Dự án công ty Sao Sáng mua lại ở Q.2, TP.HCM
Mới đây, Tập đoàn Đất Xanh vừa cho biết đã mua lại thành công 4 dự án từ các đối tác trong nước. Cụ thể là dự án Majestic (Biên Hòa, Đồng Nai), Bella (TP.HCM), Gold Hill (Trảng Bom, Đồng Nai) và Marina (Bình Dương). Giá trị của mỗi thương vụ này ước tính từ 100 - 200 tỷ đồng.
Ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch HĐQT Đất Xanh, nhấn mạnh, 2012 sẽ là năm bản lề của thị trường nhà đất, nếu tiếp tục đợi chờ để “bắt đáy” về giá chắc chắn sẽ khó có cơ hội mua được dự án tốt.
Đại diện Đất Xanh dẫn chứng, hai tháng gần đây, động thái mua bán - sáp nhập (M&A) dự án diễn ra thường xuyên vì những người đi mua có nhiều lựa chọn về dự án lẫn khu vực. Hơn nữa, giá cả bên bán đưa ra cũng khá phù hợp nên quá trình đàm phán diễn ra dễ dàng hơn.
Trước đó cũng đã có nhiều DN nắm bắt được cơ hội để thu về những tài sản mà khi thị trường đang lên họ chỉ dám đứng nhìn.
Cụ thể như trường hợp Thiên Minh Group đã mua lại chuỗi 5 khu nghỉ dưỡng - khách sạn mang thương hiệu Victoria (từ Công ty TNHH EEM Victoria, Hồng Kông) tại Việt Nam.
Sau Thiên Minh, nhiều DN nội cũng bước vào cuộc đua “thâu tóm” dự án, trong đó có Công ty CP Sao Sáng Sài Gòn, thành viên của Ngân hàng Nam Á, đã trả 11 triệu USD để sở hữu dự án Peninsula (P. Thảo Điền, Q.2) từ tay đối tác JSM Indochina Ltd.,.
Dù chưa một lần công bố chính thức với báo giới nhưng hiện nay, dự án sân golf 36 lỗ ở Củ Chi (với quy mô 200ha) của Công ty TNHH Một thành viên Phát triển GS Sài Gòn, Hàn Quốc (GS Engineering & Construction Corp., viết tắt là GS E&C) đã nghiễm nhiên trở thành “tài sản” của C.T Group và xuất hiện trên website của công ty này với tên gọi mới là C.T Sphinx Golf Club & Residences.
Theo một nguồn tin riêng của Doanh Nhân Sài Gòn, C.T Group cũng đang hoàn tất thủ tục để mua lại Công ty TNHH Một thành viên Phát triển GS Củ Chi (công ty phát triển dự án sân golf, thuộc GS E&C).
Song song với thương vụ này, gần đây, C.T Group cũng đã đi “nước cờ” khá lắt léo để có được quyền sử dụng đất của khu 259 Điện Biên Phủ (Q.3) từ Công ty Dịch vụ Dầu khí Sài Gòn (SPSC).
Theo đó, pháp nhân mới phát triển dự án này là Công ty C.T Green sẽ được góp vốn bởi C.T Land (công ty con của C.T Group) và SPSC. Để đóng tiền sử dụng đất, vốn góp và vốn phát triển dự án (trên 400 tỷ đồng), SPSC sẽ vay từ C.T Green và C.T Land với lãi suất bằng 0%.
Đồng thời, SPSC sẽ hoàn trả khoản vay bằng việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho C.T Green.
Nhìn chung, các thương vụ M&A trong BĐS không chỉ thông qua hình thức mua lại toàn bộ dự án, mà có thể góp vốn vào dự án hoặc mua cổ phần của công ty sở hữu dự án đó.
Chẳng hạn, Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) cũng đã góp 60% cổ phần vào dự án căn hộ HAGL Incomex (Q.7) hay mua 100% dự án Thanh Bình (Q.7) để đầu tư và phát triển loại hình căn hộ.
Đồng thời, HAGL cũng đã góp 45% cổ phần, cùng với Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Tân Thuận xây dựng tòa nhà ở Q.7...
Đồng tiền khôn
Lẽ dĩ nhiên, “cái lợi” trước mắt của việc mua dự án, đặc biệt đối với các công ty niêm yết, không chỉ giúp tăng giá trị của chính DN, mà còn khiến giá cổ phiếu ổn định.
Hiện, Đất Xanh vẫn nuôi mục tiêu kêu gọi các DN có đất cùng với họ phát triển dự án.
Theo đó, nếu xét trên tiêu chí sản phẩm, Đất Xanh hướng đến hạng mục thương mại - bán lẻ và căn hộ để tiến hành các thương vụ M&A (còn xét trên tiêu chí khu vực để đầu tư, Đất Xanh chọn Đồng Nai để tiến hành thương vụ mua lại dự án đất nền, trong khi TP.HCM và Hà Nội lại ưu tiên cho căn hộ).
“Tuy nhiên, với loại hình căn hộ, Đất Xanh ưu tiên phát triển dòng trung bình có mức giá dưới 20 triệu đồng/m2 (hay 1,5 tỷ đồng/căn hộ trở xuống), bởi về lâu dài, lực cầu ở phân khúc này còn khá lớn, nếu DN tạo điều kiện thanh toán và có những tổ chức tín dụng tài trợ cho người đi mua nhà thì bài toán đầu ra sẽ được giải quyết”, ông Lương Trí Thìn nói.
Ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT HAGL, cho biết, thời gian qua, HAGL cũng đã mua lại khá nhiều dự án. Song, trong năm nay, HAGL sẽ không ưu tiên nguồn vốn cho lĩnh vực BĐS, đặc biệt là mua lại dự án, mà sẽ tập trung phát triển quỹ đất đã có.
Trong khi đó, với việc mua lại chuỗi Victoria, Thiên Minh không chỉ tạo được cột mốc về việc lần đầu tiên một DN Việt Nam mua lại tài sản của DN ngoại, mà còn sở hữu được thương hiệu Victoria.
Ông Nguyễn Trung Công, Phó tổng giám đốc Công ty CP Du lịch Thiên Minh, cho biết, Thiên Minh đang chuẩn bị xây dựng một khách sạn Victoria tại TP.HCM.
Một số thương vụ mua bán đáng chú ý: - Đất Xanh mua lại thành công 4 dự án từ các đối tác trong nước. Cụ thể là dự án Majestic (Biên Hòa, Đồng Nai), Bella Vista (TP.HCM), Gold Hill (Trảng Bom, Đồng Nai) và Marina (Bình Dương). Giá trị của mỗi thương vụ này ước tính từ 100 - 200 tỷ đồng. - Thiên Minh Group đã mua lại chuỗi 5 khu nghỉ dưỡng - khách sạn mang thương hiệu Victoria (từ Công ty TNHH EEM Victoria, Hồng Kông) tại Việt Nam. - Tập đoàn C.T Group sở hữu dự án sân golf 36 lỗ ở Củ Chi (với quy mô 200ha) của Công ty TNHH Một thành viên Phát triển GS Sài Gòn, Hàn Quốc (GS Engineering & Construction Corp., viết tắt là GS E&C). C.T Group cũng đang hoàn tất thủ tục để mua lại Công ty TNHH Một thành viên Phát triển GS Củ Chi (công ty phát triển dự án sân golf, thuộc GS E&C). |