Việc giảm chi phí, gỡ vướng cho doanh nghiệp trong lĩnh vực thuế, hải quan là hết sức hệ trọng để tăng sức cạnh tranh khi xuất khẩu. Vấn đề này được hối thúc mạnh từ năm ngoái và Thủ tướng Chính phủ mới đây tiếp tục chỉ đạo Bộ Tài chính miễn giảm thuế, phí ở một số lĩnh vực. Điều mong mỏi của doanh nghiệp là sự chuyển động tích cực từ bộ này chứ không thể "dài cổ" chờ.
Trong những chỉ đạo cụ thể của Thủ tướng Chính phủ, có yêu cầu Bộ Tài chính sửa đổi quy định tại điều 12 Nghị định 134/2016/NĐ-CP theo hướng miễn thuế nhập khẩu (NK) đối với nguyên phụ liệu đưa đi gia công tại cơ sở sản xuất khác và đối với hàng hóa NK để sản xuất hàng hóa xuất khẩu (XK) bị tiêu hủy, trên cơ sở bình đẳng giữa loại hình sản xuất XK và loại hình gia công.
Ám ảnh đội chi phí
Ngoài ra, nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp (DN), Thủ tướng còn yêu cầu Bộ Tài chính xây dựng, ban hành thông tư sửa đổi các thông tư quy định một số mức phí và lệ phí trong công tác thú y, khai thác thủy sản và quản lý chất lượng an toàn thực phẩm.
Có thể thấy, việc sửa đổi theo hướng kéo giảm chi phí này sẽ rất có lợi cho DN XK mà lẽ ra phải được thực hiện từ sớm và cũng sẽ thể hiện rõ sự minh bạch trong chính sách.
Ngoài hướng miễn thuế NK, nếu xem lại Nghị định 134/2016/NĐ-CP cũng sẽ thấy những bất cập trong thực hiện. Ngay như quy định tại Khoản 1 Điều 11 của Nghị định này đang lộ rõ vấn đề khi quy định thêm là không miễn thuế đối với hàng hóa XK có thuộc đối tượng chịu thuế XK.
Điều này được hiểu là hầu hết hàng hóa XK để gia công đều không được miễn thuế XK, trong khi trên thực tế nếu tính thuế XK thì chỉ có 211 nhóm hàng là có mức thuế suất để tính thuế XK.
Trong khi đó, Luật quy định miễn thuế XK đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện (trừ trường hợp hàng hóa XK là tài nguyên, khoáng sản, sản phẩm có tổng trị giá tài nguyên khoáng sản cộng với chi phí năng lượng chiếm từ 51% giá thành sản phẩm trở lên). Như vậy, phải chăng quy định tại Nghị định 134 bó hẹp hơn so với quy định của Luật?
Liên quan đến chi phí của các DN trong lĩnh vực khai thác thủy sản, theo Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư số 230/2016/TT-BTC (quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí đăng kiểm an toàn kỹ thuật tàu cá, kiểm định trang thiết bị nghề cá; phí thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản), mức phí thẩm định xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản sẽ giảm từ 700.000 đồng còn 630.000 đồng (giảm 10% so với quy định hiện nay).
Thế nhưng, qua phản ánh của DN XK thủy sản, một lô hàng XK sang Mỹ hay EU có thể có nhiều giấy xác nhận nguyên liệu do mua từ nhiều đợt và từ nhiều tàu cá, tại nhiều địa phương khác nhau, nếu phí thẩm định giảm xuống 630.000 đồng/lần thì thực tế vẫn còn tạo gánh nặng về chi phí rất lớn.
Đơn cử, một DN XK cá ngừ cỡ vừa trong mỗi năm cần tới hơn 1.000 bộ xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác, chỉ riêng chi phí cho việc này một năm như hiện nay là hơn 700 triệu đồng, nếu giảm 10% thì còn 630 triệu đồng – vẫn còn là một con số rất lớn.
Các doanh nghiệp mong mỏi giảm thuế, phí để cạnh tranh xuất khẩu
Phía dưới còn "lạnh"
Điều đáng nói, hồi tháng 4 vừa qua, Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản Việt Nam (VASEP) đã có kiến nghị Bộ Tài chính sửa đổi 4 Thông tư về phí trong tháng 5/2018.
Hiệp hội này có lưu ý đã hơn một năm qua kể từ ngày VASEP gửi công văn tới Bộ Tài chính kiến nghị về xem xét lại mức phí quy định tại 4 Thông tư về phí trong công tác thú y, khai thác thủy sản và an toàn thực phẩm của Bộ này. Tuy nhiên, cho tới nay, những kiến nghị của VASEP và cộng đồng DN thủy sản vẫn chưa được Bộ Tài chính xem xét và giải quyết. Các DN thủy hải sản vẫn đang phải nộp các mức phí rất cao.
Ngoài các vấn đề trên, trở lại với chỉ đạo của Thủ tướng còn đặc biệt lưu ý Bộ Tài chính cần ngăn chặn hành vi tiêu cực của công chức ngành hải quan, thuế đối với DN. Rồi trước đó, vào giữa tháng 5/2018, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình có chỉ đạo lập tổ liên ngành kiểm tra tiêu cực tại Hải quan Hải Phòng gây xôn xao dư luận thời gian qua.
Xoay quanh những vấn đề này, trao đổi với Thời báo Kinh Doanh, bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – CIEM), cho rằng tình trạng "trên nóng dưới lạnh hoặc nóng lạnh không đều" cũng đã được chỉ ra nhiều lần. Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt nhưng khi đến bộ ngành thì sự quyết liệt đó giảm dần, thậm chí còn "lạnh".
"Chúng tôi lại có cái nhìn khác hơn nữa là khi Chính phủ rất muốn làm, quyết tâm làm và chỉ đạo làm rất quyết liệt, nhưng xuống đến Bộ thì "lạnh". Và chúng tôi thấy rằng tình trạng "nóng lạnh" không đều, đặc biệt là ở khúc giữa như khâu trung gian tại các bộ chưa thay đổi một cách tích cực", bà Thảo nhấn mạnh.
Về vấn đề tiêu cực trong ngành hải quan khiến cho DN nặng gánh những chi phí không chính thức, theo bà Thảo, tình trạng này chỉ có thể giải quyết được khi áp dụng đầy đủ các dịch vụ công trực tuyến và hạn chế sự tiếp xúc giữa cán bộ quản lý với DN.
Bà Thảo khuyến nghị, các thông tin, thủ tục minh bạch được thực hiện hoàn toàn trên các giao dịch trực tuyến thì sẽ không còn cơ hội cho những cán bộ có các hành vi không phù hợp.
Chi phí không chính thức sẽ giảm nhiều nếu áp dụng các giao dịch điện tử hoặc kết nối thông tin giữa các bộ ngành, cũng như cắt giảm các thủ tục để DN thực hiện với nhiều cơ quan khác nhau thông qua một đầu mối.
Thế Vinh (TBKD)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.