Nhiều hộ dân cho rằng, phần đất chính quyền cấp cho bà Đông không đúng quy định.
Vì 1 cái sổ đỏ, 13 hộ dân đi kiện
Theo phản ánh của 13 hộ dân tại thôn Boong Ring, xã Nâm Njang, huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông, vào năm 2017, UBND huyện Đắk Song đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ), giao hơn 2,3 ha đất rừng cho bà Nguyễn Thị Đông (ngụ thôn Boong Ring) quản lý và sử dụng để trồng rừng trong thời gian 50 năm.
Vị trí đất giao cho bà Đông trải dọc theo Quốc lộ 14 (Đường Hồ Chí Minh), thuộc tiểu khu 1615 (thôn Boong Ring). Tuy nhiên, cả 13 hộ dân ở đây cho rằng, phần đất cấp cho bà Đông đã chồng lấn lên diện tích mà họ đang quản lý, sử dụng.
Do đó, bà con đã làm đơn khiếu nại, gửi đến các cơ quan chức năng, yêu cầu UBND huyện Đắk Song thu hồi sổ đỏ đã cấp cho bà Đông.
13 hộ dân cho biết, trong đơn đề nghị giao đất, giao rừng của bà Đông không hề ghi ngày, tháng, năm. Hơn thế, nhiều nội dung trong đơn cũng bỏ trống nhưng vẫn được lãnh đạo UBND xã Nâm Njang chấp nhận.
Ngoài ra, các hộ dân cũng cho rằng, họ đã khai phá, canh tác phần đất trên hàng chục năm nay. Tuy nhiên, họ không hề biết việc bà Đông lại được cấp sổ đỏ trên đất mình đang sử dụng, cũng không được mời tham gia ký giấy chứng nhận giáp ranh.
Đa số diện tích đất cấp cho bà Đông đã được người dân trồng cây ăn quả từ nhiều năm trước.
Đến năm 2018, anh Vũ Văn Giáo (SN 1976) từ nơi khác đến thôn Boon Ring làm thuê cho bà Đông. Sau đó, anh Giáo dùng máy cắt cỏ, gây thương tích đối với bà Võ Thị Lan thì người dân mới biết việc bà Đông được cấp sổ đỏ trên khu đất của họ đang... sở hữu, canh tác.
Sau khi nhận được đơn phản ánh của người dân, ngày 10/7/2019, UBND huyện Đắk Song đã tổ chức buổi tiếp công dân, làm việc với 13 hộ dân tại thôn Boon Ring để làm rõ vấn đề trên. Tại buổi làm việc, bà con tiếp tục đề nghị UBND huyện Đắk Song xem xét, thu hồi lại sổ đỏ đã cấp cho bà Đông.
Đa số các ý kiến của người dân đều cho rằng, khi có chủ trương giao đất, giao rừng, chính quyền địa phương không thông báo, không mời họ tham gia họp để phổ biến.
Sổ đỏ của bà Đông cũng được cấp trong thời gian đang xảy ra tranh chấp. Do đó, bà con không biết để đăng ký nhận đất, trồng rừng.
Theo ông Nguyễn Văn Thiếp (SN 1968, thôn Boong Ring) - 1 trong 13 hộ dân đâm đơn kiện: Năm 2014, ông được UBND xã Nâm N’jang mời tham gia họp, phổ biến chủ trương giao đất rừng cảnh quan bên quốc lộ 14.
Tuy nhiên, cuộc họp đó không có đầy đủ các hộ dân tại thôn Boong Ring. Ngoài ra, ông Thiếp cũng đã có đơn đăng ký nhận giao đất rừng cảnh quan quốc lộ 14 nhưng không được xem xét.
Đơn xin giao đất của bà Đông thiếu nhiều nội dung nhưng vẫn được UBND xã Nâm Njang đóng dấu, chấp nhận.
Chính quyền nói gì?
Cả 13 hộ dân đều đồng ý với chủ trương của địa phương về việc tái tạo, phục hồi rừng thông cảnh quan dọc quốc lộ 14. Bà con cũng trình bày với lãnh đạo UBND huyện Đắk Song rằng, nếu được địa phương tạo điều kiện giao đất, họ sẽ tuân thủ các quy định và sử dụng đất đúng mục đích.
Trả lời người dân về vấn đề này, ông Lê Viết Sinh, Phó chủ tịch UBND huyện Đắk Song khẳng định, việc giao đất, giao rừng cho hộ bà Đông là hoàn toàn đúng quy định. Do đó, UBND huyện không đồng ý thu hồi lại sổ đỏ theo ý kiến của người dân.
Ông Sinh cũng cho biết, đất giao cho bà Đông là đất rừng cảnh quan quốc lộ 14, thuộc quyền quản lý của Nhà nước. Trước đó, cả 13 hộ dân trên đã lấn chiếm, sử dụng và bị giải tỏa. Khi có chủ trương giao đất, giao rừng, các hộ không có đơn nên địa phương không có cơ sở để xem xét, giao đất.
