01/08/2012 7:42 AM
Đầu năm 2009, Dự án quy hoạch tổng thể sắp xếp cư dân ven biển được UBND tỉnh Quảng Nam công bố trong niềm hân hoan của hàng chục ngàn hộ dân trong vùng quy hoạch với kỳ vọng giao thông sẽ thông suốt, không còn bị lũ chia cắt… Thế nhưng, đã nhiều năm qua, người dân trong vùng dự án lại rơi vào cảnh khốn khó bởi dự án vì dân này.

Khổ trăm bề

Đã nhiều năm qua, kể từ khi các tiểu dự án (thuộc Dự án quy hoạch tổng thể sắp xếp cư dân ven biển Quảng Nam) được thực hiện, hàng chục ngàn dân của các xã vùng Đông của huyện Duy Xuyên rơi vào cảnh khốn khó.

Con đường DH6 – tuyến giao thông huyết mạch của xã Duy Nghĩa đang làm phải bỏ dở mấy năm nay khiến việc đi lại của người dân đầy bất trắc. Con đường bê tông liên huyện này được đầu tư xây dựng từ năm 2010, nhưng do vướng Dự án quy hoạch tổng thể sắp xếp cư dân ven biển phải dừng, để lại con đường lỗ chỗ như chiếc áo rách, vá tả tơi. Cứ vài chục mét được đổ bê tông dày 20cm là đến một đoạn dài bỏ trống khiến mặt đường trở thành chiếc hố sâu… bẫy người qua lại. Hàng ngày, người dân đi lại qua đoạn đường này như… đua xe địa hình.

Đường DH6 (đoạn qua xã Duy Nghĩa, Duy Xuyên, Quảng Nam) thi công lở dở, trở thành những chiếc bẫy “bẫy” người đi đường.

Anh Nguyễn Hữu Công (thôn 5, xã Duy Nghĩa) bức xúc: “Khi khởi công làm đường, dân tui mừng lắm. Thế nhưng nghe nói cấn (vướng – PV) dự án chi đó, con đường phải dừng lại nửa chừng. Mùa mưa nước ngập không biết đâu đường, đâu hố. Thậm chí có những đoạn ngập sâu không thể đi lại được. Nhiều lần người dân phản ánh lên chính quyền địa phương nhưng đến nay con đường vẫn dở dở ương ương và không biết đến khi nào mới có đường đi”.

Đi không nỡ, ở không xong

Không chỉ khổ vì con đường, từ khi ra đời dự án sắp xếp cư dân ven biển nhưng triển khai ì ạch khiến gần 10.000 dân của xã Duy Nghĩa rơi vào cảnh “đi không nỡ, ở không xong”. Bởi lẽ, khi công bố quy hoạch người dân không được xây nhà trên đất của mình, không được chia cắt đất cho con cái khi dựng vợ gả chồng, không được mua bán, không thế chấp vay vốn làm ăn,… mặc dù sổ đỏ (Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất – PV) vẫn giữ trên tay.

Bà Võ Thị Vương (trú thôn Thuận An, xã Duy Nghĩa) có 5 đứa con. Đứa con trai lớn sắp lấy vợ, bà dự định cắt đất cho con xây nhà ra riêng nhưng không được vì khu đất nhà bà thuộc diện giải tỏa làm dự án khu đô thị do Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) làm chủ đầu tư. Thế nên, bà cho con trai đất nền nhà cũ cách đó chừng vài chục mét để làm nhà nhưng chính quyền địa phương cũng không cho vì nằm trong vùng dự án.

“Khổ lắm chú ơi, mùa mưa ngập trắng chẳng có chỗ đi, mùa nắng bụi ngập nhà. Nhà đông, đất rộng nhưng không thể cho con làm nhà. Họ nói giải tỏa nhưng chưa biết đến khi nào mới làm vì mấy năm rồi chưa áp giá bồi thường. Còn chỗ tái định cư, họ bố trí dân tới gần nghĩa địa và xây nhà như nhà phố, trong khi dân tui làm nông, biết làm gì mà sống? Chừ dân tui đi không nỡ ở cũng không xong” – bà Vương than thở.

Thành cầu làm tạm bợ bằng tre rất nguy hiểm đối với người đi đường.

Cùng cảnh ngộ với bà Vương, nhà ông Phan Thanh Sơn (thôn 5, xã Duy Nghĩa) có 2 con đang đi học, nhà và đất ở rộng hơn 1.000m2 nằm trong vùng quy hoạch Khu tái định cư Lệ Sơn đã được công bố 3 năm qua nhưng đến nay vẫn chưa được áp giá bồi thường. Trong khi đó, nhà hư không được sửa, muốn bán đất lo cho con đi học cũng không được. Nhiều năm qua, cả gia đình ông bị treo lơ lửng cùng dự án.

Ông Phan Văn Chi, Phó trưởng thôn 5, xã Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên) cho biết, người dân rất bức xúc trước tình trạng dự án chậm triển khai khiến đời sống của hàng ngàn hộ dân trong vùng bị đảo lộn.

Theo ông Nguyễn Tấn Nam, Chủ tịch UBND xã Duy Nghĩa, xã có gần 10.000 khẩu, diện tích 1.340ha, trong đó có 377ha đất nông nghiệp. Theo quy hoạch, toàn xã có đến 9 dự án và gần như toàn bộ dân cư bị ảnh hưởng giải tỏa, di dời, trong đó có dự án Khu đô thị sinh thái – du lịch do Cienco 5 làm chủ đầu tư ảnh hưởng khoảng 650ha. Từ khi công bố quy hoạch, UBND xã đã thông báo dừng tách thửa, chuyển nhượng đất đai đối với diện tích nằm trong vùng dự án.

Đến nay, chỉ mới có dự án cầu Cửa Đại và đường dẫn được thực hiện, số tiểu dự án còn lại đang thực hiện nửa chừng, thậm chí có dự án chưa đền bù giải tỏa khiến người dân lo lắng.

Ngoài ra, gần như toàn bộ dân nơi đây làm nông nghiệp, khi một diện tích lớn đất nông nghiệp bị thu hồi và họ phải chuyển vào sống tập trung tại các khu tái định cư như nhà phố sẽ khó khăn trong công ăn việc làm, sinh kế…

Theo SGGP
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.