Tình trạng này diễn ra ngay sau khi Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên và Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường (tỉnh Ninh Bình) động thổ Dự án xây dựng Khu du lịch Hồ Núi Cốc với tổng vốn đầu tư khoảng 15.000 tỷ đồng vào trung tuần tháng Hai vừa qua.
Từ đầu xóm đã có thể thấy thấy khung cảnh hối hả lao động xây dựng của các hộ dân, phương tiện chuyên chở vật liệu tấp nập. Hộ thì làm sân, hộ lại làm tường và đa số các hộ thực hiện việc cơi nới, mở rộng diện tích sinh hoạt bằng mái tôn.
Tại khu vực đồi bãi, đất vườn, diện tích trồng chè, trồng cây lâu năm tăng nhanh một cách bất thường.
Ngay ở khu đất trước di tích lịch sử văn hóa Đền Gàn, nơi diễn ra lễ động thổ Dự án, chỉ vài ngày sau lễ động thổ, gần như toàn bộ diện tích mặt bằng để thực hiện lễ động thổ rộng hàng nghìn m2 đã được người dân phủ kín bằng các luống chè cành (chè trồng bằng phương pháp giâm hom).
Gần đó, một số loại cây ăn quả khác mọc lên nhanh chóng và ngày càng dày đặc không tuân thủ theo kỹ thuật canh tác. Tất cả các loại cây giống đều được giữ nguyên trong hom để đặt xuống hố trồng, vùi lấp một cách cẩu thả...
"Phong trào" trồng cây, cơi nới xây dựng công trình đón đền bù nhanh chóng, khẩn trương khiến chính quyền địa phương hầu như không thể kiểm soát.
Ông Lê Thanh Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đại Từ cho biết Ủy ban nhân dân huyện đã tổ chức họp với chính quyền 6 xã vùng ven hồ Núi Cốc nhằm tuyên truyền, vận động nhân dân không đầu tư xây dựng công trình, trồng cây với mục đích "đón" đền bù và yêu cầu các xã đảm bảo thực hiện chặt chẽ các quy định về quy hoạch, quản lý xây dựng theo luật; thành lập Ban chỉ đạo quản lý quy hoạch, quản lý xây dựng và đất đai, chụp ảnh hiện trường làm cơ sở cho việc kiểm đếm sau này.
Bên cạnh đó, kiến nghị tỉnh, chủ đầu tư dự án khẩn trương hoàn thiện các bước về thủ tục đầu tư, sớm khoanh vùng Dự án; thực hiện quản lý chặt chẽ mọi hoạt động từ cơ sở để đảm bảo sự ổn định hiện trạng.
Qua một số dự án đầu tư đã được triển khai tại huyện Đại Từ có thể thấy, việc đầu tư để đón bồi thường tại Dự án Hồ Núi Cốc thực sự là một "canh bạc" bởi đến thời điểm hiện nay, khi mà một số thủ tục của Dự án chưa được hoàn thiện, chưa có khoanh vùng, chưa có quy hoạch chi tiết, việc lựa chọn địa điểm để đầu tư của người dân là quá mạo hiểm.
Trước đó, cũng tại huyện Đại Từ, nhiều người dân đã mắc nợ, không có khả năng chi trả khi đầu tư vào việc xây dựng công trình đón đền bù tại xã Phục Linh và xã Hà Thượng nhưng không thuộc phạm vi vùng dự án thu hồi đất hoặc chủ đầu tư và chính quyền sở tại kiên quyết không chi trả cho phần xây dựng trái phép./.