Sau khi chặt trắng gần 700ha rừng, đầu tư hơn 800 tỉ đồng vào khu tái định cư, chủ đầu tư thủy điện Đồng Nai 3 và chính quyền địa phương mới biết đất quá xấu, không canh tác được. Vậy là hơn 500 hộ dân nhường đất cho thủy điện, chuyển về khu tái định cư đã 6 năm nay nhưng không được cấp đất sản xuất, phải ăn vào tiền đền bù rồi… nghèo đói triền miên.

Khu tái định cư Đắk P’lao.

Trở về… hái lượm

Về khu tái định cư - tại xã Đắk Plao, huyện Đắk G’long, Đắk Nông - từ năm 2010, gia đình anh K’Trời mòn mỏi chờ cấp đất sản xuất, nhưng chỉ nhận được… những lời hứa. Trong 2 năm đầu, gia đình anh được chủ đầu tư thủy điện Đồng Nai 3 - Ban Quản lý dự án thủy điện 6 thuộc Tập đoàn Điện lực VN - hỗ trợ gạo ăn, nhưng từ năm 2012 đến nay thì không còn nữa. Ngồi trong căn nhà tái định cư, K’Trời thở dài: “Tiền đền bù ăn hết rồi, giờ hai vợ chồng đi làm thuê kiếm gạo, không có việc thì vào rừng bẻ măng, kiếm rau dại về bán. Mấy hôm nay mưa suốt, mình ở nhà chơi với 3 đứa con thôi, lại sắp hết gạo rồi…”. Không đất sản xuất, không việc làm, nhiều hộ đã bỏ khu tái định cư đi nơi khác làm ăn. Trong số này, có 42 hộ “nhảy dù” vào vùng lõi Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng dựng nhà ở, tìm đất tốt sản xuất nông nghiệp. Ông Trần Quốc Toàn - Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm số 2, Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng - cho biết: “Bà con chỉ canh tác nương rẫy cũ chứ chưa phá rừng, nhưng việc dựng nhà kiên cố, dân số ngày càng tăng đã gây áp lực rất lớn cho công tác bảo vệ rừng. Mặt khác, theo quy định thì không được sinh sống trong rừng đặc dụng, cần có biện pháp di dời thôi”. Theo thống kê của Công an xã Đắk Plao, trong số 112 hộ bỏ khu tái định cư, xã chỉ nắm được 42 hộ vào rừng đặc dụng, còn lại 70 hộ đi đâu không rõ, chỉ thấy nhà bỏ hoang mấy năm nay.

Theo ông Lê Quang Dần - Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk G’long, trong tổng số 460 hộ tái định cư đủ điều kiện cấp đất sản xuất, chỉ có 95 hộ được cấp “sổ đỏ” với diện tích khoảng 83,75ha (cấp “sổ đỏ” khác với cấp đất, vì có nơi tranh chấp không sản xuất được), số còn lại chưa được cấp lần nào, cộng thêm số không đủ điều kiện nhưng vẫn được cấp 0,5ha/hộ cũng đang chờ. “Để xảy ra những tồn tại trong tái định canh, tái định cư ở Đắk P’lao có trách nhiệm của chính quyền địa phương và chủ đầu tư, thời điểm 5 - 7 năm về trước” - ông Dần nói.

Trước đó, việc khai hoang đất sản xuất tiến hành đồng thời với xây dựng khu tái định cư, có tới 650ha rừng đã bị chặt trắng, chia đất cho dân nhưng không sản xuất được. Trước tình hình trên, Sở NNPTNT Đắk Nông được chỉ định vào cuộc và đưa ra kết luận: Trong 650ha đã khai hoang, chỉ có 164ha đủ điều kiện sản xuất nông nghiệp, diện tích còn lại chỉ phù hợp để… trồng rừng. Nói là đủ điều kiện nhưng còn tùy thuộc trình độ canh tác, khả năng đầu tư, cho nên các hộ được cấp cũng bỏ hoang vì củ sắn đến khi thu hoạch không to hơn ngón chân cái. Vậy là sau hy sinh gần 700ha rừng tự nhiên, dân thiếu đất vẫn hoàn thiếu. Để “chữa cháy”, chủ đầu tư và chính quyền địa phương khai hoang tiếp 206ha tại khu vực khác, nhưng dân tái định cư chỉ cầm được “sổ đỏ”, bởi diện tích này đã được trồng càphê, hồ tiêu trước khi chính quyền… khai hoang.

Dân sắp bị đói

Đắk P’lao là xã tái định cư trọn gói, dân chủ yếu tập trung tại khu tái định cư, chính quyền, các đoàn thể cũng tái định cư. Hiện công cuộc tái định cư đã ngốn hết hơn 800 tỉ đồng, bình quân mỗi hộ đã được đầu tư 1,5 tỉ đồng, nhưng dân vẫn đói nghèo triền miên. Ông Nguyễn Đức Hải - Chủ tịch UBND xã - cho biết: “Tiền đền bù dân tiêu hết lâu rồi, hiện tỉ lệ hộ nghèo của xã lên tới 75%, tính cả số cận nghèo là 80%, gấp đôi so với trước đây”. Nếu vẫn không có đất để sản xuất nông nghiệp, chắc chắn nhiều hộ sẽ bị đói.

Trước tình hình bức bách, đầu tháng 8.2016, ông Trương Thanh Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông - chủ trì một cuộc họp với chủ đầu tư, UBND huyện Đắk G’long thống nhất sẽ cấp tiền cho dân tự mua đất sản xuất. Ngay lập tức, Ban Quản lý dự án thủy điện 6 ủng hộ mạnh mẽ, bởi chủ đầu tư nhiều tiền, còn việc cấp đất thì quá phiền. Tuy nhiên, gần 100% hộ tái định cư là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, dân tộc miền núi phía bắc di cư, việc cấp tiền cho người dân tự mua đất khiến lãnh đạo huyện lo ngại về tính hiệu quả. Hiện phương án này còn phụ thuộc ý kiến người dân, khả năng giám sát của chính quyền địa phương... Vậy là sau khi nhường đất cho thủy điện Đồng Nai 3, tiếp 6 năm đói nghèo vì thiếu đất sản xuất, hơn 500 hộ dân tái định cư lại đứng trước sự lựa chọn quá khó khăn. Bởi phương án cấp đất đã phá sản nhiều lần, còn nhận tiền - đối với đồng bào dân tộc thiểu số - thì chưa ai dám chắc hiệu quả sẽ thế nào.

Đăng Trung Kiên (Lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.