Trong báo cáo về kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 trước Quốc hội, Chính phủ đã đưa ra 5 nội dung trọng tâm, trong đó sẽ tập trung vào phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân trong nước và thu hút hợp lý đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Cùng với đó là tái cơ cấu khu vực kinh tế nhà nước và thị trường tài chính, tiếp đến là tái cơ cấu các tổ chức tính dụng và thị trường chứng khoán. Hiện đại hoá công tác quy hoạch, cơ cấu ngành và vùng kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng.

Ủng hộ những nội dung trên, nhưng theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh), Chính phủ cần chú trọng đến việc tái cơ cấu ngân sách trong bối cảnh nợ công đang tăng nhanh. Đặc biệt, cần có giải pháp để xử lý nợ xấu một cách dài hạn, bền vững.

Bên lề kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 14, đại biểu Trần Hoàng Ngân đã chia sẻ với phóng viên để làm rõ hơn những nội dung về tái cơ cấu và xử lý nợ xấu.


- Ông đánh giá như thế nào về đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 của Chính phủ?

Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Trong đề án mới, Chính phủ đã nêu rõ 5 nhiệm vụ trọng tâm với 10 nhiệm vụ cụ thể để tái cơ cấu nền kinh tế, theo hướng đảm bảo được kinh tế vĩ mô ổn định nhưng tốc độ tăng trưởng hợp lý, chất lượng tăng trưởng được tập trung quan tâm. Trong đó, chúng ta phải tập trung tăng được năng suất lao động và hiệu quả đầu tư.

Tôi quan tâm đến một số nội dung được đề cập trong đề án. Đó là, bên cạnh tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp nhà nước chúng ta còn tái cơ cấu ngân sách nhà nước. Đây là một vấn đề cần phải nhìn thẳng vì nợ công đang tăng nhanh, trong đó cơ cấu chi ngân sách nhà nước cần được quan tâm để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, sử dụng tiền thuế của dân hiệu quả và tiết kiệm.

Đề án mới này cũng đề cập đến một vấn đề mà đề án tái cơ cấu trước đây chưa đề cập. Đó là làm sao nâng cao tính tự chủ của nền kinh tế Việt Nam mà trong đó tập trung các giải pháp phát triển các thành phần kinh tế tư nhân cá thể, để đảm đương vai trò, khi kinh tế Nhà nước giảm dần, thì kinh tế tư nhân phải thay thế. Nếu không thì nhường lại sân cho nhà đầu tư nước ngoài. Đó là nội dung tôi tâm đắc.

Đề án này cũng đề cập sâu về phân bổ nguồn lực, đây là vấn đề rất quan trọng. Vì khi phân bổ nguồn lực, tập trung vào các khu vực, các lĩnh vực có tiềm năng, đặc biệt là địa phương, lĩnh vực có hiệu quả, mà ngân sách tập trung vào lĩnh vực đó, thì hiệu quả sẽ cao, tránh đầu tư dàn đều như trước. Từ đó dẫn đến đầu tư công rất lớn, nợ công thì tăng nhưng kinh tế lại tăng trưởng chậm.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân, đoàn Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ về tái cơ cấu, xử lý nợ xấu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)


- Những giải pháp mà Chính phủ đưa ra theo ông cần tập trung vào đâu và cụ thể như thế nào?

Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp, trong đó có nhiệm vụ cụ thể của từng ban ngành, của từng địa phương để triển khai giải pháp quyết liệt và đồng bộ.

Trong giải pháp lần này, có tới 3 kịch bản, với sự lường trước những khó khăn thách thức. Do nền kinh tế đang hội nhập sâu rộng, dễ bị tác động bởi biến động của kinh tế thế giới, nên việc đưa ra 3 kịch bản tôi nghĩ là rất cần thiết.

Trong đề án cũng đề cập đến các đòn bẩy, giải pháp về huy động vốn, kể cả về ngân sách nhà nước đã chịu những tác động gì, khi thực hiện các giải pháp đó thì tác động đến kinh tế ra sao, đề án đã khá chi tiết.

