13/10/2017 2:44 PM
120 hộ dân tại chung cư G9 tổ dân số 5 P. Xuân Tảo, Bắc Từ Liêm, Hà Nội mong cơ quan chức năng nhanh chóng giải quyết tình trạng cầu thang máy xuống cấp, hỏng hóc nghiêm trọng để ổn định cuộc sống.
Lo lắng, bức xúc trước tình trạng này, người dân nơi đây mong muốn nhận được câu trả lời xác đáng cùng phương pháp giải quyết từ cơ quan chức năng.
Dân khổ dân lo, công ty mặc kệ
Bà Bùi Thị Minh Hương- Tổ trưởng dân phố số 5 cho biết: “Tòa nhà được đi vào sử dụng vào tháng 9 năm 2006, đến nay 80% nhà chung cư G9 bị nấm mốc, bong tróc vôi, ẩm ướt, tường nứt, cửa kính chớp hành lang mưa bão là rơi xuống bất cứ lúc nào, các cửa nhà rác hư hỏng, hệ thống thoát nước thải bị rò rỉ, gây mất vệ sinh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người dân”.
Điều bức xúc nhất của người dân nơi đây nói chung là tình trạng cầu thang máy của tòa nhà xuống cấp nghiêm trọng. 6 cầu thang máy đi vào vận hành suốt 11 năm qua, đến nay ước tính đã hết thời gian sử dụng để phục vụ cho 120 hộ dân sinh sống trong tòa nhà, dẫn đến thực trạng thang máy hỏng liên tục, thế nhưng vẫn không có sự vào cuộc bảo trì của công ty quản lý nhà đất.
Và sự việc càng trở nên căng thẳng hơn khi hàng ngày mọi người phải chứng kiến cảnh những cụ già, em nhỏ phải đi bộ từ tầng 1 lên tầng 9.
Chung cư xuống cấp trầm trọng, thang máy hư hỏng khiến cho việc cuộc sống của người dân bị đảo lộn
Bức xúc trước tình trạng trên nhưng không cam tâm kéo dài thêm những tháng ngày khổ cực cho những người già yếu và em nhỏ trong việc đi lại, nên bắt đầu từ năm 2014 các hộ dân đã phải tổ chức đóng tiền bảo trì, bảo dưỡng sửa chữa, thay thế định kì hàng tháng.
Mỗi tháng một hộ gia đình phải đóng 1 triệu 2 trăm nghìn đồng cho 2 cầu thang, thêm đó trong quá trình sử dụng nhận thấy hỏng hóc gì thì mỗi hộ lại phải tự bỏ thêm tiền để sửa chữa.
Hiện tại với số tiền kêu gọi đóng góp từ các hộ dân, 3 trong số 6 thang máy đã được phục hồi và vận hành tạm thời nhưng hệ thống an toàn cho người sử dụng trong thang máy không được đảm bảo, gây nguy hiểm cho người sử dụng. Một câu hỏi mà người dân đặt ra cho công ty quản lý nhà Hà Nội là: “Trách nhiệm của công ty đối với dân là gì, hay công trình được bàn giao là công ty hết trách nhiệm”?
Ông Nguyễn Đức Lẫm - Chi hội trưởng Cựu chiến binh phường Xuân Tảo cho biết: “Công ty THHH một thành viên Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội và xí nghiệp Quản lý - Dịch vụ và Khai thác khu đô thị làm việc vô cùng tắc trách, họ nói với chúng tôi bây giờ hết tiền rồi, dân phải tự bỏ tiền ra để tự lo cho việc sửa sang phương tiện đi lại trong tòa nhà”.
Dân kêu cứu, chính quyền vẫn thờ ơ
Sau khi tiếp nhận thông tin, PV đã đến thực tế tại địa điểm mới cảm nhận được một phần những khó khăn mà người dân nơi đây đã và đang phải đối mặt.
“Những hôm trưa nắng vất vả, cầu thang lại bị hỏng không thể đi lên được, khổ ơi là khổ, nhất là thương cháu bé. Có những hôm mệt, đi xuống rồi tôi không còn muốn đi lên nữa”, là tâm sự của người dân sống trong tòa nhà khi phải chấp nhận sử dụng thang bộ.
Nhìn vào ánh mắt của những người dân nơi đây, chúng tôi thấy được sâu trong những khát khao, mong muốn được thay đổi tình trạng trên còn có cả sự phẫn nộ, bất bình với thái độ làm việc của chính quyền, những cơ quan chức năng.
