Thị trường bán lẻ Việt Nam trở thành chiếc bánh béo bở trong mắt các đại gia bán lẻ thế giới.
Với dân số trên 90 triệu người, Việt Nam được xem là thị trường bán lẻ tiềm năng luôn thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Đến nay, hầu hết các “ông lớn” thuộc lĩnh vực bán lẻ của thế giới đều đã đánh dấu sự hiện diện tại Việt Nam như Big C, Metro, Lotte, Aeon…Đặc biệt, nổi bật hơn cả là sự xuất hiện của những đại gia người Thái trong thời gian gần đây. Với thế lực tài chính hùng hậu, những ông chủ Thái đang khuynh đảo thị trường bán lẻ Việt Nam thông qua việc thâu tóm các hệ thống phân phối bán lẻ. Ngay sau khi Tập đoàn TCC của tỉ phú Charoen Sirivadhanabhakdi mua lại toàn bộ cơ sở bán buôn của Metro Cash & Carry Việt Nam bao gồm tất cả 19 trung tâm và các bất động sản liên quan, trị giá 876 triệu USD. Thì mới đây nhất, một ông lớn khác trong ngành bán lẻ của Thái Lan là Tập đoàn Central Group đã bỏ ra số tiền hơn 1 tỷ USD để nắm quyền sở hữu hệ thống kinh doanh Big C ở Việt Nam (gồm 32 siêu thị và 10 cửa hàng tiện lợi) từ tay Tập đoàn Casino (Pháp).
Đáng chú ý, cuộc đua dành quyền sở hữu Big C có sự tham gia của một số doanh nghiệp Việt, trong đó lọt tới vòng cuối cùng là Saigon Co.op, tuy nhiên cuối cùng doanh nghiệp này cũng đành chịu thua trên sân nhà. Ông Diệp Dũng, Chủ tịch Hợp tác xã Thương Mại Saigon Co.op nêu những khó khăn cản trở trong việc cạnh tranh với người Thái trong thương vụ này. Cụ thể, phía bán nêu khó khăn là thương vụ này được mua bán bởi công ty nước ngoài đặt ở Châu Âu, họ lo ngại liệu Saigon Co.op có xin được giấy phép hay không. “Chúng tôi thì đang trong quá trình thương thảo chỉ khi nào đạt được các thỏa thuận mới xin giấy phép, chúng tôi nghĩ rằng sẽ được ủng hộ nhưng phía bạn thì lo âu không biết cái trứng có trước hay con gà có trước và cuối cùng đã đặt chúng tôi vào tình thế hơi khó khăn, đó cũng chính là một trong những rào cản gây ảnh hưởng đến việc cạnh tranh trong các thương vụ mua bán và sát nhập doanh nghiệp”, ông Dũng nói.
Ghi nhận từ thị trường cho thấy, ngay sau khi thông tin Metro, Big C rơi vào tay của người Thái, một luồng ý kiến lo ngại cho các sản phẩm hàng hóa Việt sẽ sớm bị “hất cẳng” ra khỏi những hệ thống phân phối này. Điều đó đồng nghĩa những doanh nghiệp Việt sẽ ngày càng khó khăn trong việc tìm cách tiêu thụ sản phẩm và buộc phải chịu những điều kiện thiệt thòi để sản phẩm của mình được xuất hiện trong các kệ siêu thị. Ngược lại, một làn sóng các sản phẩm ngoại nhập, đặc biệt là hàng hóa Thái sẽ ồ ạt đổ vào Việt Nam. Theo các chuyên gia kinh tế ngoài chất lượng sản phẩm thì với bề dày kinh nghiệm và cách tiếp cận thị trường bài bản, những doanh nghiệp ngoại đang dần nắm bắt được tâm lý mua sắm của người Việt, đây là yếu tố then chốt quyết định thành bại của họ.
Ông Diệp Dũng thừa nhận, hiện nay ai nắm được thị phần bán lẻ, ai nắm được hệ thống bán lẻ thì sẽ điều tiết được cấu trúc, sẽ nắm được không gian kinh tế. Thời gian qua các doanh nghiệp bán lẻ quốc tế đã ngày càng thâm nhập nhiều hơn vào thị trường bán lẻ Việt Nam và một trong những công cụ thâm nhập hữu hiệu nhất là mua bán sát nhập doanh nghiệp. “Nếu không nhận thực rõ những thách thức này thì nguy cơ sẽ thua ngay trên sân nhà, khi đó không gian kinh tế của chúng ta sẽ bị thu hẹp”, ông Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, hầu hết các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam vẫn còn non trẻ, do đó, Chính phủ cần phải có những chính sách và công cụ hữu hiệu để bảo vệ doanh nghiệp và thị trường bán lẻ trong nước. Đặc biệt, trong các hiệp định song phương và đa phương cộng đồng quốc tế cũng đã chấp nhận cho Việt Nam có một lộ trình để bảo vệ các doanh nghiệp tuy nhiên việc triển khai các biện pháp, công cụ vẫn còn quá chậm. Ông Dũng cho rằng, cần xây dựng 20 doanh nghiệp bản lẻ hàng đầu Việt Nam đủ sức cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại. Chính phủ cũng cần có những chính sách, công cụ cởi mở hơn để doanh nghiệp hoạt động thuận lợi hơn trong các hoạt động mua bán sát nhập.
Mặc dù hệ thống phân phối đóng vai trò quan trọng nhưng theo nhiều chuyên gia đây không phải là yếu tố khiến doanh nghiệp nội bị lép vế. Vấn đề nằm ở tư duy kinh doanh, hiện các doanh nghiệp bán lẻ nội vẫn làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, thiếu sự liên kết, non yếu trong phát triển quảng bá thương hiệu… Quan trọng hơn cả là chất lượng các sản phẩm của doanh nghiệp nội vẫn chưa đảm bảo để chiếm được niềm tin của người tiêu dùng trong nước.
Trong thời gian tới, kinh tế Việt Nam sẽ hội nhập sâu hơn vào cộng đồng kinh tế thế giới thông qua các hiệp dịnh thương mại đã ký kết như FTA, TPP… Do đó, bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Chính phủ các doanh nghiệp Việt cần có sự chuẩn bị kỹ càng, tận dụng triệt để thế mạnh sân nhà để không rơi vào tình cảnh thua thiệt trong cuộc đấu với doanh nghiệp ngoại.
-
Hôm nay (23/1) sẽ thông xe tạm hai đoạn cao tốc Bến Lức - Long Thành
Ngày 23/1, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) sẽ chính thức thông xe tạm hai đoạn tuyến thuộc dự án cao tốc Bến Lức - Long Thành.
-
Kiều hối về TP.HCM đạt 10 tỷ USD
Nếu tính lũy kế từ đầu năm 2024 đến nay, tổng lượng kiều hối chuyển về TP.HCM đạt 10,039 tỷ USD, Thời báo Ngân hàng dẫn lời ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM....
-
Thủ Đức 2040: Siêu đô thị 9 phân vùng với hơn 21.000 ha
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà vừa ký Quyết định 202/QĐ-TTg, phê duyệt đồ án quy hoạch chung thành phố Thủ Đức thuộc TP.HCM đến năm 2040, với mục tiêu trở thành đô thị sáng tạo, dẫn đầu kinh tế khu vực. Quy hoạch chia Thủ Đức thành 9 phân vùng chức năng,...