Chỉ có một vấn đề, tôi chia sẻ với Chính phủ, đó là, chúng ta phải đánh giá quá trình tái cơ cấu thời gian qua để có thêm bài học kinh nghiệm. Như việc chúng ta xử lý nợ xấu vừa qua, đề án tái cơ cấu tổ chức tín dụng triển khai từ năm 2012 đến nay, việc thành lập VAMC để xử lý nợ xấu và thời điểm đó việc chuyển nợ xấu sang VAMC là hợp lý.

Nhưng đến nay, phải nhìn thẳng sự thật là việc chuyển nợ xấu sang VAMC chỉ là giải pháp tạm thời, theo tôi đến thời điểm này cần có giải pháp thực chất. Nhưng tạm thời lúc đó đã có hiệu quả, dư nợ tín dụng từ 2012 là 9% đã lên 18% vào năm 2015. Việc đưa nợ xấu sang VAMC đã khơi thông tín dụng, giúp kinh tế tăng trưởng từ 6,2% lên 6,68% năm 2015.

Nợ xấu trong hệ thống ngân hàng đã giảm nhưng nợ xấu của nền kinh tế vẫn còn, nó mới chỉ chuyển tạm thời từ hệ thống ngân hàng sang VAMC. Giờ phải giải quyết thiết thực, bền vững thì mới đảm bảo sự ổn định của hệ thống ngân hàng, tăng trưởng kinh tế bền vững.

- Vậy, việc xử lý nợ xấu thế nào cho hiệu quả thưa ông? Theo ông là bằng cơ chế hay bằng tiền?

Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Năm 2012, nợ xấu rất cao lên đến 8-9% dư nợ. Câu hỏi đặt ra là chúng ta giải quyết như nào? bằng tiền hay giải pháp nào? Theo đó, chúng ta đã dùng giải pháp chuyển sang VAMC để tạm thời quản lý nên nói nợ xấu hệ thống ngân hàng giảm là đúng, nhưng nợ xấu của nền kinh tế chưa giảm vì nằm ở VAMC.

Chính vì vậy, giờ phải tính đến việc xử lý nợ xấu mà VAMC đang tạm giữ hộ cho ngân hàng thương mại. Ngân hàng đã trích dự phòng, nhưng họ trích bao nhiêu chúng ta chưa có báo cáo. Do vậy theo tôi cần phải có báo cáo chi tiết để xem mỗi năm trích 20% dự phòng cho nợ xấu ở VAMC thì ngân hàng có trích nổi hay không, từ đó mới nhìn nhận được bản chất của việc xử lý nợ xấu.

Còn hiện tại, ngân hàng cũng rất quyết tâm xử lý, nhưng xử lý nợ xấu đòi hỏi phải có cơ chế, pháp lý... nếu theo trình tự thông thường, thì quá trình xử lý rất chậm, nên cần có cơ chế liên bộ.

Nghị quyết liên bộ để giúp ngân hàng thương mại xử lý nợ xấu nhanh nhất, bỏ bớt trình tự trong phát mại, xử lý tài sản, có như vậy mới giải quyết nhanh được nợ xấu. Chứ không thể nào dùng ngân sách bù vào nợ xấu, mà phải tạo cơ chế, Nghị quyết, hỗ trợ nguồn lực về con người, về bộ máy.

- Thưa ông, liệu Quốc hội có nên ra nghị quyết về vấn đề này hay không?

Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Để có Nghị quyết thì Chính phải trình ra Quốc hội, nghị quyết đó sẽ giúp cho các cơ quan liên bộ xử lý tạm thời nợ xấu mà như thời gian qua chậm giải quyết là do trình tự pháp lý. Đồng thời, chúng ta cũng phải bảo vệ cả người vay và người đi vay, điều mà bản thân ngân hàng cũng đang gặp nhiều khó khăn.

- Đâu là điều tâm đắc nhất của ông với báo cáo kinh tế-xã hội của Chính phủ?

Đại biểu Trần Hoàng Ngân: Báo cáo đã nhìn thẳng những yếu kém trong điều hành kinh tế. Chính phủ mới đã quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, minh bạch, thực sự là hỗ trợ cho thị trường. Chúng ta cần phải triển khai quyết liệt Nghị quyết 19, Nghị quyết 35, có vậy mới đảm bảo ngân sách nhà nước cũng như nợ công giữ được mức trần 65% GDP.

- Xin cảm ơn ông./.

Nhóm PV (Vietnam+)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.