Hiện, Sở Xây dựng tỉnh đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch cho phù hợp hơn với các điều kiện thực tế.
* Quy hoạch “treo”
Gia đình ông Đinh Xuân Đông, bắt đầu sinh sống tại khu vực hiện nay thuộc tổ 2, phường Nghĩa Phú, thành phố Gia Nghĩa từ năm 1998. Năm 2004, khi Đắk Nông tách ra khỏi tỉnh Đắk Lắk, gia đình ông có đất thuộc diện thu hồi để xây dựng trụ sở một số cơ quan hành chính và được cấp đất tái định cư theo quy định. Tuy nhiên, từ đó đến nay, gia đình ông vẫn chưa được cấp đất và hàng tháng vẫn chỉ nhận tiền hỗ trợ thuê nhà.
Ông Đông cho biết, gia đình và một số hộ dân có hoàn cảnh tương tự từng được mời bốc thăm đất tái định cư. Nhưng do khu vực được bố trí đường sá đi lại khó khăn, dân cư thưa thớt, cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện… nên các hộ dân chưa đồng ý.
Dự kiến các hộ dân sẽ được bố trí tái định cư trên địa bàn phường Nghĩa Phú. Tuy nhiên, khu tái định cư này được xây dựng từ năm 2012 đến nay chưa hoàn thiện.
“Đến nay, gia đình tôi đã được hỗ trợ tiền thuê nhà gần 16 năm, tổng số tiền hơn 200 triệu đồng và vẫn chưa biết khi nào thì được cấp đất tái định cư”, ông Đông cho biết thêm.
Gia đình ông Đông có 3 mảnh đất trên địa bàn thành phố Gia Nghĩa, với tổng diện tích gần 20.000 m2. Tuy nhiên, sau nhiều lần quy hoạch, toàn bộ số đất này đều là đất cây xanh.
“Tôi có ba người con, đứa nhỏ nhất cũng đã 30 tuổi. Đất đai thì nhiều nhưng không chuyển đổi sang đất ở được, cũng chưa chia tách, cho tặng cho các con”, ông Đông than thở.
Mong muốn của gia đình ông Đông và rất nhiều hộ dân là các cơ quan chức năng rà soát, điều chỉnh quy hoạch theo hướng tăng diện tích đất ở đô thị. Bên cạnh đó, việc quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch phải rõ ràng, cụ thể về thời gian triển khai, không thể cứ kéo dài tình trạng quy hoạch rồi “treo”, khiến người dân đi không được, ở cũng không xong.
Theo UBND phường Nghĩa Phú, quy hoạch chung đô thị Gia Nghĩa được UBND tỉnh Đắk Nông phê duyệt vào tháng 8/2013 (số 1292/QĐ-UBND ngày 14/8/2013 về việc phê duyệt quy hoạch chung đô thị Gia Nghĩa, gọi tắt là quy hoạch 1292) đã đưa gần 90% diện tích đất của phường vào quy hoạch đất cây xanh.
Trong khi đó, tại các quy hoạch trước thì diện tích đất được quy hoạch là đất ở trên địa bàn phường khá nhiều. Tình trạng này dẫn tới việc nhiều hộ dân đã chuyển đổi đất sang đất ở nhưng cũng chỉ được cấp giấy phép xây dựng tạm.
“Quy hoạch đô thị trở thành vấn đề nóng tại hầu hết các buổi tiếp xúc cử tri, tiếp dân. Bà con cho rằng, đất quy hoạch cây xanh như vậy là quá nhiều và quá thiệt thòi cho họ. Nhiều hộ dân muốn tách thửa, cho tặng, sang tên đất đai cho con cái đều không được giải quyết”, ông Nguyễn Quang Sơn, Chủ tịch UBND phường Nghĩa Phú chia sẻ với phóng viên.
* Điều chỉnh phù hợp thực tế
Phường Nghĩa Trung được xem là phường có nhiều khu dân cư nhất của thành phố Gia Nghĩa. Đây là phường trung tâm với nhiều khu tái định cư đã được triển khai xây dựng và có mật độ dân số cao so với mặt bằng chung.
Tuy nhiên, cũng tại phường Nghĩa Trung, hàng loạt khu dân cư bị quy hoạch “treo” nhiều năm nay khiến cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Điển hình như: khu 92 ha, khu 24 ha, khu dân cư số 2...
Ông Trần Thanh Luyện, Chủ tịch UBND phường Nghĩa Trung cho biết, thẩm quyền quy hoạch là của cấp tỉnh và cấp huyện, thành phố. Cấp xã, phường chỉ tiếp thu ý kiến của người dân và báo cáo, đề xuất, góp ý dựa trên điều kiện thực tế. Hiện nay, bên cạnh nhiều khu dân cư bị quy hoạch “treo”, việc quản lý đô thị trên địa bàn phường cũng gặp rất nhiều khó khăn do quy hoạch không sát thực tế, tính khả thi không cao.
Chủ tịch UBND phường Nghĩa Trung Trần Thanh Luyện cho biết, phường vừa có báo cáo UBND thành phố Gia Nghĩa và các phòng chức năng liên quan về một số bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quy hoạch, quản lý quy hoạch đô thị trên địa bàn phường; trong đó, có đề xuất điều chỉnh một số tuyến đường quy hoạch trùng với đường hiện trạng; chuyển đổi quy hoạch đất đai dọc một số tuyến đường, nhiều vị trí dân cư đông đúc từ đất cây xanh sang đất ở; cũng như rà soát, thống nhất quy hoạch đất đai, đô thị giữa cấp tỉnh và thành phố đối với một số vị trí trên địa bàn phường.
