Chung cư cao cấp Fhome gây nứt lún 41 nhà dân xung quanh - Ảnh: Lê Đình Dũng.
Khổ sở trăm đường
Theo phản ảnh của người dân và sự thống kê của các đại biểu hội đồng, ít nhất trên địa bàn TP.Đà Nẵng đang có 3 công trình cao ốc đang xây dựng gây nứt lún nhà dân, ô nhiễm môi trường. Cụ thể, công trình khu chung cư cao cấp Fhome tại số 16 Lý Thường Kiệt (P.Thạch Thang, Q.Hải Châu) do Công ty CP Lương thực Đà Nẵng làm chủ đầu tư. Công trình này được cấp phép năm 2013, cao 25 tầng, hiện đang trong quá trình thi công nhưng đã gây lún nứt 41 nhà.
Trường hợp thứ hai là công trình văn phòng làm việc của ngân hàng BIDV tại số 65 đường Hải Phòng, góc ngã ba đường Hải Phòng và đường Ngô Gia Tự. Công trình này được cấp phép năm 2002, hiện đang thi công tầng 22/quy mô 23 tầng. Trong quá trình thi công gây nứt 18 nhà.
Ngoài ra, một cao ốc đang được xây dựng tại ngay góc đường Trần Phú-Thái Phiên, sơ bộ ban đầu đã gây nứt lún 4 nhà.
Ông Ngô Văn Dũng, tổ trưởng tổ dân phố 8 (trú số 12 Lý Thường Kiệt, P.Thạch Thang, Q.Hải Châu), nhà sát cạnh công trình cao ốc Fhome cho biết, từ lúc cao ốc này được xây dựng, cuộc sống của dân cư quanh khu vực bị đảo lộn và ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ông Ngô Văn Dũng cho biết người dân ở quanh công trình này rất khổ sở
Ông Dũng tạm liệt kê một danh sách những vi phạm trong thời gian gần đây mà công trình này đã vi phạm. Cụ thể, vào ngày 26.11.2016, một tấm tôn có chiều dài khoảng 3m, rộng 0,50m đã rơi từ công trình này xuống ngay giữa lối đi khu dân cư kiệt 18 Lý Thường Kiệt. Sáng 27.11.2016, bảo vệ Fhome đã dẫn theo một số công nhân sang với ý định lấy tấm tôn mang đi để phi tang vật chứng nhưng bị người dân trong khu vực phát hiện ngăn chặn, giữ tấm tôn lại.
“Rất may mắn là khi tấm tôn rơi không có người ở đó, nếu tôn rơi trúng người thì hậu quả thật khó lường”, ông Dũng nói và cho biết thêm, ngày 30.10.2016, giàn giáo ở công trình này bị sập xuống trụ sở của công ty Vinatex và bị Sở Xây dựng xử phạt 7,5 triệu đồng. Ngày 31.10 và 01.11.2016, một tấm ván cốt pha đóng 3 cây đinh, 1 mũ bảo hộ lao động và nhiều đá cục đã rơi sát vị trí vợ chồng chị Ngọc, anh Nông đang đứng tại kiệt 12 Lý Thường Kiệt. UBND phường sau đó đã thu giữ tang vật.
Nhà dân quanh khu vực khu chung cư Fhome bị nứt lún
Ông tổ trưởng liệt kê tiếp: “Một trận mưa đá bê tông trút xuống kiệt 12 lúc 10 giờ 15 ngày 8.11, Chi nhánh Thú y Trung ương 1 tại kiệt 12/4 Lý Thường Kiệt bị đá rơi thủng mái tôn nước chảy thấm ước cả nhà; xe Honda con chị Thạch để trước nhà tại kiệt 12/2 Lý Thường Kiệt bị đá rơi bể mặt kính đồng hồ.
Lúc 9 giờ 50 ngày 11.11, đá rơi thủng mái tôn Bảo hiểm xã hội quận Hải Châu tại số 10 Lý Thường Kiệt, cán bộ phường đã lập biên bản. Lúc 10 giờ 30 ngày 18.11, một thanh sắt đã rơi xuống mái tôn nhà ông Trần Văn Hải tại kiệt 12. Ngày 19.11, vật liệu xây dựng rơi làm bể kính cửa sổ nhà ở bà Lề Thị Năm tại kiệt 18/8 Lý Thường Kiệt...”.
“Đây mới chỉ là sự việc xảy ra trong vòng chưa đầy một tháng; nếu tính từ thời điểm họ bắt đầu xây dựng chung cư cho đến nay thì mới thấy rằng người dân chúng tôi phải gồng mình chịu đựng như thế nào để giữ lấy mạng sống. Có nhà cả năm không dám mở cửa vì môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, có nhiều người khi ra khỏi nhà đi đổ rác cũng phải đội mũ bảo hiểm để giữ lấy cái đầu...”, ông Dũng kể trong bức xúc.
“Để đạt được mục đích kinh doanh, họ không từ bỏ bất cứ thủ đoạn nào như tung tin bịa đặt nói xấu cán bộ, thậm chí để đánh lạc hướng dư luận họ còn tung tin người dân chúng tôi tạo hiện trường giả để vu oan cho họ”, ông Dũng cho biết.
Vai trò của Sở Xây dựng ở đâu?
