16/11/2020 9:09 AM
CafeLand - Mỗi đứa trẻ đều có thể vẽ bức tranh về một ngôi nhà. Trong đó có một ngày nắng với một vài đám mây, một cái cây, một gia đình với một chú chó, hàng rào gỗ thấp, hoặc thậm chí một chiếc xe hơi. Nhưng trong những bản vẽ này, gần như chắc chắn chúng sẽ vẽ ngôi nhà là một hình chữ nhật đơn giản với mái đầu hồi hoặc mái hình tháp.

Mẫu nhà này xuất hiện ở hầu hết các nền văn hóa, và nhiều kiến trúc sư cũng đang sử dụng nó cho các dự án mang tính đương đại.

Ngoài chức năng chính là thoát nước mưa và tuyết, từ đó bảo vệ con người sống bên trong khỏi ảnh hưởng của thời tiết, mái nhà có thể là một thành phần thẩm mỹ quan trọng để tạo nên một dự án. Trong kiến ​​trúc hiện đại, các tấm mái chống thấm nổi lên như một giải pháp thay thế phổ biến, nhưng mái dốc vẫn tiếp tục thu hút cả khách hàng và kiến ​​trúc sư.

Khi thiết kế mái nhà, kiến ​​trúc sư có thể lựa chọn nhiều loại vật liệu khác nhau. Họ có thể quyết định chọn gạch kim loại, gốm sứ, nhựa đường hay các loại gạch khác để làm thay đổi đáng kể tính thẩm mỹ của dự án, chi phí, đặc tính nhiệt của mái và thậm chí cả kích thước của kết cấu mái. Gạch đá phiến, với màu tối, biến tấu tinh tế và kết cấu trang nhã, thường làm hài lòng nhiều khách hàng.

Đá phiến là một sản phẩm 100% tự nhiên chỉ trải qua quá trình khai thác và chạm khắc, không cần xử lý thêm và không tạo ra chất thải hóa học. Điều này đủ điều kiện để nó trở thành một giải pháp thay thế bền vững cho các lựa chọn vật liệu khác, vì các tàn dư sản xuất của nó là hoàn toàn tự nhiên; không chỉ vậy, cảnh quan của nơi khai thác có thể được phục hồi hoàn toàn với thực vật bản địa trong một quá trình được giám sát và phê duyệt bởi các cơ quan môi trường.

Bên cạnh đó, đá phiến là vật liệu bền và chống cháy, đảm bảo an ninh kết cấu của mái nhà trong trường hợp hỏa hoạn. Tuy nhiên, vì là đá tự nhiên, đá phiến cũng là một vật liệu nặng, đòi hỏi cấu trúc mái phải chắc chắn để giữ được trọng lượng của nó, nhất là thiết kế góc nghiêng tối thiểu và tối đa trong quá trình ốp lát.

Từ mỏ đá, đá phiến tự nhiên phải đi một chặng đường dài trước khi có thể được lắp đặt trên mái nhà. Quá trình sản xuất gạch đá phiến hơi thủ công. Tại khu mỏ, các nhà địa chất kiểm tra kỹ lưỡng những khu vực tốt nhất để thực hiện khai thác. Sau đó, đá phiến được xẻ thành các tấm phẳng lớn, cắt lát và vận chuyển đến nhà máy.

Ở đó, các khối đá được lựa chọn và xẻ theo các kích cỡ khác nhau, tùy theo chất lượng và tiềm năng sử dụng. Bước tiếp theo là quá trình đúc khuôn, trong đó các khối đá nhỏ hơn được những người thợ có trình độ chuyên môn cắt thành từng tấm. Cuối cùng, các góc của mỗi tấm đá phiến được vát mép bằng máy và kiểm tra lần cuối trước khi đưa vào sử dụng.

Gạch đá phiến được đặt trên cấu trúc hỗ trợ của mái nhà, phía trên một lớp chống thấm. Có hai cách chính để lắp đặt các tấm gạch. Chúng có thể được khoan và “đóng đinh” vào cấu trúc, hoặc công nhân có thể sử dụng những chiếc móc nhỏ để giữ chặt từng viên gạch mà không cần “đóng đinh” xuyên qua chúng.

