01/11/2019 3:42 PM
CafeLand - Những tranh luận gần đây từ báo giới và lãnh đạo chính quyền thành phố Đà Nẵng cho thấy, đến nay địa phương vẫn còn lưỡng lự giữa việc sẽ đầu tư mở rộng cảng Tiên Sa hay làm mới cảng Liên Chiểu.

Theo đó, ý kiến mở rộng cảng Tiên Sa nhận được nhiều quan tâm hơn. Song, nếu đầu tư mở rộng cảng này thì sẽ mở rộng theo hướng nào?

Đơn vị tư vấn, Công ty Surbana Jurong (Singapore), đã thẳng thắn nêu ra nỗi lo về hướng đầu tư cảng Liên Chiểu. Theo công ty này, việc đưa thêm một cảng biển công nghiệp vào vịnh Đà Nẵng sẽ làm tăng nguy cơ ô nhiễm cho vịnh này.

Hoạt động của cảng cũng đòi hỏi sự đầu tư đường sá giao thông, với các nút thắt mới trên đường vào cảng, ảnh hưởng đời sống dân sinh. Hơn nữa, nếu liên kết vận tải hàng hóa công nghiệp khỏi Đà Nẵng, có thể ngược ra cảng Chân Mây hay đi về Chu Lai Kỳ Hà, Đà Nẵng sẽ giảm tải được áp lực vận tải hàng hóa và tai nạn giao thông.

Ông Trần Lê Tuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cảng Đà Nẵng, cho biết cảng Tiên Sa hiện nay thật ra chỉ mới khai thác được 60% công suất, hoạt động phải hơn 5 năm nữa mới quá tải.

Theo ông, nếu mở rộng được hậu cần cảng và phát triển dịch vụ logistics, cảng sẽ duy trì ổn định được thế phát triển. Đồng thời, phải thấy rõ cảng Tiên Sa đang bí bách về luồng tuyến giao thông ra vào cảng, khi liền kề với cảng là đoạn đường nối QL14B đi qua vùng dân sinh, thường xuyên đe dọa tai nạn giao thông.

Từ cách nhìn đó, nhà tư vấn kiến nghị Đà Nẵng xem lại phương án đầu tư cảng biển, chấp nhận mở rộng cảng Tiên Sa, không nên đầu tư cảng Liên Chiểu. Hướng đầu tư cảng Tiên Sa chỉ đơn giản là mở rộng luồng tuyến giao thông hàng hóa qua cảng, gỡ các nút “đen” qua khu dân cư và khai thác tốt các khu ngoại quan, kho bãi kết hợp logistics.

“Chỉ cần mở rộng giao thông 3 km đường Ngô Quyền hiện nay là có thể giải quyết bài toán cảng Tiên Sa”, ông Trần Lê Tuấn nói như vậy.

Phương án đề xuất mở rộng cảng Tiên Sa của nhà tư vấn đang thu hút dư luận.

Một số doanh nghiệp du lịch địa phương cũng nhìn nhận, hướng đầu tư mở rộng cảng Tiên Sa có thể khả thi hơn, nhưng không nên tích hợp cả ba yếu tố du lịch – hàng hóa – an ninh quốc phòng vào cảng này.

Hiện nay, chỉ với vấn đề kết hợp làm sao vận tải hàng hóa công nghiệp với tiếp đón du khách đường biển đã là câu hỏi khó với Đà Nẵng. Vậy nên, Đà Nẵng chấp nhận chuyển cảng Tiên Sa theo hướng làm bến thuyền du lịch, đón các du thuyền, chỉ nhập các hàng hóa dạng container phục vụ du lịch. Từ góc độ này, vấn đề an ninh quốc phòng ở cảng biển Tiên Sa không có trở ngại nào.

Còn hàng hóa công nghiệp, như đã được phân tích, Đà Nẵng nên hợp tác với các cảng biển lân cận để xử lý. Hiện tại, sản xuất công nghiệp Đà Nẵng hầu hết nằm ở quận Liên Chiểu. Việc vận tải hàng hóa ra khỏi thành phố bởi thế cũng rất đơn giản và hiệu quả.

Vận tải hàng hóa vào cảng với chặng đường vài chục km không hao tốn chi phí quá lớn cho doanh nghiệp, miễn là chặng đường ấy an toàn là, các chuyên gia kinh tế nhìn nhận như vậy.

Đương nhiên, dư luận tại Đà Nẵng cũng có góc nhìn khác, cho rằng không nên đầu tư mở rộng cảng Tiên Sa vì có thể ảnh hưởng đến môi trường sinh thái ở bán đảo Sơn Trà. Việc xử lý các nút thắt, điểm đen giao thông dọc tuyến QL14B cũng không thể hy vọng là bảo đảm tuyệt đối.

Mở rộng các kho ngoại quan cùng dịch vụ logistics sẽ giúp cảng Tiên Sa hoạt động tốt hơn.

Những bàn luận này đang khiến lãnh đạo Đà Nẵng lưỡng lự với cả hai chiều hướng đầu tư. Song theo phân tích của chuyên gia tư vấn, bối cảnh kinh tế hiện nay chưa thể cho phép Đà Nẵng làm mới cảng Liên Chiểu với số vốn gần 8.000 tỉ đồng. Còn câu chuyện nguy hiểm dân sinh dọc tuyến đường Ngô Quyền liệu có bằng dân sinh khu vực quận Liên Chiểu hay không rất cần có một đánh giá khách quan trọn vẹn.

Ông Thái Ngọc Trung, Phó giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng, cho biết hiện nay Thành ủy Đà Nẵng đã yêu cầu sở nối kết để Bộ Giao thông vào xem xét, có thể tổ chức một buổi hội thảo để trực tiếp lắng nghe sự góp ý của nhiều bên, qua đó đi đến quyết định sẽ đầu tư cảng Liên Chiểu hay mở rộng cảng Tiên Sa.

Nhạc Duy Hạ
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.