Cũng theo một số lãnh đạo UBND cấp xã, phường trên địa bàn thành phố Gia Nghĩa, nhu cầu đất ở của người dân ngày càng tăng do dân số gia tăng liên tục trong các năm gần đây.
Việc quy hoạch đô thị cũng cần tính đến đầy đủ thực tế này, tránh tình trạng quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch theo kiểu “chạy” theo người dân. Thêm nữa, các vị trí, tỷ lệ đất đai được chuyển đổi sang đất ở trong quy hoạch tổng thể cây xanh đô thị nếu có cần được quy định rõ và công khai để người dân, chính quyền địa phương được biết, thực hiện.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Quản lý đô thị Gia Nghĩa xác nhận, đang chủ trì, phối hợp với chính quyền các địa phương rà soát, tổng hợp nhưng bất cập, khó khăn, vướng mắc trong quy hoạch đô thị, thực hiện quy hoạch trên địa bàn để tham mưu cho UBND thành phố Gia Nghĩa trình cấp có thẩm quyền.
Mục tiêu chính là tiếp thu, tổng hợp hết những khó khăn, vướng mắc phát sinh từ thực tế, từ đó kiến nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh, bổ sung, để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân.
Theo UBND thành phố Gia Nghĩa, thành phố hiện có tới 55 đồ án quy hoạch chi tiết và phân khu đô thị đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
Hiện nay, việc quy hoạch và thực hiện quy hoạch tại Gia Nghĩa còn một số khó khăn vướng mắc do tốc độ đô thị hóa nhanh, nhu cầu đất ở của người dân gia tăng mạnh nhưng nguồn lực để triển khai các dự án nói riêng cũng như hạ tầng đô thị nói chung còn nhiều hạn chế.
Thêm nữa, sự chồng chéo trong quy hoạch cũng ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi chính đáng của người dân cũng như gây nhiều khó khăn trong quản lý đô thị, quản lý quy hoạch.
Theo ông Phan Anh Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng Đắk Nông, quy hoạch tổng thể đô thị Gia Nghĩa đã được phê duyệt, thực hiện hơn 7 năm và thời gian qua đã phát sinh nhiều điểm bất cập, không phù hợp. Hiện, Sở Xây dựng đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, điều chỉnh cho phù hợp hơn với các điều kiện thực tế.
Quan điểm của Sở Xây dựng Đắk Nông là phải xử lý tới nơi tới chốn vấn đề chồng lấn quy hoạch; ưu tiên quy hoạch, xây dựng một đô thị Gia Nghĩa xanh, phát triển bền vững...
Việc điều chỉnh quy hạch được thực hiện trong bối cảnh giá đất tại Gia Nghĩa tăng cao bất thường nhiều tháng nay. Trước thực trạng này, ngành chức năng đã cảnh báo những rủi ro về một thị trường bất động sản “ảo”. Theo đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông vừa có văn bản chỉ đạo công khai thông tin quy hoạch, công khai tiến độ các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, nâng cấp các đơn vị hành chính...
Đồng thời, tỉnh yêu cầu các ngành chức năng kiểm soát các hoạt động môi giới, kiểm soát việc tăng giá đất; khuyến cáo người dân không tham gia, giao dịch đối với các dự án bất động sản chưa đủ các điều kiện pháp lý, chưa hoàn thiện về hạ tầng, chưa thực hiện đủ nghĩa vụ tài chính để tránh các rủi ro liên quan./.
-
Chủ tịch Đắk Nông kiên quyết xử lý vụ tự ý mở đường, xây nhà trái phép trong rừng phòng hộ thủy điện
Liên quan đến vụ mở đường xây khu nghỉ dưỡng trái phép trên đất rừng phòng hộ thủy điện Đắk R’Tih tại huyện Đắk R’lấp mà Infonet đã phản ánh, cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông cho biết hiện đang đồng loạt vào cuộc xử lý.
-
Đắk Nông 2030: Tương lai trở thành trung tâm năng lượng và đô thị hóa
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định số 91/QĐ-TTg, ngày 14/1/2025, phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch đặt mục tiêu phát triển Đắk Nông trở thành trung tâm năng lượng tái ...
-
Tin vui cho siêu dự án bô xít 2,3 tỷ USD của Hóa chất Đức Giang tại Đắk Nông
Lãnh đạo tỉnh Đắk Nông cho biết trong năm 2024 đã báo cáo, giải trình tại nhiều cuộc họp với Thủ tướng, Chính phủ để cố gắng gỡ vướng quy hoạch bô xít. Hiện có nhiều tập đoàn trong nước nộp hồ sơ để đầu tư khai thác, chế biến bô xít với tổng số vốn đ...
-
Ngoài tuyến cao tốc hơn 25.500 tỷ sẽ khởi công trong năm nay, tỉnh Đắk Nông đang nghiên cứu những hạ tầng “khủng” nào?
Ngoài tuyến cao tốc Gia Nghĩa – Chơn Thành có tổng vốn đầu tư hơn 25.500 tỷ đồng dự kiến sẽ khởi công vào tháng 9/2025, tỉnh Đắk Nông đang nghiên cứu nhiều tuyến cao tốc, đường kết nối với các địa phương lân cận....