Số điện thoại của môi giới được lưu lại trên đường ở các khu đất nhà nước (Ảnh TN)
Thông tin từ Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị này vừa có văn bản gửi UBND TP. Buôn Ma Thuột đề nghị chỉ đạo các cơ quan chức năng, công an phối hợp xử lý tình trạng nhiều tổ chức, cá nhân đang có hành vi gây nhiễu loạn thông tin tại các khu đất nhà nước chuẩn bị đấu giá tạo nguồn ngân sách.
Cụ thể, tại hai khu đất tại phường Thành Nhất và phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột đã được cơ quan nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng hoàn thiện, đang chuẩn bị các thủ tục để đấu giá công khai.
Tuy nhiên, thời gian qua nhiều tổ chức, cá nhân tự nhận là người của các công ty môi giới bất động sản đã xuất hiện ở các khu đất trên để tư vấn, giới thiệu cho khách hàng. Thậm chí, nhiều đối tượng sử dụng sơn xịt số điện thoại lên mặt đường, vỉa hè, cột điện… để dẫn dụ mua bán đất.
Đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Đắk Lắk cho biết, những hành vi trên không chỉ gây mất mĩ quan đô thị mà còn xâm phạm tài sản của nhà nước, gây rối loạn thông tin đấu giá đất, ảnh hưởng đến sự phát triển của thị trường bất động sản trên địa bàn.
Do đó, Trung tâm kiến nghị UBND TP. Buôn Ma Thuột cùng các đơn vị liên quan xử lý nghiêm các hành vi trên. Hiện tại, đơn vị này đã thống kê được 38 số điện thoại lưu lại tại 2 khu đất đấu giá.
Thổi đất đấu giá rồi bỏ cọc “chạy làng”
Tình trạng “cò đất” gây nhiễu loạn trước và trong các cuộc đấu giá đất đã từng xảy ra ở nhiều địa phương trên cả nước. Thông thường, trước cuộc đấu giá đất những đối tượng này tung tin thất thiệt để tạo “sóng”. Trong cuộc đấu giá, họ thi nhau đẩy giá lên cao gấp hàng chục lần so với giá khởi điểm, tuy nhiên sau đó lại bỏ cọc hàng loạt.
Đầu năm 2022, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức đấu giá quyền sử dụng 46 lô đất với tổng diện tích trên 14.208 m2 thuộc công trình “Phát triển điểm dân cư xã Gio Hòa” (nay là xã Gio Sơn, huyện Gio Linh).
Những lô đất này thuộc 2 thôn, trong đó thôn Đại Đồng Nhất 28 lô và 18 lô tại thôn Trí Tiến. Các lô đất đều nằm dọc trục đường 74, thuộc khu vực nông thôn có nhà dân rải rác, còn lại phần lớn diện tích là đất nông nghiệp của người dân trong vùng.
Cuộc đấu giá này đã thành công mĩ mãn khi tất cả các lô đất đều có chủ. Đặc biệt, giá trúng nhiều lô gấp 4 lần so với mức giá khởi điểm. Theo quy định, sau khoảng thời gian 1 tháng kể từ ngày công bố kết quả trúng đấu giá, các chủ nhân lô đất trên phải nộp đủ số tiền trúng đấu giá.
Tuy nhiên, nhiều chủ nhân trúng đấu giá vẫn biệt tăm dù quá thời hạn. Kết quả bất ngờ sau đó là 41/46 lô đất trên đều bị bỏ cọc.
Hàng loạt lô đất bị bỏ cọc sau những cuộc đấu giá đất
Câu chuyện tương tự cũng diễn ra tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Cụ thể, tháng 5/2022, UBND huyện Diễn Châu có quyết định về việc huỷ bỏ kết quả trúng đấu giá đối với 73 lô đất có tổng diện tích hơn 13.400m2 tại các xã Diễn Vạn, Diễn Đồng, Diễn Phúc, Diễn Bích, Diễn Mỹ.
Trong đó, tại xã Diễn Vạn có 32 lô; xã Diễn Đồng có 5 lô, xã Diễn Phúc có 28 lô, xã Diễn Bích có 4 lô.
Lý do huỷ là các hộ gia đình, cá nhân được công nhận kết quả trúng đấu giá quyền sử dụng đất không nộp tiền, nộp không đủ tiền sử dụng đất đúng thời hạn theo quy định.
Số tiền đặt cọc của 73 hộ gia đình, cá nhân khi tham gia đất giá các lô đất nêu trên là hơn 15,7 tỉ đồng được thu nộp ngân sách Nhà nước.
Sau những lần phải đưa ra quyết định huỷ bỏ kết quả đấu giá đất, nhiều địa phương nhìn nhận, nguyên nhân chính khiến cho thực trạng này diễn ra là do trong các cuộc đấu giá đất có sự “nhúng tay” của lực lượng đầu cơ, cò đất.
Tình trạng “quân xanh, quân đỏ” hô hào thổi giá đất trúng đấu giá cao ngất ngưởng rồi sau đó đồng loạt bỏ cọc không chỉ gây khó khăn cho địa phương mà còn làm “méo mó” thị trường bất động sản. Trong khi đó, nhiều người dân có nhu cầu chính đáng lại không có cơ hội sở hữu đất đúng giá trị sau khi giá đất đã bị nhóm đầu cơ thổi phồng.
-
Hàng loạt nhà đầu tư tại Diễn Châu, Nghệ An bỏ cọc đấu giá đất
UBND huyện Diễn Châu vừa có quyết định về việc huỷ bỏ kết quả trúng đấu giá và thu nộp ngân sách Nhà nước số tiền đặt cọc của khách hàng tham gia đấu giá quyền sử dụng các lô đất tại vùng quy hoạch dân cư các xã Diễn Vạn, Diễn Đồng, Diễn Phúc, Diễn Bích, Diễn Mỹ.
-
Buôn Ma Thuột đề xuất đầu tư khu đô thị hơn 8.000 tỷ đồng
Mới đây, TP. Buôn Ma Thuột đề xuất chủ trương đầu tư Dự án phát triển đô thị khu vực phía Đông và dọc hành lang suối Ea Nao - Ea Tam với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 8.000 tỷ đồng.
-
Đề xuất xây dựng khu công nghiệp 300ha tạo thêm hàng ngàn việc làm ở Đắk Lắk
UBND tỉnh Đắk Lắk vừa đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Phú Xuân, tọa lạc tại xã Ea Đrơng, huyện Cư Mgar, với tổng diện tích hơn...
-
Dự án cao tốc đầu tiên nối Tây Nguyên với duyên hải miền Trung đang làm tới đâu?
Tuyến cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột là cao tốc đầu tiên nối khu vực Tây Nguyên với các tỉnh duyên hải miền Trung. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 22.000 tỉ đồng, khởi công xây dựng từ năm 2023....