20/06/2014 9:19 PM
Doanh nghiệp bất động sản (BĐS) đang vượt khó bằng cách tận dụng nguồn thu từ những dịch vụ tạo ra lợi nhuận trước mắt để nuôi dự án. Số doanh nghiệp “làm thêm”, “lấy ngắn nuôi dài” ngày một nhiều hơn…
Thời kinh doanh ế ẩm, không ít doanh nghiệp bất động sản phải ra vỉa hè tiếp thị
Tại kỳ đại hội cổ đông (ĐHCĐ) 2014 của Công ty Cổ phần BĐS Phát Đạt, ông Võ Tấn Thành, Phó Tổng giám đốc phụ trách đầu tư cho biết, để tạo ra dòng tiền ổn định trong giai đoạn này, ngoài việc kết hợp với một đối tác để triển khai nhà hàng tiệc cưới, Công ty tìm kiếm các cơ hội đầu tư vào khoáng sản lẫn các dự án BT (xây dựng - chuyển giao), BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao) về hạ tầng tại các địa phương.
“Lấy ngắn nuôi dài”
Không riêng Phát Đạt, nhiều doanh nghiệp BĐS đang tìm kiếm các cơ hội đầu tư mang về lợi nhuận ngắn hạn để duy trì hoạt động chính của công ty trong thời vượt khó, đồng thời tiếp tục tái cơ cấu doanh nghiệp, ưu tiên vốn cho ngành cốt lõi.
Trong ĐHCĐ mới đây, Chủ tịch Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) Nguyễn Duy Hưng nhận định: “Năm 2014 ngành BĐS không đáng bận tâm nhưng nông nghiệp, dịch vụ, sản xuất hàng tiêu dùng sẽ là kênh đầu tư trọng điểm hấp dẫn nhất. Đây là bằng chứng cho thấy doanh nghiệp Việt Nam đã đi một bước rất dài và tìm ra lợi thế lớn từ nhóm ngành này”.
Một chuyên gia kinh tế đưa ra lý do về sự chuyển dịch của doanh nghiệp BĐS: “Hiện tại BĐS vẫn luẩn quẩn chưa rõ hướng ra, vốn thì “chôn” nhiều mà tiền lời chưa thấy. Trong khi đó thị trường nhà đất không đủ sức đáp ứng nhu cầu cấp bách về dòng tiền nên các doanh nghiệp có quyết định thay đổi cấu trúc ngành nghề tạm thời là hoàn toàn hợp lý”.
Đó cũng là lý do Công ty Cổ phần Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House) tăng cường hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, khoáng sản thông qua việc bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh. Ngoài ra, Công ty đang xem xét đầu tư kho bãi tại cảng Hiệp Phước (huyện Nhà Bè, TP.HCM) để hỗ trợ cho việc xuất nhập khẩu, kinh doanh tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức.
Ông Lê Chí Hiếu, Chủ tịch HĐQT Thuduc House cho rằng, những hoạt động này mang lại doanh thu và dòng tiền để hỗ trợ công ty khi lĩnh vực cốt lõi là BĐS đang còn nhiều khó khăn.
Sẽ không còn “lời ong tiếng ve”
Theo tính toán, năm 2014 Công ty Thuduc House Wood Trading (xuất nhập khẩu dăm gỗ, sắn lát...), chợ nông sản Thủ Đức và Ban Xuất nhập khẩu sẽ mang về doanh thu 10 - 15 triệu USD cho Thuduc House. Trong tổng doanh thu hợp nhất dự kiến 745 tỷ đồng của năm 2014 thì công ty mẹ chiếm 600 tỷ, với 339 tỷ đồng doanh thu từ địa ốc và 192 tỷ đồng (tăng 290% so với 2013) từ kinh doanh nông sản, xuất nhập khẩu.
Trong khi đó, một công ty BĐS “ôm” hàng nghìn tỷ đồng tồn kho tại TP.HCM vẫn đang “ủ men” các dự án bằng nguồn thu từ dịch vụ tàu biển và khai thác cát. Hai năm qua, các dự án địa ốc của doanh nghiệp hầu như chưa bán được hoặc phải tiếp tục hoàn thiện hồ sơ pháp lý, tiêu tốn nhiều chi phí tài chính.
Một vị lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết: “Có thể báo cáo tài chính của chúng tôi ghi nhận BĐS tồn kho hàng nghìn tỷ đồng nhưng Công ty vẫn thu xếp được dòng tiền từ thị trường ngách là tàu biển và khai thác cát. Mai này khi doanh nghiệp sáp nhập các ngành tay trái về công ty mẹ, sẽ không còn ‘“lời ong tiếng ve” nữa”.
Ông Phạm Ngọc Lâm, Chủ tịch HĐQT Công ty Đức Khải cũng mới chia sẻ: “Thời gian qua, dù thị trường khó khăn, nếu chỉ đầu tư BĐS không sẽ rất khó khăn. Vì vậy, Đức Khải mở rộng ngành nghề kinh doanh sang nhiều lĩnh vực khác. Hiện Đức Khải là nhà nhập khẩu và phân phối độc quyền nhiều sản phẩm như Ken Wood, Dong Feng, Toshiba. Riêng Toshiba, dự kiến đạt doanh thu mức 1.000 tỷ đồng trong năm 2013. Đây là cách “lấy ngắn nuôi dài” mà doanh nghiệp này đã thực hiện và thành công thời gian qua”.
Khoản mục “Lợi nhuận khác” là khoản mục khó đoán nhất và cũng là điều mà nhiều cổ đông ngóng chờ trong các kỳ đại hội. Ở mùa ĐHCĐ năm nay nhiều doanh nghiệp đã thực sự làm cổ đông phấn khởi về khoản mục này vì những việc “làm thêm” kiếm tiền.
Nam Phong (PLVN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.