05/05/2017 8:51 PM
Lãnh đạo UBND một phường thuộc quận Ba Đình (Hà Nội) khẳng định: Khi vào tập thể là nhà nước xây cho, giá rất rẻ. Khi đi người dân lại đòi thoả thuận giá thị trường. Do đó, dù đã dành quỹ đất nhà tạm cư cho người dân nhưng vẫn chưa có sự đồng thuận.
Như đã đưa thông tin trước đó, trong hàng loạt chung cư, tập thể cũ được xếp hạng D - Cấp độ cực kỳ nguy hiểm phải di dời khẩn cấp thì người dân vẫn sinh hoạt và không chịu di dời.
Trao đổi với PV, đại diện UBND phường Thành Công cho biết, UBND TP Hà Nội đã quỹ nhà tạm cư cho các hộ gia đình ở: Yên Hoà (Cầu Giấy) , Phú Thượng (Tây Hồ)… nhưng đến thời điểm này ở khu tập thể G6A Thành Công mới chỉ có 5 hộ gia đình viết đơn xin tự nguyện đi tạm cư.
Lý do được đưa ra là người dân không đồng thuận với việc phải tạm cư ở khu vực quá xa và cả về mức giá đền bù. Đơn cử như cùng một hệ số đền bù quy định của Thành phố nhưng người dân ở tầng cao, vị trí đẹp hơn lại đòi thoả thuận để có mức đền bù cao hơn. Đôi khi đó là những đòi hỏi vô lý.
Ngoài ra, ở khu tập thể G6 Thành Công, người dân còn băn khoăn về quá trình kiểm định, đánh giá toà nhà này thành mức D – mức cực kỳ nguy hiểm. Phường đã gửi yêu cầu của người dân lên UBND quận Ba Đình, UBND quận cũng có văn bản gửi Thành phố đề nghị kiểm định lại. “Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có thông tin về việc có kiểm định lại hay không”, đại diện UBND phường nói.
Gặp những khó khăn tương tự, trên địa bàn phường Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng) có hơn 10 nhà tập thể cũ nằm trong danh sách cải tạo. Hiện những khu tập thể này đang được giao cho Hadinco tiến hành khảo sát, lập quy hoạch theo chỉ định của UBND Thành phố.
Trao đổi với PV, một đại diện UBND phường Thanh Nhàn cho biết, đa số cư dân địa bàn đều đồng thuận và ủng hộ chủ trương cải tạo chung cư cũ. Tuy nhiên, hiện một số người dân vẫn băn khoăn về hệ số tái định cư tại chỗ. Do lịch sử để lại, nhiều hộ chỉ được phân 12 - 15m2, thậm chí hai hộ gia đình mới được phân chung 1 căn hộ. Nếu tính hệ số K= 1.5 thì mỗi hộ chưa được đủ 40m2, trong khi căn hộ nhỏ nhất sau cải tạo lại trên 40m2 nên với những hộ gia đình thuộc diện khó khăn sẽ rất khó mua được căn hộ tái định cư tại chỗ nếu vẫn áp theo giá thị trường.
“Nếu xử lý được những vướng mắc liên quan đến hệ số đền bù và giá bán với phần diện tích chênh lệch, chắc chắn số đông cư dân trên địa bàn phường Thanh Nhàn sẽ ủng hộ chủ trương và chấp nhận di dời…”, vị đại diện UBND phường Thanh Nhàn cho biết.
Trước đó, tại hội nghị tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong việc cải tạo chung cư cũ, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục, toàn thành phố hiện có gần 1.500 khu chung cư cũ, chung cư độc lập được xây dựng từ những năm 1960 - 1970 đã quá niên hạn sử dụng, nhiều khu nhà đã ở tình trạng nguy hiểm nằm trên địa bàn quận Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Hoàn Kiếm gây mất mỹ quan đô thị.
Trong hơn 10 năm qua, do còn nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ, dẫn đến việc Hà Nội mới chỉ thực hiện cải tạo được 14/1.500 nhà chung cư cũ, đạt chưa đầy 1%. Có những khu nhà được liệt vào danh sách nguy hiểm phải khẩn cấp sửa chữa như G6 A-B Thành Công, C8 Giảng Võ, nhà A Ngọc Khánh…, vẫn rơi vào ngõ cụt do chưa nhận được sự đồng thuận.
Trần Hoàng - Ngọc Cương (Tiền Phong)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.