Dù công suất phòng ngày càng có xu hướng giảm, đặc biệt là khách sạn 1-2 sao, nhưng lượng khách sạn nhỏ và số phòng khách sạn tại Đà Nẵng ngày càng tăng mạnh, bất chấp khuyến cáo của các cơ quan chức năng.

Đường Dương Đình Nghệ nhỏ hẹp phải “gánh” hàng chục khách sạn đang xây cùng hơn 20 khách sạn lớn nhỏ hoạt động - Ảnh: V.HÙNG

Việc nhà đầu tư đua nhau đổ vốn xây khách sạn, nhất là khách sạn loại nhỏ, tập trung ở những khu dân cư, không những khiến cho hạ tầng tại những địa bàn này trở nên quá tải, mà nhà đầu tư cũng đối diện với nguy cơ cung vượt cầu ngày càng lớn...

Khu dân cư tràn ngập khách sạn

Ghi nhận tại các tuyến đường ven biển Đà Nẵng, từ đường Hoàng Sa và Võ Nguyên Giáp đến Trường Sa cho thấy ngoài các khách sạn lớn nhỏ đang hoạt động, hàng trăm khách sạn mới cũng đang ồ ạt được thi công cả ngày lẫn đêm.

Các khách sạn này nằm san sát, vây kín các con đường. “Nóng” nhất là các tuyến đường gần biển ở phường Phước Mỹ (quận Sơn Trà), khách sạn, nhà nghỉ... mọc lên như nấm.

Chẳng hạn, đường Phan Bôi (rộng 5,5m và dài hơn 100m) hiện có hai khách sạn 7-9 tầng được gấp rút xây dựng, chưa kể ba khách sạn nhỏ đang hoạt động.

Đường Hà Bổng (dài 300m) có hơn 30 khách sạn, nhà nghỉ hoạt động, thường xuyên bị kẹt cứng bởi ôtô khách chen nhau với taxi, xe con, xe máy.

Đường Dương Đình Nghệ (rộng 7,5m) chạy thẳng ra biển cũng quá tải xe, người bởi khách sạn mọc dày đặc. Tương tự là các đường ven biển như đường Võ Văn Kiệt, Hồ Nghinh... cũng ken đặc các khách sạn lớn nhỏ.

Tại các khu dân cư phường Mỹ An, Khuê Mỹ (quận Ngũ Hành Sơn), từ đường Lê Quang Đạo, Đỗ Bá, Trần Bạch Đằng... người dân cũng phải nhường đường để làm du lịch, chưa kể các công trình khách sạn và nhà nghỉ mới đang đua nhau mọc lên.

Đường An Thượng 3 (dài khoảng 200m) hiện có bốn công trình khách sạn đang xây mới, cùng hàng chục khách sạn hoạt động. Các con đường An Thượng 30, 31, 32 vốn không đủ hai chiếc xe khách tránh nhau cũng ken dày khách sạn cũ, mới.

Anh N.H.K. (ngụ đường An Thượng 30) bức xúc cho biết do hạ tầng chỉ đủ phục vụ vài chục hộ dân nhưng do có nhiều khách sạn mọc lên, sử dụng đường, điện, nước nhiều khiến quá tải, nước yếu trong khi điện thường xuyên xảy ra sự cố bình biến thế.

Ông Nga (đường Hà Bổng) ngao ngán nói: “Trước đây yên tĩnh lắm, vài năm nay mọc lên nhiều khách sạn thì ồn ào xe cộ, du khách ngày đêm, nhiều người phải bán nhà đi nơi khác ở”.

Đường Hà Bổng trước đây là khu dân cư nay biến thành phố khách sạn, khiến hạ tầng bị quá tải nghiêm trọng - Ảnh: V.HÙNG

Siết chặt thẩm định, 
chất lượng dịch vụ

Ông Nguyễn Thành Nam, phó chủ tịch UBND quận Sơn Trà, thừa nhận nhiều khu dân cư trên địa bàn này hiện biến thành các “phố khách sạn”, gây ra tình trạng quá tải về hạ tầng, nhất là giao thông.

Theo ông Nam, tình trạng xây dựng khách sạn tràn lan không theo quy hoạch sẽ dẫn đến cảnh không gian du lịch lộn xộn, ảnh hưởng đến bộ mặt đô thị.

