Đà Nẵng bỏ tiền làm đường xuống biển liệu sai phạm có mắc tiếp sai phạm?

Làm đường mấy chục tỷ hay mấy tỷ?

Liên quan tới thông tin Đà Nẵng đã chi hàng chục tỷ đồng mở hai lối xuống biển cho dân ở khu vực đường Hồ Xuân Hương và khu vực giữa khách sạn Furama với quần thể đô thị du lịch quốc tế Ariyana với tổng số tiền khoảng hơn 3 tỷ đồng.

Lối xuống biển cho dân ở khu vực đường Hồ Xuân Hương đang được khẩn trương xây dựng. Ảnh: TTO

Trước đó, Đà Nẵng cũng phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng dự án lối xuống biển tại khu vực dự án khu du lịch biển The Song (phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn) với tổng mức đầu tư hơn 6,5 tỉ đồng.

Nêu quan điểm về thực trạng trên, KTS Hồ Duy Diệm nguyên Trưởng ban quy hoạch của thành phố cho rằng, quyết định giao đất cho doanh nghiệp để phát triển du lịch mà chưa xem trọng vấn đề môi trường sinh thái, không quan tâm tới nguyện vọng, nhu cầu của người dân ven biển từng có hàng trăm năm gắn bó với bờ biển là sự thiếu sót, sai lầm rất lớn.

Từ chỗ thiếu sót, sai lầm như vậy cùng với việc buông lỏng quản lý để hàng loạt các doanh nghiệp xây dựng dự án, dựng hàng rào, bít lối đi không cho dân xuống biển, khiến người dân bức xúc.

Mới đây, Đà Nẵng đã có những chỉ đạo nhằm khắc phục, sửa sai cho các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương bằng cách chi tiền mở lối cho dân xuống biển. Dù chỉ đạo trên là muộn song vẫn nhận được nhiều sự ủng hộ từ phía người dân và dư luận.

Tuy nhiên, vị KTS cho biết, ông có nghe nguồn tin nói rằng Đà Nẵng đã phải chi tới nhiều hơn để thực hiện vài cây số đường xuống biển chứ không phải là một vài tỷ như báo cáo.

"Tôi muốn Đà Nẵng làm rõ hai vấn đề:

Thứ nhất, số tiền đầu tư mở đường xuống biển như dư luận nói có đúng không? Nếu đúng thì số tiền đó được sử dụng như thế nào?

Thứ hai, số tiền trên có dùng để mua lại đất của doanh nghiệp hay không? Nếu có việc thành phố mua lại đất của doanh nghiệp nghĩa là Đà Nẵng cấp đất cho doanh nghiệp sai không thu hồi được mà phải bỏ tiền mua lại? Đây sẽ là sai lầm chồng tiếp sai lầm", KTS Hồ Duy Diệm đặt vấn đề và đề nghị Đà Nẵng có giải thích thỏa đáng.

Làm sai phải chịu trách nhiệm

Từ sai phạm trong cấp đất cho doanh nghiệp bịt lối xuống biển, liên hệ tới chuyện bán sân Chi Lăng tại Đà Nẵng, KTS Hồ Duy Diệm cho rằng đó là những biểu hiện của tư duy nhiệm kỳ, bị lái theo lợi ích của doanh nghiệp gây thiệt hại cho nhà nước và người dân, gây bức xúc cho xã hội.

Ông cũng khẳng định, đó không chỉ là những sai phạm xảy ra với riêng Đà Nẵng, và việc chạy theo sửa sai của Đà Nẵng như bỏ tiền mở lối xuống biển hay chuộc lại sân Vận động Chi Lăng là những bài học đau xót cần phải chấm dứt.

Tuy nhiên, việc trước mắt vị KTS cho rằng cần phải tìm giải pháp giải quyết thỏa đáng để bù đắp thiệt thòi cho người dân trước tiên như, phải mở đường cho dân xuống biển, phải lấy lại cho được sân vận động Chi Lăng.

Theo vị KTS, để giải quyết ổn thỏa trong trường hợp này cũng cần có chính sách đền bù thỏa đáng cho doanh nghiệp, mỗi bên phải chấp nhận “hy sinh” một chút lợi ích thì sẽ hình thành được con đường cho dân xuống biển.

Ông lấy ví dụ, với những dự án được giao đất và doanh nghiệp đã nộp tiền thuê, sử dụng đất về ngân sách thành phố, nếu Đà Nẵng muốn lấy lại đất thì phải có chính sách bồi hoàn lại tiền cho doanh nghiệp.

Còn với sân vận động Chi Lăng thì lấy chính số tiền doanh nghiệp đã nộp về ngân sách địa phương để trả lại cho doanh nghiệp.

"Khó một việc là, khi Đà Nẵng nhận tiền từ doanh nghiệp có thể chỉ là 1 đồng nhưng qua hàng chục năm tới giờ đồng tiền bị trượt giá, nay đã lên đến 10 đồng thì bây giờ sẽ phải trả thế nào?

Việc này cả hai bên sẽ phải ngồi lại cùng thỏa thuận, thống nhất với nhau vì lợi ích chung", vị KTS đề xuất.

Bên cạnh đó, vị KTS cũng luôn nhấn mạnh, việc xử lý trách nhiệm của người làm sai phải thực hiện nghiêm khắc, nghiêm minh trước pháp luật. Cùng với đó, trách nhiệm bồi thường, yêu cầu khắc phục hậu quả cũng cần được đặt ra trong quá trình xử lý trách nhiệm đối với những người cán bộ, lãnh đạo từng để xảy ra sai phạm trong quá trình quản lý.

Thái Bình (Đất Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.