CafeLand - Không ít nhà đầu tư bất động sản tại Đà Nẵng đang bức xúc về thực trạng hàng trăm lô đất nền bị “treo”, không thể chuyển nhượng vì có liên quan đến hồ sơ pháp lý vụ án “đại gia” Phan Văn Anh Vũ (Vũ nhôm).

Trong khi đó, chiếu theo Luật đất đai, những người sở hữu các bất động sản này là người thứ ba có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan vụ án, không trực tiếp liên hệ đến Vũ nhôm. Vậy việc hạn chế giao dịch tại các lô đất nền này là đúng hay sai?

Điều đáng chú ý là với câu hỏi này, ngay cả những luật sư có kinh nghiệm về xử lý bất động sản tại Đà Nẵng cũng tỏ ra ngập ngừng, bởi họ không muốn “bị chiếu tướng”, hiểu theo một nghĩa nào đó.

“Các lô đất do Vũ nhôm bán, hay công ty Vũ nhôm phân phối, đều bị xếp vào dạng đóng băng, không thể giao dịch chuyển nhượng gì được đâu”, một luật sư lâu năm trong lĩnh vực tư vấn kinh tế, bất động sản tại Sơn Trà (Đà Nẵng) chia sẻ như vậy.

Lỡ mua rồi thì để đó?

Chia sẻ với CafeLand, anh Đ.H.B, một doanh nhân tại TP.HCM, cho biết cuối năm 2017, anh có nhận chuyển nhượng quyền sở hữu hai lô đất ở tại Sơn Trà (Đà Nẵng) nằm trong khu vực dự án do Công ty Bắc Nam (doanh nghiệp của Vũ nhôm) đầu tư và phân phối. Người đứng tên giấy tờ ban đầu dĩ nhiên là ông Phan Văn Anh Vũ, và Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai quận Sơn Trà đã ký xác nhận việc chuyển nhượng này. Theo luật định, quyền sở hữu đất ở đã thuộc về anh B.

Song mới đây, khi tiến hành chuyển nhượng lại hai lô đất cho một người bạn, anh B gặp trở ngại với thông tin sẽ không có giao dịch nào được thực hiện vì hai lô đất có liên quan đến vụ án Vũ nhôm. Một người bạn ở Đà Nẵng giúp anh tra hỏi lại thực tế ở địa phương.

Một sổ đỏ từng do Vũ nhôm đứng tên hiện không thể giao dịch được.

“Tôi rất bất ngờ khi tất cảbạn bè quen biết ở Đà Nẵng đều trả lời, đất Vũ nhôm là đóng băng”, anh B cho biết. Cho đến nay, anh B vẫn phải “ôm” hai lô đất giá trị hàng tỉ đồng mà không biết cách nào xử lý.

Điều đáng nói là không chỉ một mình anh B rơi vào tình cảnh khóc dở mếu dở này. Trên địa bàn Đà Nẵng, theo một thống kê không chính thức, có hàng trăm lô đất đang trong tình trạng tương tự, bởi xuất phát điểm do Công ty Bắc Nam khai thác phân phối. Hàng trăm sổ đỏ đứng tên Phan Văn Anh Vũ được giao dịch nhộn nhịp vào thời điểm đất “nóng” từ 2012 – 2017 đã tự động “bị đóng băng” sau khi đại gia này sa lưới pháp luật.

Một cách tự nhiên bất thành văn, hoạt động bất động sản liên quan đến hai chữ Vũ nhôm bỗng biến thành sai trái pháp luật, bị nghi ngờ và cần điều tra làm rõ gốc tích trở lại, mới mong được chấp nhận giao dịch chuyển nhượng. Những người đã tiến hành sở hữu các lô đất này đều được khuyên, “đã lỡ mua rồi thì để đó, đợi tình hình thay đổi”.

Trái luật nhưng phải chấp nhận?

Thực tế theo Luật đất đai 2013, những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến các vụ án tranh chấp phải được pháp luật bảo vệ. Trong trường hợp các lô đất nền do doanh nghiệp ông Phan Văn Anh Vũ đứng tên phân phối, chuyển nhượng, về mặt pháp lý, đương nhiên không liên can đến diễn biến vụ án điều tra đất đai tại Đà Nẵng do Thanh tra Nhà nước tiến hành với sự can dự của các cơ quan chức năng. Cho nên các lô đất này đủ điều kiện để sang nhượng, chuyển quyền với quyền sở hữu đã được công nhận của các chủ sở hữu về sau.

“Về lý, dĩ nhiên yêu cầu của các chủ sở hữu đất sau khi chuyển nhượng là đúng, cơ quan chức năng không có quyền cấm cản việc sang nhượng của họ”, luật sư Trần K.L, đoàn luật sư thành phố Đà Nẵng, nhận định.

Tuy nhiên, do có liên quan đến vụ trọng án đang điều tra, nên tâm lý người nhận chuyển nhượng cũng thấp thỏm, cơ quan quản lý chức năng cũng e dè liên đới về sau. Nếu việc chuyển nhượng ấy không bị truy cứu sau này, thì mọi việc đơn giản.

“Nhưng ai biết được lô đất đăng ký chuyển nhượng, cấp lại giấy chứng nhận có nguồn gốc từ Vũ nhôm, là an toàn thật? Cho nên, ngay cả những luật sư tư vấn cũng không dám mạnh dạn nhận định nên hay không nên tiến hành giao dịch chuyển nhượng”, ông L nói.

Dự án Đa Phước (Thuận Phước, Hải Châu, Đà Nẵng) trở ngại nhiều năm do có liên quan đến đại án Vũ nhôm.

Bởi một thực trạng đó, trong hai năm qua, trên địa bàn Đà Nẵng có hàng trăm lô đất có nguồn gốc liên quan đến công ty bất động sản từng do ông Phan Văn Anh Vũ quản lý, đều nằm trong trạng thái nằm chờ kết luận thanh tra vụ án. Kể cả các dự án lớn tại Thuận Phước (Hải Châu, Đà Nẵng) hay ở huyện Hòa Vang) cũng bị “giữ nguyên hiện trạng điều tra”. Tính ra, hàng trăm tỷ đồng vì có liên quan vụ án Vũ nhôm mà “chôn sâu cùng đất”, thiệt hại không hề nhỏ cho các doanh nghiệp và cá nhân sở hữu.

Theo một số đơn vị môi giới, chính quyền thành phố Đà Nẵng cần nghiêm túc xem xét lại vấn đề này, để có giải pháp xử lý. Có thể, chính quyền phải công bố về tính pháp lý theo luật của các bất động sản sau giao dịch với Vũ nhôm, để chỉ đạo các cơ quan chức năng mạnh dạn và minh bạch quản lý.

Hoặc chính quyền phải có biện pháp, yêu cầu cơ quan thanh tra sớm có kết luận, thông tin xác nhận quyền lợi cho các bên thứ ba có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan các bất động sản dính líu vụ án Vũ nhôm. Có như vậy thì tình trạng “đóng băng” trái quy định pháp luật của các bất động sản liên quan đến Vũ nhôm mới có thể giải mở, qua đó giúp tránh tổn thất kéo theo cho xã hội về các giá trị tài chính đầu tư.

Nguyên Đức
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.