Buổi làm việc kết thúc, người dân không đồng ý với trả lời của UBND huyện Đắk Song. Họ vẫn cho rằng, việc cấp sổ đỏ cho bà Đông không đúng quy định, đồng thời các hộ dân này vẫn yêu cầu phía huyện thu hồi sổ đỏ của bà Đông, giao đất lại cho các hộ đang sử dụng.
Nhiều đoạn rừng thông ven quốc lộ 14, đoạn qua huyện Đắk Song đang chết dần chết mòn.
Theo quan sát của PV, hiện khu vực dọc quốc lộ 14, đoạn qua địa phận huyện Đắk Song đã có rất nhiều điểm bị múc đất, san ủi mặt bằng khiến địa hình thay đổi. Hơn thế, nhiều đoạn rừng thông dọc quốc lộ 14 chạy qua địa bàn huyện này đang chết dần chết mòn.
Như vậy, việc giao đất, giao rừng cho các hộ dân để phục hồi cảnh quan rừng thông ven quốc lộ 14 có được triển khai đồng bộ không? Hiệu quả đến nay của việc làm này như thế nào đang cần các cơ quan chức năng vào cuộc.
Trao đổi với PV Infonet, ông Lê Viết Sinh-Phó chủ tịch UBND huyện Đắk Song cho hay, hiện địa phương đang nỗ lực phục hồi rừng thông cảnh quan ven quốc lộ 14.
Do đó, khu vực nào nằm trong quy hoạch trồng lại rừng thì phía huyện kiên quyết thu hồi, giao lại cho những hộ có nhu cầu, nhiệt huyết để trồng thông.
Tuy nhiên, sau khi giao đất, nếu hộ nào không thực hiện hoặc sử dụng sai mục đích, địa phương sẽ xem xét, thu hồi lại sổ đỏ.
“Thời gian qua, địa phương đã thu hồi một số sổ đỏ vì người dân sử dụng đất không hiệu quả, không trồng thông. Trường hợp của bà Đông cũng vậy, nếu người này không thực hiện đúng mục đích sử dụng đất, địa phương sẽ thu hồi để giao lại cho hộ khác có năng lực, trách nhiệm”, ông Sinh thông tin.
Cũng theo ông Sinh, đơn xin giao đất, giao rừng của bà Đông được nhiều đơn vị xét duyệt chặt chẽ. Do đó, không thể có chuyện thiếu nhiều nội dung như người dân thông tin.
Tình trạng khai thác đất gần quốc lộ 14 cũng diễn ra tràn lan, phá nát cảnh quan nhưng không được chính quyền địa phương xử lý triệt để.
Ông Sinh cho biết thêm, vụ việc nói trên đã được tòa án thụ lý giải quyết. Ở lần xét xử sơ thẩm, 13 nhóm hộ dân đã thua kiện, hiện bà con đang kháng cáo lên tòa cấp phúc thẩm.
Trao đổi về vụ việc, Luật sư Nguyễn Đức Du (Đoàn luật sư tỉnh Đắk Lắk) cho biết, việc giao đất rừng cho bà Đông có nhiều điểm không hợp lý.
Bởi lẽ, đất được cấp trong khi đang xảy ra tranh chấp. Đơn xin giao đất rất sơ sài, để trống cả nội dung của người làm đơn và cả phần xác nhận của UBND xã Nâm N'jang... là không đúng quy định.
"Ngoài ra, từ khi cấp đất đến nay, bà Đông quản lý, sử dụng chưa hiệu quả, chỉ trồng thông trên diện tích nhỏ là không đủ năng lực. Hơn thế, bà Đông mới đến địa phương sinh sống vài năm nay, trong khi đó, 13 hộ dân trên đã sinh sống gần 20 năm, họ đã có nhiều đóng góp cho địa phương. Do đó, khi có chủ trương giao đất, giao rừng mà các hộ này không được ưu tiên là chưa phù hợp", ông Du nói thêm.
-
Nhà máy điện phân nhôm đầu tiên của Việt Nam đã được đầu tư bao nhiêu?
Với tổng mức đầu tư khoảng 690 triệu USD, nhà máy này khi đi vào hoạt động dự kiến sẽ cung cấp từ 300.000 - 450.000 tấn nhôm mỗi năm.
-
Sắp trình Quốc hội xem xét dự án cao tốc hơn 25.500 tỷ đồng
Chiều 17/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đăk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước)....
-
Hơn 182.000 tỷ đồng đầu tư 7 dự án bô xít - alumin - nhôm tại Đắk Nông
Theo nội dung đề án Phát triển tổng thể lĩnh vực bô xít - alumin - nhôm của TKV đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tập đoàn này sẽ thực hiện 2 đề án thăm dò và 5 dự án bô xít - alumin - nhôm tại Đắk Nông với tổng mức đầu tư hơn 182.000 tỷ đồng....