“Đã đến lúc TP cần có một quy hoạch tổng thể về các khu vực để xây khách sạn, đặt ra các quy định để cấp phép đầu tư, xây dựng, không nên để tình trạng xây dựng khách sạn tự phát”, ông Nam nói.

Bà Trương Thị Hồng Hạnh, phó giám đốc Sở Du lịch TP Đà Nẵng, cho rằng tăng trưởng nóng lượng khách sạn nhỏ 1-3 sao do các chủ đầu tư xây dựng tự phát, thiếu thông tin thị trường, các tiêu chuẩn xếp hạng, nhân lực, thị trường, chỉ chủ yếu đón khách nội địa nên có tình trạng cung vượt cầu.

Việc cạnh tranh về giá khiến giá phòng thấp hơn trước, chất lượng phục vụ không đảm bảo, ảnh hưởng đến hình ảnh ngành du lịch Đà Nẵng.

Để khắc phục tình trạng này, theo bà Hạnh, cơ quan này đang tiến hành nhiều biện pháp. Chẳng hạn, phối hợp cùng các sở, ngành chức năng, địa phương khuyến nghị doanh nghiệp đầu tư khách sạn lựa chọn quy mô, bổ sung dịch vụ lưu trú, kê khai giá, niêm yết giá để quản lý.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân sự; xử phạt, hạ hạng, rút hạng các trường hợp không đảm bảo các điều kiện kinh doanh nhằm siết chặt chất lượng phục vụ.

Siết chặt việc thẩm định cơ sở lưu trú, tổ chức tập huấn nghiệp vụ khách sạn, kỹ năng mềm, nâng cao nhận thức về chất lượng dịch vụ.

Cũng theo bà Hạnh, trong đợt kiểm tra mới đây sở đã nhắc nhở trên 50 khách sạn, xử phạt 14 đơn vị không đảm bảo chất lượng theo hạng sao... Trong đó, 18 khách sạn không đảm bảo tiêu chuẩn đã bị chuyển hạng nhà nghỉ và 10 khách sạn bị hạ hạng sao.

“Chúng tôi đang xây dựng quy hoạch hệ thống cơ sở lưu trú đến năm 2025, định hướng năm 2030 sẽ trình TP trong tháng 3-2017.

Khi đó sẽ có căn cứ pháp lý để cấp giấy phép xây dựng, giấy phép đầu tư, có cơ sở để cảnh báo, khuyến nghị việc đầu tư kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch”, bà Hạnh cho biết.

Số lượng phòng tăng, công suất phòng giảm

Theo thống kê của Sở Du lịch TP Đà Nẵng, trong 3 năm qua, số lượng phòng khách sạn trên địa bàn tăng từ 2.000 - 3.000 phòng/năm. Chẳng hạn, năm 2015 mới có 490 resort và khách sạn, trong đó khách sạn 1-2 sao chiếm 80,4%, với 18.233 phòng.

Đến năm 2016, con số resort và khách sạn trên địa bàn đã tăng lên 575 với 21.324 phòng, tăng đến 3.091 phòng. Trong đó, khối khách sạn 1-2 sao là 459 với 10.038 phòng, chiếm gần 80% tổng số cơ sở lưu trú.

Và theo thống kê mới nhất, nếu tính cả khách sạn 3 sao, hiện số lượng khách sạn 1-3 sao chiếm đến 82,2% tổng số cơ sở lưu trú trên địa bàn.

Cũng theo thống kê này, trong khi công suất phòng khách sạn cao cấp có xu hướng tăng, công suất phòng khách sạn cấp thấp lại ngày càng giảm. Năm 2016, công suất phòng khối 4-5 sao đạt 60-70%, tăng hơn 5% so với năm 2015.

Trong khi đó, từ năm 2014 - 2016, ngay cả ở mùa cao điểm, công suất phòng ở phân khúc khách sạn 1-2 sao chỉ đạt khoảng 50% và chỉ còn 25-30% vào mùa thấp điểm.

Ngay trong dịp tết vừa qua, trong khi công suất buồng phòng khối khách sạn và resort 4-5 sao ước đạt 72-80% thì khối khách sạn 3 sao chỉ đạt 46% và khách sạn 1-2 sao chỉ từ 10-20%.

Việt Hùng (Tuổi Trẻ)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
 
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.