Trong kỳ họp thứ 3 HĐND TP.Đà Nẵng khóa 9 mới đây, đại biểu Lê Thị Thanh Minh đã chất vấn ông Phạm Việt Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng thành phố này: “Những công trình này đã gây ảnh hưởng cuộc sống bình thường, tổn hại vật chất lẫn tinh thần của người dân vì gây tiếng ồn hằng ngày người dân không nghỉ ngơi được, thứ hai là gây hỏng nhà khiến người dân phải đi theo kiện tụng đối với chủ đầu tư.
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước trong cấp phép xây dựng cho các chủ đầu tư, Sở đã đầy đủ trách nhiệm soát xét hết các phương án và giải pháp trong quá trình thi công của các chủ đầu tư chưa? Thứ hai khi xảy ra sự cố nêu trên thì sở làm gì để nhân dân khỏi nơm nớp ngày đêm lo sợ phải tốn công sức lao vào kiện tụng tranh chấp như hiện nay”.
Trả lời câu chất vấn này, ông Hùng viện dẫn: “Theo thông tư 02 của Bộ Xây dựng, thì UBND TP.Đà Nẵng đã có công văn 9868 quy định về quy trình giải quyết về việc thi công gây lún nứt công trình. Sau khi có lún nứt thì phải dừng thi công để xác định nguyên nhân. Nếu chủ đầu tư tích cực trong việc đền bù thì được cho tiếp tục thi công để giảm thiểu ảnh hưởng môi trường quanh khu vực thi công. Song song đó, chủ tịch phường chủ trì việc thỏa thuận bồi thường, qua hai lần thỏa thuận trên cơ sở kết quả kiểm định của tư vấn nếu không thành thì bên thiệt hại sẽ khởi kiện ra tòa, đồng thời chủ đầu tư phải thực hiện việc bảo lãnh tài chính để đảm bảo việc thực thi bản án có hiệu lực về bồi thường lún, nứt”.
Ông Hùng cho biết, đối với công trình 65 Hải Phòng, trong quá trình thi công gây nứt 18 nhà, Chủ tịch UBND P.Thạch Thang đã chủ trì nhiều phiên họp, thỏa thuận bồi thường. Hiện chủ đầu tư đã đền bù 12 hộ, còn 6 hộ chưa đền bù. Sở tiếp tục theo dõi và hướng dẫn phường xử lý.
“Trường hợp khu chung cư Fhome gây lún nứt 41 nhà. Trường hợp này gây khiếu kiện kéo dài, các hộ liên tục gửi đơn xuống chủ tịch UBND TP và Giám đốc Sở Xây dựng. Hiện chủ đầu tư đã đền bù xong 30 nhà. 11 nhà chưa đền bù trong đó có 7 nhà trung tâm kiểm định chất lượng đang kiểm định lại vì người dân không đồng ý với kiểm định cũ; 2 nhà đã kiện ra tòa là ông Đào Tấn Nhật và ông Ngô Văn Dũng; 2 hộ chưa khởi kiện thì chủ đầu tư đã thực hiện bảo lãnh tài chính 1 tỉ đồng đảm bảo việc thi hành án có hiệu lực về đền bù nứt, lún”.
“Công trình ở ngã tư Trần Phú có 4 nhà bị nứt lún, hiện đang chờ kết quả kiểm định của đơn vị tư vấn để có hướng xử lý”, ông Phạm Việt Hùng cho biết.
Tuy nhiên, khi trả lời chất vấn của đại biểu Thanh Minh về trách nhiệm của Sở Xây dựng, ông Hùng cho rằng Sở đã làm đầy đủ.
Công trình Fhome dù đang xây dựng nhưng việc che chắn không đảm bảo
Ngay cả ông Nguyễn Xuân Anh, Bí thư Đà Nẵng cũng khẳng định rằng: “Nguyên tắc làm hư nhà người ta phải đền. Người dân chả biết thông tư quy định nào cả, mà làm hư nhà họ là phải đền và chính quyền phải bảo vệ họ. Ông làm nhà lên mà hư nhà tôi ông phải đền”.
Theo đó, ông Xuân Anh cho rằng: “Không đền thì phải dừng thi công thậm chí rút giấy phép. Cả công trình lớn như thế, không đánh giá đầy đủ để hư nhà dân đến mấy chục cái. Mình may mắn không ở gần mấy công trình đó cũng phiền lắm, thứ nhất ồn ào, rồi nứt nhà, sửa lại cũng rất khó”.
Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh nói rằng phải thể hiện rõ quan điểm bảo vệ dân trước khi bảo vệ mấy ông chủ đầu tư - Ảnh: Lê Đình Dũng
“Quan điểm phải làm đúng theo pháp luật, hư phải đền và quyền lợi người dân phải đặt lên hàng đầu. Phải thể hiện rõ quan điểm bảo vệ dân trước khi bảo vệ mấy ông đó”, Bí thư Đà Nẵng khẳng định.
Từ cử tri đến các đại biểu hội đồng và cả người lãnh đạo cao nhất của Đà Nẵng đều cho rằng việc cho các cao ốc vào các khu dân cư xây dựng dẫn đến nứt lún là một vấn nạn. Vậy, trách nhiệm của lãnh đạo Sở Xây dựng thành phố này xem ra còn nhẹ hời quá.