Người dân tại xã Cam Tuyền (huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) khi trồng rừng trên diện tích đất xâm chiếm đã bị nhân viên của Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Đường 9 (Cty Đường 9) nhổ trụi. Ngược lại, Giám đốc Cty Đường 9 làm cả trang trại thênh thang trên đất rừng thì không bị xử lý, lại còn được nhà nước đền bù số tiền gần 2 tỉ đồng?

Phía trước mốc chỉ giới là diện tích đất đã thu hồi và được đền bù, còn sau mốc chỉ giới là diện tích đất của ông Nguyễn Hồng Thái. Tuy nhiên, dù đã bị thu hồi, đã nhận tiền bồi thường nhưng ông Thái vẫn đang sử dụng. Ảnh: Hưng Thơ.

Nhổ keo tràm để buộc người dân trả lại đất

Năm 2009, gia đình bà Hồ Thị Gái (SN 1971, trú tại thôn An Thái, xã Cam Tuyền) mua lại diện tích đất trồng rừng rộng hơn 1ha ở khu vực Khe Tre (xã Cam Tuyền). Chăm bón, trồng rồi thu hoạch được 2 vụ, cán bộ Cty Đường 9 đến nhắc nhở không được trồng rừng nữa, và phải trả đất vì “gia đình đã xâm chiếm đất rừng”.

“Rừng tràm của tôi ở gần trang trại của ông Nguyễn Hồng Thái - Giám đốc Cty Đường 9. So với trang trại đó, rừng của tôi chẳng là gì cả. Biết là đất gia đình đang làm nằm trong sổ đỏ của lâm trường, nhưng ông Thái cũng chiếm đất, thì làm sao bắt tôi trả lại được” - bà Gái, nói.

Cây tràm của bà Gái bị người của Cty Đường 9 nhổ trụi. Ảnh: HG.

Không chấp nhận trả lại đất, cuối tháng 3.2019, bà Gái thuê 20 người trong 3 ngày, trồng 9.000 cây keo tràm ở diện tích đất nói trên. Tuy nhiên, đến ngày 1.4, xuất hiện khoảng 10 người của Cty Đường 9 đến nhổ, bẻ ngang cây vừa xuống giống. Khi bà Gái làm căng, thì nhóm người mới rời đi.

Ngoài bà Gái, nhiều người dân cũng gặp trường hợp như trên, nhưng họ không chịu trả lại đất vì lý do thiếu đất sản xuất, đất họ khai hoang từ lâu, bỏ nhiều công sức. Đặc biệt, ai cũng so sánh với trang trại của ông Thái làm trên đất lâm trường và đặt câu hỏi: Cán bộ làm được, tại sao người dân lại không?.

Nhân viên Cty Đường 9 nhổ keo tràm trồng trên đất xâm chiếm. Ảnh: HG.

Trang trại trên đất rừng được đền bù gần 2 tỉ đồng?

Năm 2010, khi thực hiện xây dựng hồ chứa nước Đá Mài - Tân Kim, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cam Lộ đã lập bảng thống kê đất thu hồi.

Trên cơ sở chỉ giới và mặt bằng được giao, Ban giải phóng mặt bằng Đá Mài - Tân Kim đã có biên bản kiểm kê hiện trạng và sau đó có bảng kê áp giá đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng.

Ngày 19.4.2012, ông Nguyễn Công Phán - Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ ký quyết định phê duyệt kinh phí bồi thường, sau đó Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Sở NNPTNT tỉnh Quảng Trị) chủ trì, phối hợp với Ban giải phóng mặt bằng đã thực hiện việc chi trả tiền.

Một góc trang trại của ông Thái - Giám đốc Cty Đường 9. Ảnh: Hưng Thơ.

Ông Nguyễn Hồng Thái nằm trong danh sách được đền bù số tiền gần 2 tỉ đồng, với tài sản bị thu hồi gồm: Đất trồng cây lâu năm; đất trồng cây hàng năm; cây ăn quả như dừa, mít, đào, xoài, vải…; cây caosu; hồ cá; nhà bếp; đường đi lại… Riêng cây caosu, ông Thái được đền bù gần 300 triệu đồng, hồ cá được đền bù gần 1 tỉ đồng.

Tại trang trại xây dựng trên đất rừng của ông Thái, các mốc chỉ giới bảo vệ công trình thủy lợi hồ chứa nước Đá Mài - Tân Kim nằm rải rác ở diện tích đất trồng cây ăn quả, trồng cây caosu.

Ngoài diện tích đất mà ông Thái mua lại của người dân (đất trũng, trồng lúa) rồi cải tạo làm hồ nuôi cá, thì diện tích đất mà ông này chiếm của Cty Đường 9 để trồng các loại cây khác cũng được nhà nước đền bù.

Ngoài ra, dù đã bị thu hồi và nhận tiền đền bù, nhưng ông Thái vẫn nuôi cá, vẫn canh tác trên diện tích đất thu hồi, vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.

Trả lời việc diện tích đất mà ông Thái được đền bù có phải là đất rừng, lãnh đạo UBND huyện Cam Lộ và lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị “xin khất” câu trả lời để tìm lại hồ sơ.

Trong các bài viết “Giám đốc chiếm đất rừng làm “trang trại mẫu cho dân làm theo”? và “Cận cảnh trang trại trên đất rừng của giám đốc công ty lâm nghiệp” mà LĐO đăng tải, ông Nguyễn Hồng Thái thừa nhận đã chiếm một diện đất rừng để làm trang trại.
Hưng Thơ (Lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.