đất dành cho quốc phòng thì có thể sử dụng ngay hoặc sử dụng cho mục đích khác, tôi không tiện nói ra. Thời gian qua, Bộ Quốc phòng cũng rất quan tâm phối hợp với Chính phủ, địa phương trong khâu quản lý này và đều sử dụng rất đúng mục đích. Ví dụ đất quốc phòng sử dụng để phát triển rừng, để làm các trường bắn, các khu căn cứ, doanh trại của quân đội, đất quy hoạch đảm bảo cho việc làm nhà ở cho quân nhân.
Bên cạnh đó, Bộ Quốc phòng cũng tạo điều kiện cho việc huy động nguồn lực này cho phát triển kinh tế, nhưng mà là làm kinh tế lưỡng dụng, làm những cảng biển, sân bay lớn. Theo tôi biết, hiện chúng ta có hơn 20 sân bay và trên 70% trong số đó là hoạt động lưỡng dụng, cả quân sự và dân sự. Tức là hầu hết trước đây đó đều là những sân bay quân sự nhưng Bộ Quốc phòng sau đó tạo điều kiện để khai thác dân sự. Những khu đất Bộ Quốc phòng có chỉ đạo về mục đích quốc phòng chưa sử dụng hoặc chắc chắn sẽ sử dụng nhưng trong chiến lược quy hoạch còn dài thì bàn giao cho nhân dân để khai thác. Thực tế đã làm như vậy. Tôi trước đây cũng từng làm chỉ huy trưởng bộ chỉ huy quân sự, có nhiều khu đất thuộc quốc phòng đã bàn giao để làm khu công nghiệp, phục vụ cho phát triển.
Nhưng cũng phải thừa nhận một số công trình quản lý chưa tốt. Như vụ Đồng Tâm, đó rõ ràng là đất do quốc phòng quản lý nhưng quản lý chưa tốt, bây giờ phải có phương án bàn bạc, để người dân không quá thiệt thòi. Có thể là trích một phần kinh phí nào đó trong dự án để đền bù, hỗ trợ cho người dân và quan trọng là phải làm cho đúng luật. Ở Đồng Tâm, tôi chắc là cũng có vướng mắc trong đó nên đã để người dân phải thắc mắc. Còn một số công trình khác liên quan đến lĩnh vực quân sự thì luật và cơ chế phối hợp với Bộ Quốc phòng đã rất rõ: khi có vấn đề gì liên quan đến quân sự, quốc phòng thì phải xin phép từ cấp tỉnh tới Bộ Quốc phòng và bộ sẽ trình Chính phủ. Quy trình là như vậy. Nhưng đúng là vừa qua một số địa phương cũng chấp hành cái này không tốt.
Đơn cử vụ sân golf ở sân bay TSN cử tri đánh dấu hỏi: Nếu là đất quốc phòng thì tại sao lại giao cho các tập đoàn kinh tế, đặc biệt là sân golf. Cùng với đó là người dân băn khoăn nguồn lợi kinh tế khai thác tại đó có còn được dùng để phục vụ mục đích quốc phòng?
Thật sự có những khu kinh tế liên hợp quốc phòng như Quân ủy Trung ương từng nói, để đảm bảo nguồn ngân sách có thể được tạo ra trong khi đất còn dư thừa, chưa sử dụng. Như tôi được biết, đất ở sân golf sân bay TSN trước đó là để đảm bảo tĩnh không và những phần đất dự trữ để đảm bảo cho quốc phòng, từng bị bỏ không, để cỏ mọc, lau lách um tùm, lãng phí. Sau đó, quân ủy có bàn và thấy là không thể xây dựng nhà cửa, doanh trại ở đó được vì đó là đất tĩnh không cho sân bay và quy hoạch khu đó cũng không rõ ràng. Vậy nên trước đây đã liên doanh. Theo quy định thì trừ việc liên doanh với nước ngoài có thể liên doanh với tất cả các doanh nghiệp trong nước và bảo đảm đầu tư có hiệu quả, khi cần thiết cho Chính phủ, cho dân sinh thì sẽ thu hồi. Đây cũng là những cam kết khi triển khai dự án sử dụng đất quốc phòng. Khi thực hiện liên kết đất quốc phòng thì các doanh nghiệp không kể tư nhân hoặc nhà nước đều phải làm đúng cam kết, đảm bảo đúng mục đích quân sự là được.
Không cứ gì ở sân bay TSN, mà ví dụ đất ở bãi biển, ven biển là những khu vực rất có giá trị về quân sự, trong hoạt động phòng thủ, nhưng trong thời bình, Bộ Quốc phòng báo cáo Chính phủ phối hợp với các địa phương để khai thác phát triển kinh tế. Dân giàu thì sẽ có lại những tiềm lực để củng cố quốc phòng.
Qua những vụ việc như vừa qua (vụ sân golf sân bay TSN, vụ Đồng Tâm), có nhiều ý kiến cho rằng cần tách bạch rõ việc quản lý đất dành cho mục đích quốc phòng và đất giao quốc phòng quản lý, khai thác làm kinh tế?
Như tôi đã nói, có đất quốc phòng kết hợp với kinh tế và làm kinh tế nhưng kết hợp với mục đích quốc phòng. Có đất đang phục vụ, có đất để dự trữ và có đất dùng với mục đích khác tôi không tiện nói thì vẫn phải có những quỹ đất như vậy. Ví dụ sân bay thì cần có đi kèm những đơn vị bảo vệ và phải bố trí diện tích như thế; trận địa phòng không thì phải có diện tích để bố trí. Vừa qua, tôi được biết người dân Đồng Tâm bức xúc vì đất quốc phòng thuộc sân bay Miếu Môn nhưng không phải để khai thác cho mục đích bay, huấn luyện quân sự mà lại giao cho Viettel để làm dự án kinh tế. Nhưng Viettel là một doanh nghiệp quân đội đầu tư cho lĩnh vực CNTT và tới đây Bộ Quốc phòng có thể giao thêm một số công việc thuộc lĩnh vực công nghiệp quốc phòng nữa.
Theo ông, đâu là cơ chế để kiểm soát để đất giao cho quốc phòng quản lý không bị chuyển đổi thành các mục đích sử dụng khác như làm quán bia, nhà hàng, thậm chí xây nhà, chung cư để bán…?
Đã có quy định rất rõ là quân ủy nào được giao cho quản lý đất mà không phối hợp với địa phương hoặc quản lý, sử dụng sai mục đích thì Bộ Quốc phòng sẽ thu hồi. Thực tế vừa qua đã thu hồi, kỷ luật một số đơn vị trong quản lý đất quốc phòng rồi. Bộ Quốc phòng rất cầu thị trong việc này.
- Cảm ơn ông!