Bà Bùi Thị Minh Hương (bên phải)- tổ trưởng tổ dân phố 5 cung cấp về tình trạng hiện tại của thang máy tòa nhà
Bà Minh Hương cho chúng tôi biết: “Bản thân tôi đã nhiều lần gửi đơn đến ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch thành phố Hà Nội, đồng thời gửi đơn đến ủy ban nhân dân quận, huyện với mong muốn được chính quyền hỗ trợ đưa ra giải pháp giải quyết tình hình giúp người dân. Nhưng mãi mãi mà không thấy kết quả”.
Người dân tòa nhà cũng cho biết thêm, gần đây có trường hợp một cụ già ở cầu thang 1, khi đang di chuyển thì thang máy bị hỏng và cụ bị khóa ở bên trong, lúc ấy cụ phải kêu gào hết sức và được bảo vệ đến cứu hộ, cậy cửa đưa cụ ra ngoài.
Những người ngoài cuộc như chúng tôi tự hỏi: Nếu cứ tiếp tục tình trạng này thì khi có những sự cố xảy ra, liệu ai sẽ chịu trách nhiệm với những người dân nơi đây? Hay là cứ để “sống chết mặc bay”? Dân có yên thì đất nước mới phát triển, thế nhưng tại sao những cơ quan chính quyền vẫn cứ thờ ơ trước những giông tố mà con dân mình phải chịu như thế này? Câu hỏi mà chỉ chính cơ quan chính quyền trả lời chính xác được.
Mòn mỏi đợi chờ trong vô vọng
120 hộ dân sinh sống tại chung cư G9 này là những hộ tái định cư, chấp hành đường lối chủ trương của Đảng trong công cuộc giải tỏa mặt bằng, họ đồng ý rời phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội để đến nơi ở mới này với mong muốn về một cuộc sống mới tốt đẹp hơn.
Họ nhận được nhiều lời hứa hẹn từ ông Nguyễn Văn Khôi - Phó Chủ tịch thành phố Hà Nội, nhưng rồi lời nói gió bay, chẳng có bất cứ điều gì từ lời hứa ấy được thực hiện.
Ông Phạm Văn Ngọc - Trưởng ban quản trị đương thời tòa nhà chia sẻ: “Về đây sống theo chủ trương của Đảng và nhà nước chúng tôi đã nghĩ rằng sẽ có được một cuộc sống mới văn minh, tốt đẹp hơn, nhưng thực tế hiện tại khiến chúng tôi buồn và thất vọng nhiều. Khi đồng ý mua nhà ở đây, mỗi hộ dân đã nộp 2% cho Xí nghiệp & Quản lý nhà đất để làm chi phí sửa sang nhưng mọi khoản chi tiêu không được trình bày dân chủ.
Ông Phạm Văn Ngọc (bên trái)-trưởng ban quản trị đương thời tòa nhà.
Đến nay, khi cần phải chi phí để sửa chữa thang máy, phương tiện phục vụ di chuyển cho người dân tòa nhà thì họ báo là đã sử dụng hết 2% ấy. Bất bình trước tình trạng này, chúng tôi đã nhiều lần làm đơn đề nghị lên công ty Quản lý & Xí nghiệp nhà đề nghị xuống kiểm tra thực chất cầu thang máy như thế nào nhưng rồi mọi việc đâu vẫn cứ ở nguyên đấy”.
Vấn đề ở đây không chỉ dùng lại ở mặt mỹ quan đô thị, thuận tiện trong phương tiện di chuyển trong tòa nhà. Lớn hơn thế là vấn đề liên quan đến tính mạng con người. Đất nước đã hòa bình từ lâu nhưng an nguy của những con người lại phụ thuộc bởi môi trường sống như thế này khiến cho người ta trăn trở.
Những bức xúc của người dân nơi đây ngày càng lớn, bản năng sinh tồn mạnh mẽ nên đơn kiến nghị của người dân cũng đã được gửi đến UBND TP Hà Nội và các cơ quan chức năng có thẩm quyền để sớm giúp người dân nơi đây hoàn thiện được đời sống.
Đề nghị các cơ quan chức năng của thành phố xem xét, giải quyết, hỗ trợ sửa chữa thang máy và trang thiết bị nhà xuống cấp theo quy định tại điều 82, nghị định 99 năm 2015 của Chính phủ.
Song An - Phan Quỳnh (GD&PL)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.