Theo thống kê sơ bộ của một Cty tư vấn BĐS uy tín, có đến khoảng 200 dự án trong tổng số gần 1.000 dự án BĐS trên địa bàn Hà Nội đang ở tình trạng nằm im, điều này khiến khách hàng đã đóng tiền góp vốn đứng ngồi không yên.

Đầu tiên phải kể đến sai phạm của Cty CP Vật liệu xây dựng & XNK Hồng Hà trong việc huy động vốn tại dự án giãn dân phố cổ Việt Hưng. Mặc dù chưa được chính thức giao thực hiện xây dựng dự án nêu trên nhưng Cty Hồng Hà đã tự ý huy động hàng trăm tỷ đồng của người mua nhà… Sau hai năm nộp tiền cho chủ đầu tư mà vẫn không thấy dự án triển khai, hàng trăm người mua nhà đã tập trung tại trụ sở của Cty Hồng Hà để yêu cầu chủ đầu tư giải thích về việc tiền của họ đang ở đâu.

Vài tuần nay, lãnh đạo Cty Hồng Hà đã “biến mất”. Người mua nhà đã liên tục gọi điện nhưng không thể liên hệ được, ngay cả nhân viên trực cơ quan cũng cho biết, họ không biết những vị lãnh đạo trên hiện đang ở nơi nào. Hiện những người mua nhà đã gửi đơn tố cáo lên cơ quan chức năng đề nghị can thiệp bảo vệ quyền lợi.


Tiếp đến là dự án trong mơ Usilk City, chủ đầu tư là Cty Sông Đà - Thăng Long tọa lạc tại đường Lê Văn Lương kéo dài được giới thiệu xây dựng quy mô lớn với 13 tòa nhà cao tầng hiện đại từ 25 - 50 tầng với mức đầu tư lên tới 10.000 tỷ đồng. Hầu hết các khách hàng đã đóng 100% tiền mua nhà nhưng hình bóng căn hộ trong mơ thì vẫn chưa thấy đâu. Theo cam kết ban đầu của chủ đầu tư, quý IV-2013 đưa dự án vào sử dụng. Tháng 11-2009 chủ đầu tư đã tổ chức lễ ký cam kết tiến độ và bàn giao 3 tòa thuộc khối CT1 nhưng đến nay vẫn chưa có căn nào được bàn giao cho khách hàng. CT2 có 2 tòa xây dở dang rồi bỏ lửng cả năm nay, còn lại CT3, CT4 đều đang ở dạng móng.

Tại dự án căn hộ 52 Lĩnh Nam do Cty cổ phần Lilama Hà Nội làm chủ đầu tư, khách hàng phải đóng đến 70-95% giá trị căn hộ nhưng hiện chưa xong phần thô dự án và không biết bao giờ mới hoàn thiện. Để kích cầu, các khách hàng được chủ đầu tư khuyến khích nộp tiền nhà để hưởng nhiều ưu đãi hỗ trợ cùng lời hứa tháng 6-2012 sẽ bàn giao nhà. Nhưng từ khi nộp tiền, tiến độ của dự án vô cùng chậm chạp. Thậm chí, có nhiều thông tin dự án còn dừng hẳn từ đầu năm nay nhưng chủ đầu tư vẫn gửi công văn thúc khách nộp tiền. Giải thích về việc chậm trễ, chủ đầu tư nói do thiếu vốn phải đến quý 4-2013 mới có thể bàn giao được nhà. Nhưng xem ra cái hẹn này có thể vẫn là bánh vẽ.

Dự án La Fontana có chủ đầu tư là Cty CP đầu tư Gia Tuệ được xây dựng tại cầu vượt Phú Đô, huyệnTừ Liêm, được chủ dự án huy động vốn vào năm 2010 và cam kết hoàn thành vào cuối 2012 nhưng hiện tại, vị trí xây dựng dự án vẫn là bãi đất hoang, cỏ mọc um tùm.

Dự án Hanoi Time Towers, chủ đầu tư là Cty CP Kinh doanh dịch vụ cao cấp dầu khí Việt Nam khi ký thỏa thuận đặt cọc, chủ đầu tư cam kết sẽ bàn giao căn hộ vào quý IV-2013. Nhưng gần hai năm trôi qua, Dự án vẫn dừng lại ở hạng mục “làm móng” và nhiều tháng qua, hầu như không “động đậy” gì.

Dự án Mekong Plaza nằm tại khu đô thị Geleximco do Mekong Land làm chủ đầu tư, hiện cũng đang gặp phải hiện tượng nhiều khách hàng đòi rút tiền. Nhiều khách hàng đã tới sàn giao dịch BĐS thuộc CEN Group để xin rút vốn và thanh lý hợp đồng do dự án này đã chậm tiến độ quá lâu so với hợp đồng ký kết.

Cuối tháng 3-2012, một số khách hàng đã tìm đến chủ đầu tư là Cty Quân Thư chủ đầu tư dự án chung cư 34 Cầu Diễn để đòi tiền. Nguyên nhân cũng vì lý do dự án đã không triển khai quá lâu, trong khi theo cam kết của chủ đầu tư là cuối năm 2012 bàn giao nhà, nhưng đến thời điểm khách hàng đòi tiền thì dự án vẫn án binh bất động. Dự án Tây Thiên Minh do Cty CP thương mại quốc tế D&S làm chủ đầu tư tại huyện Quốc Oai cũng đã tiến hành huy động vốn của khách hàng từ tháng 7-2010, dưới dạng Hợp đồng góp vốn cổ đông. Sau hai năm huy động vốn, đến nay dự án cũng chưa triển khai được hạ tầng, do đó nhiều nhà đầu tư đang có nhu cầu đòi lại tiền đã góp vào dự án này.

Xin kết bài bằng đánh giá của ông ông Marc Townsend, Tổng Giám đốc của CBRE Việt Nam, rất có thể 5 năm nữa thị trường BĐS mới phục hồi và 2 năm tới là khoảng thời gian khó khăn nhất.

Theo Xuân Thanh (PLXH)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.