“Không còn con đường nào khác”
Trong buổi tiếp xúc cử tri vừa qua, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng: “Việc chúng ta phải xây dựng nhà cao tầng là xu hướng tất yếu, chắc chắn chúng ta không có con đường nào khác cả, bởi vì đất có hạn, người thì tăng lên”.
Ông Chung dẫn ví dụ ở Singapore diện tích chỉ có 650 km2 và 4,5 triệu dân nhưng hiện có 6.428 toà nhà 20 tầng trở lên, chưa tính các toà nhà thấp dưới 20 tầng. Ngoài ra, Chính phủ Singapore cũng có chính sách hỗ trợ cho tất cả các doanh nghiệp tư nhân về mặt kỹ thuật, vốn và ưu tiên xây nhà cao tầng.
Với thành phố Hà Nội, theo ông Chung, hiện trên thành phố có khoảng 620 nghìn ô tô các loại, chưa kể ô tô lực lượng vũ trang; 5,5 triệu xe máy; bãi đỗ xe tĩnh thiếu nên việc xảy ra ùn tắc giao thông là một vấn đề. Theo ông Chung, Hà Nội đang hướng tập trung cho quy hoạch và xây dựng các khu đô thị vệ tinh để đưa bớt dân cư ra khu vực nội đô; phát triển các bãi đỗ xe tĩnh...
Trước đó, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực quy hoạch cũng đã chỉ ra rằng, việc các tòa nhà cao tầng hiện diện trong lòng các đô thị Việt Nam như hiện nay một sự tất yếu của quá trình đô thị hóa và phát triển hội nhập với toàn cầu. Nhờ đó hàng triệu người dân ở các đô thị lớn Việt Nam có cơ hội tiếp cận với một nơi ở riêng cho mình.
Theo ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, phát triển các công trình cao tầng nhất là các công trình cao tầng đa chức năng (có chức năng sử dụng hỗn hợp) có thể làm giảm sự dịch chuyển và khoảng cách giữa các chức năng trong đô thị và làm tăng giá trị sử dụng đất đai, giảm thiểu sử dụng đất đai và bảo tồn cảnh quan, sinh thái .
“Kinh nghiệm quốc tế còn cho thấy việc phát triển các công trình cao tầng phù hợp với chiến lược phát triển đô thị là một trong các giải pháp khai thác hiệu quả”, ông Chính đánh giá.
Chung nhận định, PGS.TS Nguyễn Hồng Tiến - nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng chỉ ra rằng, trong thời gian vừa qua nhiều nhà cao tầng được xây dựng đã đóng góp vào việc làm thay đổi bộ mặt kiến trúc đô thị, tạo nên sắc thái mới của sự phát triển.
Ông Tiến cho biết, nhiều nhà cao tầng vẫn tập trung vào khu vực đô thị hiện hữu bởi vì đây là khu vực có giá trị kinh doanh cao và khá thuận lợi về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
“Việc xây dựng xen cấy các nhà cao tầng tại các khu vực này cũng đã mang lại những kết quả bước đầu đó là nâng cao hiệu quả giá trị sử dụng đất, tăng giá trị đầu tư, bổ sung khối lượng lớn văn phòng, khách sạn, chung cư cao cấp bên cạnh đó cũng bổ sung thêm một số khu vui chơi, giải trí, thương mại, dịch vụ ... góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, tạo động lực phát triển khu vực lân cận”, ông Nguyễn Hồng Tiến đánh giá.
Cần phải “vun người” lại bằng nhà cao tầng
Trên thực tế, trong những năm gần đây, nhà cao tầng được xây dựng nhiều ở Việt Nam, thông thường bao gồm nhà ở chung cư, công trình có chức năng hỗn hợp, khách sạn và công sở.
Ông Tiến cho rằng, để đạt hiệu quả cao, song song với quá trình đô thị hoá, cần nâng cao chất lượng các đồ án quy hoạch, thiết kế đô thị đồng thời quản lý chặt chẽ việc xây dựng các nhà cao tầng theo các quy hoạch được phê duyệt. Mặt khác trong quá trình triển khai thực hiện cần có các giải pháp mang tính khả thi để giải quyết các vấn đề phát sinh nhằm giảm thiểu các hậu quả đáng tiếc là việc làm cần thiết.
Chuyên gia quy hoạch Nguyễn Đỗ Dũng thẳng thắn chỉ ra rằng: Trên thế giới không có nước nào cấm xây nhà cao tầng cả, người ta chỉ kiểm soát mật độ dân số chứ không kiểm soát hình thực xây dựng.
“Trong nhiều trường hợp, cao ốc đồng nghĩa với mật độ nhưng thực tế số tầng cao ốc và mật độ dân số là hai câu chuyện khác nhau. Chính việc xây nhà thấp tầng hiện hữu, nhà phố san sát, không có không gian mở, không có đường đi lối lại tạo ra mật độ không hề thấp. Nếu chuyển dân số đó lên tầng cao và diện tích còn lại làm trường học, công viên, các tiện ích xanh hay làm đường... thì là việc hoàn toàn tốt chứ tại sao lại phản đối hay cấm”, vị chuyên gia dẫn giải.
Theo ông Dũng, câu chuyện phải bàn ở đây không phải là câu chuyện xây nhà cao hay nhà thấp mà là câu chuyện chúng ta cho phép gia tăng mật độ hay không và nếu tăng thì tới mức nào để không vượt quá năng lực vận hành của hệ thống hạ tầng. Còn với mật độ đó, người ta xây dưới hình thức gì thì hãy để thị trường quyết định.
Ông Huỳnh Thế Du (Đại học Fullbright) cũng cho rằng nếu cấm xây thêm nhà cao tầng ở khu trung tâm là không hợp lý vì nó cùng với xu hướng chuyển từ xe máy sang xe ô tô hiện tại sẽ làm trầm trọng thêm vấn đề.
“Muốn giải quyết vấn đề, cần phải “vun người” lại bằng nhà cao tầng gắn với việc xây dựng bằng được hệ thống giao thông công cộng công suất lớn. "Vun người" cùng với quá trình xây dựng các tuyến giao thông công cộng và tính toán hạn chế giao thông cá nhân trên những tuyến đang và sẽ triển khai là những việc cần làm đồng thời”, ông Du nhấn mạnh.