Mái nhà có thể thay đổi tùy vào đặc điểm cụ thể của từng dự án. Dưới đây là 10 loại mái nhà phổ biến nhất có thể sử dụng đá phiến để ốp lát:

Mái đầu hồi: là loại thông dụng nhất, gồm hai mặt phẳng có thể đối xứng hoặc không đối xứng. Nó có thể bao gồm mái hiên hoặc không. Mái đầu hồi rất tiện dụng: dễ xây dựng, thoát nước tốt, tạo sự thông thoáng, thích ứng với hầu hết các công trình kiến ​​trúc.

Mái hình tháp (hay mái 4 mặt dốc): cũng khá phổ biến, là công trình phức tạp hơn một chút so với mái đầu hồi, gồm 4 mặt phẳng nghiêng. Loại mái này đặc biệt thích hợp cho những vùng có gió mạnh, vì không có đầu hồi sẽ khiến gió không lọt qua được.

Mái Hà Lan: tương tự như mái đầu hồi nhưng có hai mặt phẳng nghiêng rõ rệt. Loại mái này cung cấp lối vào tầng áp mái, ngoài ra còn có thêm ánh sáng tự nhiên và không gian rộng hơn.

Mái Mansard: rất phổ biến ở Paris, đây là mái nhà có 4 mặt được tạo thành bởi 8 mặt phẳng, mặt dưới nghiêng dốc và mặt trên gần như bằng phẳng, tạo ra một không gian bên dưới mái lợp.

Mái bằng: Hầu hết các mái bằng đều không bằng phẳng 100% mà hơi dốc. Độ dốc tinh tế này cho phép nước mưa thoát đi tốt hơn.

Mái dốc về một phía: Một cấu trúc độc đáo, cung cấp không gian cho các cửa sổ lớn và trần nhà cao.

Mái hình cánh bướm: Gồm hai mặt phẳng cùng nghiêng về một đường rãnh ở trung tâm. Loại mái này cung cấp nhiều ánh sáng và thông gió, tuy nhiên việc hoàn thiện máng xối phải rất tốt để tránh các vấn đề về thấm dột.

Mái hai mảng: Có đặc trưng như mái đầu hồi, nhưng có bốn mặt phẳng với độ dốc khác nhau giúp tối ưu không gian bên trong gác mái.

Mái doomer: Đặc trưng bởi các cửa sổ trên mái giúp tăng ánh sáng và không gian hiện hữu. Chúng nhô ra và tạo dựng không gian hữu ích bên ngoài mái nhà, cũng như cung cấp thêm ánh sáng tự nhiên và thông gió.

Mái hình chữ M: Gồm hai hoặc nhiều mái có đầu hồi.

Các loại mái dốc có thể làm được nhiều việc hơn là thoát nước, như trở thành tiêu điểm trong các tòa nhà với kiến trúc có sự hòa trộn hoặc nổi bật trong tổng thể công trình. Hiểu được khả năng của những kiểu dáng mái và vật liệu gạch đá phiến là rất quan trọng để đưa ra lựa chọn tốt nhất cho mỗi dự án, kết hợp chức năng, thẩm mỹ và khả năng chi trả của chủ nhân căn nhà.

Lam Vy (Archdaily)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu tại Việt Nam và duy nhất chuyên về bất động sản. Cập nhật thực trạng thị trường bất động sản hiện nay, cung cấp cho các độc giả những thông tin chính xác và những góc nhìn phân tích nhận định về thị trường bất động sản từ các chuyên gia trong ngành. Ngoài ra, CafeLand còn cung cấp cho độc giả tất cả các thông tin về sự kiên, dự án, các xu hướng phong thủy, nhà ở để các bạn có cái nhìn tổng quan hơn về thông tin mua bán nhà đất tại Việt Nam.